Sự cố xảy khi oanh tạc cơ B-52H thuộc Phi đoàn thử nghiệm số 419, đóng quân tại bang California, đang bay kiểm tra với mẫu thử nghiệm Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC). Địa điểm và thời gian diễn ra sự cố không được tiết lộ, nhưng mẫu tên lửa HAWC đã bị phá hủy hoàn toàn sau khi bị tách rời khỏi máy bay và rơi xuống đất, các nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Một số mảnh vỡ đã được thu hồi nhanh chóng, cho thấy sự cố diễn ra trong chuyến bay thử nghiệm trên đất liền, không phải thao trường huấn luyện bắn đạn thật trên biển. Không quân Mỹ không bình luận về sự cố, trong khi Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết “chi tiết về những đợt bay thử nghiệm là thông tin mật”.
Oanh tạc cơ B-52H mang mô hình tên lửa siêu vượt âm dưới cánh hồi năm 2019. Ảnh: USAF.
HAWC là chương trình phối hợp giữa DARPA và không quân Mỹ nhằm phát triển những công nghệ then chốt cho tên lửa hành trình siêu vượt âm phóng từ máy bay. Dự án này chú trọng vào các chuyến bay thử nghiệm chớp nhoáng, hiệu quả cao với mức giá phải chăng nhằm đánh giá công nghệ.
Tập đoàn Lockheed Martin hồi năm 2017 được chọn làm đơn vị nghiên cứu, chế tạo các nguyên mẫu tên lửa. Tuy nhiên, dự án đang chậm tiến độ gần 6 tháng so với kế hoạch.
HAWC ban đầu được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu mặt đất, sau đó được bổ sung khả năng tấn công tàu chiến để tăng lựa chọn cho các chỉ huy hải quân Mỹ. Nó có thể được lắp trên nhiều máy bay của hải quân Mỹ như chiến đấu cơ tàng hình F-35C, tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet và máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon, cùng oanh tạc cơ B-1 và B-52 của không quân Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của Lockheed Martin và chưa được quân đội Mỹ xem xét.
Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten đầu năm nay thừa nhận Washington tụt hậu so với Moskva và Bắc Kinh về vũ khí siêu vượt âm, cho rằng Mỹ sẽ mất nhiều năm và phải bỏ nguồn lực rất lớn để giành lại vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này.
Hải quân Mỹ hồi tháng 3 phóng thử nguyên mẫu Phương tiện Lướt Siêu vượt âm Chung (C-HGB) không mang đầu đạn, sự kiện được đánh giá là bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí siêu vượt âm của Washington. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều đã biên chế một số loại tên lửa siêu vượt âm với đầy đủ khả năng chiến đấu.