Theo báo cáo mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố, Việt Nam đã hoàn tất nhập khẩu tổng cộng 17.233 ôtô nguyên chiếc các loại trong tháng 7, giá trị kim ngạch đạt gần 344 triệu USD.
So với kỳ báo cáo trước, ôtô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 8,5% về lượng, đồng thời giá trị kim ngạch cũng cao hơn khoảng 10,6%.
Như vậy, đây là tháng ghi nhận lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam cao nhất kể từ đầu năm. Trước đó vào các kỳ báo cáo tháng 3 và tháng 6, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam cũng từng tăng lên mức xấp xỉ 15.900 xe.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy lũy kế từ đầu năm, thị trường xe Việt đã đón thêm 91.637 ôtô nguyên chiếc các loại có nguồn gốc nước ngoài. Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng ôtô nguyên chiếc sau 7 tháng đã tiến gần mốc 1,9 tỷ USD.
Như vậy, giá trị nhập khẩu trung bình của ôtô tại Việt Nam tính đến hết tháng 7 là khoảng 20.647 USD/xe, tức tương đương 517 triệu đồng trên mỗi ôtô nhập khẩu.
Cũng trong tháng 7, số lượng ôtô nhập khẩu từ Thái Lan đạt 8.981 xe, tức tương đương hơn 52% tổng lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam trong cùng kỳ.
Như vậy ở kỳ báo cáo tháng 7, Thái Lan mới là quốc gia cung cấp nhiều ôtô nhất cho khách hàng Việt Nam, bởi lượng xe nhập khẩu từ Indonesia được báo cáo ở mức 5.243 xe, còn số liệu này với Trung Quốc là 2.524 xe.
Tuy nhiên nếu tính từ đầu năm, Indonesia vẫn giữ vị trí số một về lượng xe cung cấp cho thị trường Việt Nam. Sau 7 tháng, Indonesia đã hoàn tất xuất khẩu tổng cộng 38.040 ôtô các loại sang Việt Nam, giá trị kim ngạch đạt trên 557 triệu USD.
Trong cùng kỳ, Thái Lan hoàn tất xuất khẩu 32.717 ôtô nguyên chiếc sang Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch hơn 628 triệu USD. Trung Quốc là quốc gia xếp thứ ba về số lượng ôtô cung cấp cho thị trường Việt với 17.235 xe, giá trị kim ngạch hơn 521 triệu USD.
Dù chỉ ghi nhận 1.422 ôtô hoàn tất thủ tục thông quan vào Việt Nam, nhóm xe Nhật Bản lại có giá trị nhập khẩu trung bình cao nhất sau 7 tháng, đạt 59.002 USD/xe tức tương đương gần 1,48 tỷ đồng/xe.
Điều này cũng không quá khó để lý giải, bởi nhiều mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản sở hữu giá trị rất cao, điển hình là Toyota Alphard (4,37 tỷ đồng), Toyota Land Cruiser (4,286 tỷ đồng) hay Honda Civic Type R (2,399 tỷ đồng).
Sắp tới, Subaru Crosstrek nhiều khả năng cũng sẽ có mặt tại Việt Nam theo hình thức nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản. Subaru Forester, Suzuki Swift cũng là những mẫu xe sẽ sớm chuyển sang nhập khẩu Nhật Bản do những động thái thay đổi chiến lược sản xuất và kinh doanh của hãng.
Nhiều khả năng, lượng xe nhập khẩu tăng cao kỷ lục trong tháng 7 chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sức bán tốt của nhóm xe này tại thị trường Việt.
Kể từ tháng 4, thị trường xe Việt đã 4 lần liên tiếp chứng kiến doanh số ôtô nhập khẩu nhỉnh hơn lượng tiêu thụ của xe lắp ráp. Nhờ đó, cán cân doanh số tại Việt Nam tính đến hết tháng 7 đang tạm nghiêng về nhóm xe nhập khẩu.
Cụ thể, số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số lũy kế của ôtô nhập khẩu tại Việt Nam hiện ở mức 82.167 xe, trong khi xe lắp ráp đạt doanh số 81.637 xe trong cùng kỳ.
Mitsubishi Xpander đang là một trong số những mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam khi sở hữu doanh số 9.265 xe sau 7 tháng. Trong số này, nhóm Xpander nhập khẩu ghi nhận doanh số 8.336 xe, tức tương đương gần 90% tổng lượng tiêu thụ của mẫu MPV cỡ nhỏ.
Mitsubishi Xforce cùng với Ford Everest và Toyota Yaris Cross là những cái tên nổi bật nhất đang được nhập khẩu hoàn toàn tại Việt Nam. Sau 7 tháng, doanh số của Mitsubishi Xforce đạt 5.638 xe, còn lượng tiêu thụ của Ford Everest và Toyota Yaris Cross tương ứng lần lượt là 5.393 xe và 4.992 xe.