Ông Troussier đã đúng về tuyển Việt Nam?

Nếu thất bại trước Nga thuần túy đến từ chênh lệch quá lớn, trận thua ngược trước đội hình trẻ của Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về phong độ kém của đội tuyển Việt Nam.

Nếu thất bại trước Nga thuần túy đến từ chênh lệch quá lớn, trận thua ngược trước đội hình trẻ của Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về phong độ kém của đội tuyển Việt Nam.

Hồng Duy sai lầm dẫn đến bàn thua thứ hai của tuyển Việt Nam. Ảnh: Anh Tiến.

“Trong 2 trận đấu đầu tiên (gặp Philippines và Iraq), tôi chủ yếu sử dụng cầu thủ kinh nghiệm bởi khi ấy mới tiếp quản đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên ở những trận đấu tới, tôi sẽ tin dùng nhiều cầu thủ trẻ trung và mới mẻ hơn. Họ là tương lai của bóng đá Việt Nam”, HLV Kim Sang-sik cam kết trước trận giao hữu với Nga và Thái Lan.

Trong sự nghiệp huấn luyện, HLV Kim Sang-sik từng trẻ hóa đội hình. Đó là mùa giải 2023, khi ông cùng giám đốc kỹ thuật Park Ji-sung đôn nhiều cầu thủ trẻ lên đội một Jeonbuk Hyundai Motors, để thay thế nhiều trụ cột vốn bị chê là vơi cạn động lực sau 10 năm thống trị K.League.

Ông Kim thất bại. Jeonbuk chơi vơi giữa bảng sau gần nửa đầu mùa bóng, khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc phải ra đi.

HLV Kim thất bại trong việc tìm kiếm chiến thắng trước Thái Lan. Ảnh: Anh Tiến.

Mong muốn bất thành

Môi trường CLB và đội tuyển quốc gia giống nhau ở chỗ, để trẻ hóa, cần đồng thời 3 yếu tố: trụ cột xuống dốc, HLV đủ quyết đoán và tin tưởng học trò, lứa kế cận có chất lượng tương đương. Ở tuyển Việt Nam, 2 yếu tố đầu đã xuất hiện, nhưng yếu tố cuối thì chưa.

Xuyên suốt 2 trận giao hữu với Nga và Thái Lan, HLV Kim Sang-sik chỉ có 2 thử nghiệm thực sự mới mẻ: Vĩ Hào đá tiền đạo lệch phải và Văn Trường đá tiền vệ trung tâm. Trong đó, Vĩ Hào vào sân cả 2 trận từ ghế dự bị, còn Văn Trường đá chính, với số phút thi đấu nhiều hơn những đàn anh như Quang Hải, Hoàng Đức và Tuấn Anh.

Đây là 2 gương mặt nổi trội bậc nhất của U23 Việt Nam, từng chinh chiến ở các giải U23, U20 châu Á. Tuy nhiên, để nói cả 2 đã xứng tầm khoác áo đội tuyển Việt Nam hay chưa, câu trả lời ai cũng thấy.

Văn Trường đá chính 2 trận, nhưng dấu ấn để lại chỉ đơn thuần là một vài tình huống xoay bóng tự tin, đúng với đặc trưng của cầu thủ này, nhưng xử lý bước sau không đủ tốt. Vĩ Hào được ông Kim khen, nhưng ngoài một số pha bứt tốc rồi mất trụ, tài năng trẻ của Bình Dương không làm được gì.

Đòi hỏi Văn Trường hay Vĩ Hào tỏa sáng gần như là bất khả thi. Văn Trường mới đá 2 mùa V.League. Mùa trước, anh ra sân 23 trận, nhưng có tới 17 trận là từ ghế dự bị. Ở CLB Hà Nội, Văn Trường quá nhỏ bé khi đặt cạnh các đàn anh Văn Quyết, Hùng Dũng và mới dừng ở mức tiềm năng. Vĩ Hào khá hơn, khi anh đã chơi 63 trận ở V.League, ghi 8 bàn.

Nhưng chừng đó là chưa đủ để những “măng non” trụ vững trước những đội tuyển mạnh bởi vốn dĩ, chất lượng V.League còn kém nhiều so với các giải quốc tế. Dĩ nhiên, cả Vĩ Hào và Văn Trường mới 21 tuổi, trước mắt còn cả khoảng trời để phát triển. Họ có tương lai rộng mở, có khát vọng và động lực rất lớn. Đó là điều HLV Kim Sang-sik rất cần để tái thiết đội tuyển Việt Nam.

Song, điều đáng buồn là những cầu thủ Việt Nam hiện tại hội tụ đủ khao khát và tiềm năng lại chỉ đếm ở đầu ngón tay. Dù đã ở Việt Nam 5 tháng để quan sát chuyển động, đến sân theo dõi từng học trò, rồi có 4 ngày huấn luyện U22, nhưng số gương mặt ông Kim chấm được cũng chỉ đến vậy. Phần lớn lực lượng được triệu tập trong tháng 9 là dàn cầu thủ cũ. Thiếu nhân tố mới, thiếu ý tưởng, thiếu cả động lực chứng tỏ… là những hình dung chuẩn xác nhất về đội bóng của ông Kim hiện tại.

Có thể HLV Troussier đã đúng. Ảnh: Minh Chiến.

Ông Troussier đã đúng một nửa?

HLV Troussier chia tay đội tuyển Việt Nam chỉ sau 1 năm nắm quyền, với chuỗi 7 thất bại liên tục trải dài từ Asian Cup 2023 đến vòng loại World Cup 2026. Ông thầy người Pháp bị chỉ trích vì trẻ hóa vội vàng, cực đoan, chiến thuật không phù hợp với nền tảng thể lực, kỹ thuật cầu thủ Việt Nam, hay bảo thủ, muốn… đấu khẩu với truyền thông.

Ông Troussier thất bại bởi lứa kế cận chưa đủ trình độ thay thế đàn anh. “Phù thủy trắng” đã có nhiều sai sót, nhưng ý tưởng loại bỏ một số trụ cột để trao cơ hội cho lứa trẻ của nhà cầm quân người Pháp không quá vô lý. Ông đã nhìn thấy sự sa sút về động lực ở một số ngôi sao.

Đơn cử như hồi cuối năm 2023, HLV Troussier từng kiên quyết loại bỏ một cầu thủ, vì nhận thấy anh không nghiêm túc trong buổi họp chiến thuật. “Nếu anh cảm thấy không cần tiếp thu, anh có thể ra về, không cần có mặt ở đây”, HLV Troussier nói thẳng với cầu thủ này. HLV người Pháp đòi hỏi cao độ (đôi khi đến mức cực đoan) ở sự kỷ luật và chuyên nghiệp.

Trong trận các trận gặp Nga và Thái Lan, có lẽ chẳng cần là chuyên gia, mà ngay cả người hâm mộ cũng nhìn thấy cách chơi của một số trụ cột không còn nhiệt huyết so với chính họ trước kia. Một thành viên đội tuyển bật mí rằng thực tế HLV Kim Sang-sik chưa truyền tải chiến thuật hay triết lý cụ thể nào, mà ông vẫn đang ở giai đoạn sàng lọc con người.

Chiến lược gia người Hàn Quốc muốn quan sát tổng thể năng lực và động lực của từng cầu thủ, rồi mới chốt bộ khung con người, sau đó chốt chiến thuật, đấu pháp. Nếu vậy, 2 trận giao hữu vừa rồi rất quý giá với ông Kim, bởi đã cho thấy cầu thủ nào thực sự còn muốn chiến đấu vì màu cờ sắc áo.

Ekanit Panya (giữa), người làm lu mờ Hoàng Đức, đang đá cho Urawa Red Diamonds (J1 League), không dám nhận mình là ngôi sao tuyển Thái. Ảnh: Minh Chiến.

Sự mỏi mệt và nhợt nhạt của đội tuyển Việt Nam trước đội hình trẻ của Thái Lan thể hiện rất rõ ở từng đường bóng. Các học trò HLV Kim Sang-sik phòng ngự lỏng lẻo, tranh chấp thiếu quyết tâm (thua ở phần lớn tình huống), các pha đấu tay đôi cũng hời hợt. Trên hàng công, Quang Hải hay Hoàng Đức không còn điều gì mới mẻ. Những pha xoay bóng chân trái tìm điểm chuyền của cả hai vẫn vậy trong nhiều năm qua, đối thủ đã thuộc nằm lòng.

Hùng Dũng phải cày ải liên tục ở giữa, chỉ có thể chơi an toàn. Hai biên với Xuân Mạnh và Hồng Duy đã đánh mất khả năng qua người và tạt bóng. Khi ấy, Văn Trường hay Vĩ Hào trở thành điểm tựa lẻ loi bởi ít nhất, cả hai còn muốn nỗ lực và có thể tạo ra khác biệt. Dù vậy, đáng tiếc là khi già đã lung lay, măng lại chưa kịp lớn.

Đáng lẽ, lứa trụ cột đội tuyển (sinh chủ yếu từ năm 1997 đến 1999) phải đang ở đỉnh cao phong độ, khi mới 25-27 tuổi. Tại sao các cầu thủ lại sa sút đến vậy?

Trước hết, các cầu thủ đã yên vị với V.League, vốn là giải đấu chưa cho thấy sự tiến bộ về chất lượng (từ cả đẳng cấp chơi bóng đến mặt sân). Khao khát xuất ngoại gần như không còn tồn tại. Quang Hải và Hoàng Đức là ví dụ, khi từng tuyên bố đi Nhật Bản nhưng rồi sau đó gật đầu với những đề nghị "phù hợp" ở trong nước.

Kể từ sau khi Quang Hải về nước, cầu thủ duy nhất đang chơi bóng ở nước ngoài là Nguyễn Công Phượng. Đáng tiếc, anh chỉ còn là “người thừa”, không tồn tại trong nhãn quan gọi người của HLV trưởng trong gần 1 năm qua.

Còn bên phía Thái Lan, những ngôi sao như Supachok Sarachat, Suphanat Muenta, Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin… đã vạch ra đường đi rõ ràng cho các tuyển thủ xứ chùa vàng: sang Nhật Bản hoặc châu Âu. Khát khao nâng tầm đẳng cấp thể hiện chính ở chỗ ấy.

Trong khi các ngôi sao Việt Nam hài lòng với môi trường bóng đá trong nước, nhận những khoản tiền kếch xù từ cả hợp đồng lẫn quảng cáo (cơ chế chuyển nhượng bóng đá Việt Nam cho phép tiền chảy thẳng vào túi cầu thủ, còn CLB chẳng thể tự nuôi sống mình), đối thủ lại không ngừng hoàn thiện và vươn lên.

Dường như, hình ảnh dột mái, đổ cây, mặt cỏ héo úa bên trong một sân vận động quốc gia đang phản ánh đúng hơn bao giờ hết thực tế của bóng đá Việt Nam. Nền tảng không vững, một doanh nghiệp bị đồn đoán thâu tóm hơn 5 đội bóng, chuyển nhượng mập mờ, mà những cầu thủ chủ chốt gần như không còn động lực khi đã có đủ vợ đẹp, con ngoan, cùng số tiền đủ lớn để rủng rỉnh trong nhiều năm tới.

Cuộc cách mạng của HLV Kim Sang-sik, có lẽ vì thế mà còn rất xa.

znews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói