Nguy cơ xung đột tăng sau vụ Nga nổ súng, bắt tàu Ukraine

Ukraine đã ban bố tình trạng thiết quân luật sau vụ Nga bắt giữ tàu. Điều này kéo theo nguy cơ bùng phát chiến tranh khi hai bên đều đổ lỗi cho nhau.

Sáng 25/11, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cho biết lực lượng tuần duyên của họ đã tạm giữ ba tàu hải quân của Ukraine tại Biển Đen, gần bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. FSB cho biết họ buộc phải dùng vũ lực vì những con tàu này đã xâm phạm lãnh hải Liên bang Nga và cố tình thực hiện hành vi bất hợp pháp.

Moscow cáo buộc 3 tàu của Kiev vi phạm Điều 19 và 21 trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, khi cố tình xâm phạm lãnh hải Liên bang Nga. Phía Ukraine cũng cáo buộc Nga vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển khi cản trở tự do hàng hải. Kiev nói rằng đã thông báo cho Moscow về kế hoạch di chuyển nhưng Nga vẫn cố tình sử dụng vũ lực để ngăn chặn.

Vụ việc tiếp tục khoét sâu thêm căng thẳng giữa Nga và Ukraine kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ do Ukraine kiểm soát.

Độc chiếm eo biển Kerch

Theo hiệp định ký kết vào năm 2003, Nga và Ukraine chia sẻ quyền sử dụng Biển Azov và eo biển Kerch. Tàu thuyền hoạt động trên eo biển thuộc quyền kiểm soát của cảng Kerch nằm trên bán đảo Crimea. Tất cả tàu thuyền đều phải báo cáo với cảng Kerch về tuyến đường, điểm đến mới được phép đi qua eo biển.

Nguy cơ xung đột tăng sau vụ Nga nổ súng, bắt tàu Ukraine
Tàu hàng của Nga chắn ngang lối đi qua eo biển Kerch vào ngày 25/11. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, từ khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Moscow đã tức tốc cho xây một cây cầu nối bán đảo với lục địa Nga và chỉ chừa một lối duy nhất cho tàu thuyền đi qua. Cầu Kerch được đưa vào vận hành từ tháng 5 đã trở thành công cụ quan trọng cho phép Nga kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hải qua eo biển Kerch.

Trong khi đó, tuyến vận tải biển đi qua eo biển Kerch có vai trò cực kỳ quan trọng đối với kinh tế Ukraine. Kiev có 2 cảng chính trên Biển Azov, nơi xuất khẩu thép và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Ukraine và Mỹ từng cáo buộc Nga sử dụng cầu Kerch để kiểm soát vận tải hàng hải của Kiev qua eo biển Kerch. Thực tế, từ khi cầu Kerch vận hành từ tháng 5, Nga đã tăng cường kiểm soát các tàu qua eo biển, một số tàu phải chờ thêm 3 ngày mới được cấp phép.

Ngoài ra, chiều cao tĩnh không của cầu từ mép nước đến dầm cầu là 35 m, một số tàu tải trọng lớn có cột buồm cao không thể đi qua. Ngày 26/10, tờ The Globe and Mail của Canada báo cáo rằng từ khi cầu Kerch đi vào hoạt động, vận tải biển của Ukraine qua eo biển Kerch đã giảm 25%.

Không lâu sau vụ bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine, Nga đã điều một tàu hàng lớn chắn ngang lối đi qua eo biển Kerch, cửa thông từ Biển Azov ra Biển Đen. Điều đó cho thấy Moscow có thể chặn huyết mạch của kinh tế Ukraine bất kỳ lúc nào họ muốn. Tuy nhiên, đến sáng 26/11, Nga đã mở cửa trở lại hoạt động vận chuyển hàng hải qua eo biển.

Từ chỗ chia sẻ quyền sử dụng, eo biển Kerch đã trở thành "của riêng" của Nga và Ukraine buộc phải đáp ứng các yêu cầu của Moscow nếu muốn đi qua.

Leo thang nguy cơ xung đột

Ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch ban bố tình trạng thiết quân luật trên biên giới với Nga. Đây là lần đầu tiên Kiev ban bố thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga từ năm 2014, cho thấy bước leo thang nguy hiểm giữa hai nước từng thuộc Liên Xô cũ.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết thiết quân luật là cần thiết để tăng cường phòng thủ của Ukraine sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu cùng 24 thủy thủ.

"Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh chống lại đất nước chúng ta trong năm thứ 5, nhưng cuộc tấn công vào các tàu quân sự của Ukraine, nó đã chuyển sang một giai đoạn xâm lược mới", Tổng thống Poroshenko nói.

Nguy cơ xung đột tăng sau vụ Nga nổ súng, bắt tàu Ukraine

Tàu tuần tra Nga bao vây tàu hải quân Ukraine gần eo biển Kerch. Ảnh: RT.

Tổng thống Poroshenko cho biết thêm Kiev đang nắm trong tay thông tin tình báo quan trọng về mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng của Nga trên đất liền nhằm chống lại Ukraine.

"Tôi có trong tay tài liệu tình báo, ở đó trên một số trang mô tả chi tiết về tất cả lực lượng kẻ thù nằm trong khoảng cách vài chục kilomet từ biên giới chúng tôi và luôn sẵn sàng cho một cuộc xâm lược trực tiếp vào Ukraine", Reuters trích dẫn lời của Tổng thống Poroshenko.

Thiết quân luật sẽ cho phép Ukraine phản ứng nhanh hơn với bất kỳ cuộc xâm lược và huy động nguồn lực nhanh chóng, Tổng thống Poroshenko cho biết thêm.

Nguy cơ xung đột tăng sau vụ Nga nổ súng, bắt tàu Ukraine
Nga đã hoàn toàn kiểm soát eo biển Kerch từ khi sáp nhập bán đảo Crimea. Đồ họa: Maps4.

Trong cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ bắt giữ tàu Ukraine, Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đổ lỗi cho Nga về vụ việc, lên án vụ bắt giữ là vi phạm thái quá lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine.

"Làm giảm vận chuyển của Ukraine qua eo biển Kerch là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Đó là một hành động kiêu ngạo mà cộng đồng quốc tế cần phải lên án và sẽ không bao giờ chấp nhận", đại sứ Haley nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án "hành động hung hăng" của Nga và kêu gọi Nga và Ukraine cùng kiềm chế. Đồng thời ông yêu cầu Nga trả lại tàu và các thủy thủ cho Ukraine.

Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ việc. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Kiev cố tình gây ra vụ việc. "Rõ ràng sự khiêu khích này được cân nhắc cẩn thận và có kế hoạch nhằm kích động một nguồn căng thẳng khác, tạo ra lý do để tăng cường biện pháp trừng phạt chống lại Nga", Reuters trích thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.

Dmitry Polyanskiy, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, cáo buộc Kiev cố tình gây ra vụ việc, qua đó biện minh cho việc thiết quân luật nhằm trì hoãn cuộc bầu cử vào năm tới, khi các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Poroshenko là rất thấp.

Vụ bắt giữ tàu được giới phân tích nhận định là rất nguy hiểm, có thể bùng phát chiến tranh quy mô lớn với Nga. Trong 4 năm qua, Ukraine đã xây dựng lại quân đội và có một thế hệ chỉ huy đầy tự tin.

Theo Zing

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.