TP Hà Tĩnh là một trong những đô thị có lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh.
Chở con gái 9 tuổi đi mua áo quần ở cửa hàng trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) bằng ô tô con 4 chỗ của gia đình nhưng chị Nguyễn Mỹ Lệ (SN 1985, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) không tìm được điểm đậu xe.
Sau nhiều lần “chạy tới chạy lui”, chị quyết định đậu xe dưới lòng đường để vào mua đồ. Tuyến đường Xuân Diệu vốn đã nhỏ hẹp, lại đông lượng phương tiện qua lại nên việc đậu xe của chị Lệ đã khiến giao thông bị ảnh hưởng. Trước phản ứng của người đi đường, người phụ nữ này phải điều khiển xe đi nơi khác.
Vòng xuyến trung tâm TP Hà Tĩnh là khu vực dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Theo ghi nhận của PV Báo Hà Tĩnh, không chỉ có đường Xuân Diệu mà hiện nay trên nhiều tuyến đường vốn không rộng rãi ở trung tâm TP Hà Tĩnh như: Nguyễn Huy Tự, Võ Liêm Sơn, Phan Đình Giót, các nút giao thông hay khu vực quanh chợ TP Hà Tĩnh… rất dễ xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông vì nhiều người dân thiếu ý thức trong quá trình di chuyển hoặc dừng, đậu xe ôtô không đúng quy định.
Thậm chí, những tuyến đường rộng rãi hơn như: Lý Tự Trọng, Hải Thượng Lãn Ông, Trần Phú và Hà Huy Tập có thời điểm rơi vào tình trạng tương tự.
Các phương tiện đậu đỗ lấn chiếm lòng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Dù việc tắc đường - kẹt xe ở trung tâm TP Hà Tĩnh chưa nghiêm trọng như các đô thị lớn nhưng hiện nay, người dân khi điều khiển ô tô vào khu vực nội thành đã bắt đầu thấy khó khăn trong việc tìm chỗ dừng, đậu phương tiện.
Tần suất xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến phố chính, cổng trường học và nơi tập trung đông dân cư cũng đã xuất hiện nhiều hơn vào giờ tan tầm hay những lúc trời mưa. Đặc biệt, khi tết đã cận kề, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng thì nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông lại càng hiện hữu.
Nút giao giữa đường Trần Phú và đường Lê Hồng Phong là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở TP Hà Tĩnh.
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh Tô Thái Hòa cho hay: Trong những năm gần đây, sự gia tăng của phương tiện giao thông, nhất là ô tô cá nhân trong khi hệ thống hạ tầng giao thông TP không theo kịp tốc độ phát triển là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông và dừng, đậu sai quy định.
“Nếu như năm 2019, khoảng 28.000 hộ dân ở TP Hà Tĩnh có 10.000 ô tô thì tới cuối năm 2020, số lượng ô tô đã tăng lên 12.000 xe. Không những thế, là đô thị trung tâm của tỉnh, lượng phương tiện đổ về thành phố mỗi ngày rất lớn. Điều này đã tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông đô thị” - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh thông tin.
Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh xử lý trường hợp đậu xe sai quy định trên đường Nguyễn Huy Tự.
Cũng theo ông Tô Thái Hòa, khu vực trung tâm TP Hà Tĩnh là nơi tập trung phần lớn trụ sở của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn nên lượng người ra vào giao dịch đông. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn thói quen bám mặt đường để kinh doanh; văn hóa tham gia giao thông của nhiều tài xế chưa tốt, dẫn tới việc tắc nghẽn giao thông lại càng lớn hơn.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, trong những ngày gần đây, Đội CSGT – Trật tự Công an TP Hà Tĩnh đã cử lực lượng chốt chặn, phân luồng giao thông ở các ngã ba, ngã tư.
Vào dịp tết, nguy cơ ùn tắc giao thông ở các tuyến đường nội thành càng hiện hữu.
“Những ngày đầu, đơn vị nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân biết về việc đậu xe sai quy định, còn nay thì đã tiến hành xử phạt. Trong mấy ngày qua, chúng tôi đã xử lý hàng chục trường hợp người điều khiển ô tô dừng, đậu sai quy định”, Thiếu tá Phạm Duy Thành - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh thông tin.
UBND thành phố Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung thêm 17 đoạn, tuyến đường vào danh sách lắp đặt các biển cấm dừng, đậu xe ô tô, trong đó có nhiều điểm cấm trong giờ cao điểm. Theo đó, lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
UBND thành phố Hà Tĩnh lắp đặt biển, kẻ vạch cho phương tiện dừng, đậu xe ở các tuyến đường nội đô.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh Tô Thái Hòa, lượng phương tiện cá nhân sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới, thế nên, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội thành, cần quy hoạch phát triển các vùng đô thị phía Tây, phía Bắc để kéo giãn dân cư. Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, khai thác thêm một số tuyến mới để phương tiện có thêm lựa chọn hướng di chuyển, không tập trung vào các tuyến đường chính trong nội thành.
Quan trọng hơn vẫn là tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Với các quãng đường di chuyển ngắn như 200m, 500m hoặc 1km, người dân có thể sử dụng xe máy, xe đạp... để giảm lượng ô tô ra vào thành phố.