Tờ Die Welt (Đức) cho biết qua cuộc họp bí mật của Ủy ban Chính trị và An ninh thuộc EU, các nhà ngoại giao Đức và Pháp đều nhất trí rằng cần có biện pháp không bao gồm lệnh trừng phạt.
Thay vào đó, chính phủ Đức và Pháp muốn duy trì nỗ lực ngoại giao dưới hỗ trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được cho có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vụ việc tại Eo biển Kerch.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc gặp tại Berlin năm 2017. Ảnh: Reuters
Hãng Sputnik (Nga) cho biết trong khi đó qua cuộc họp báo ngày 28/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp lại lảng tránh không xác nhận hay bác bỏ thông tin truyền thông đưa về việc Paris và Berlin phản đối lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl – quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên EU- trước đây từng khẳng định liên minh này đang cân nhắc lệnh trừng phạt bổ sung đối với Moskva.
Vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass gợi ý Paris và Berlin “hợp lực” hòa giải khủng hoảng giữa Nga và Ukraine khi Kiev kêu gọi hỗ trợ quân sự từ đồng minh phương Tây.
Trong một diễn biến liên quan, qua cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá hòa giải là không cần thiết bởi chính phủ Nga và Ukraine có khả năng tự giải quyết vấn đề.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ: “Nếu phía Ukraine và các đồng minh tại châu Âu muốn vụ việc tương tự không lặp lại thì Kiev cần gửi đi tín hiệu mạnh mẽ. Không phải là Nga mà chính các quốc gia có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Ukraine cần đảm bảo rằng hành vi khiêu khích như vậy không tái diễn”.
Theo Điện Kremlin, ngày 25/11, ba tàu hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải Nga khi từ Biển Đen đi qua Eo biển Kerch tiến vào Biển Azov. Tàu của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cùng Hạm đội Biển Đen đã theo sát 3 tàu Ukraine và yêu cầu các phương tiện này dừng lại. Quân đội Nga đã buộc sử dụng vũ khí để ngăn tàu hải quân Ukraine.
Có 3 thủy thủ Ukraine bị thương trong vụ việc và đã được điều trị y tế. Nga đã bắt giữ 3 tàu Ukraine. Nga tuyên bố vụ việc này là động thái khiêu khích của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lại cáo buộc Nga khiêu khích. Quốc hội Ukraine đã thông qua quyết định thiết quân luật trong 30 ngày hiệu lực tới tháng 1/2019.
Cả Liên minh châu Âu (EU) cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều đã lên tiếng đề nghị Nga và Ukraine giảm căng thẳng.