"Bắc thang lên hỏi ông trời, tiền cò chạy việc có đòi được không"?

Quá tin một cách mù quáng vào sức mạnh của đồng tiền, cho rằng đồng tìền đi trước là đồng tiền khôn nên nhiều người đã tìm đến "cò" lo lót "chạy" việc, "chạy" học. Để rồi khi vỡ lở, cò hiện nguyên hình là kẻ lừa đảo thì những đồng tiền cũng theo đó mà "bay". Ra trước toà, người bị hại nào cũng mong muốn nhận được bồi thường nhưng "bắc thang lên hỏi ông trời" khi bị cáo phải chịu bản án hàng chục năm tù. Vậy là họ chỉ biết chờ, chờ với hy vọng hết sức mong manh.

Từng là chủ một trong những mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc của huyện Cẩm Xuyên nhưng sau một thời gian, Hoàng Thị Hồng ở Khối 6, thị trấn Cẩm Xuyên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do làm ăn thua lỗ. Để có tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân, thay vì tiếp tục cố gắng xoay xở làm ăn bằng con đường chân chính, Hồng lại tìm cho mình một lối kiếm tiền bằng phương thức "lừa đảo". Đối tượng mà Hồng nhắm đến là những người đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm hoặc đi học các ngành, nghề mà khả năng thực tại chưa đủ điều kiện đáp ứng. Để tạo được lòng tin, Hồng thường rỉ tai nhiều người theo kiểu "bí mật, đừng nói với ai" rằng mình có mối quan hệ quen biết rộng rãi, có thể xin việc chỗ này chỗ nọ hay suất học tại một số trường và xuất khẩu lao động theo con đường nhanh nhất. Với niềm tin "thơ ngây" vào sức mạnh của đồng tiền và những con cò, nhiều người đã trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo.

Cùng là người trong thị trấn, từng biết Hồng làm ăn với nguồn vốn lớn lại hay đi đây đi đó, giao lưu rộng

rãi nên khi được Hồng rỉ tai về chuyên chạy học, chạy việc, Hoàng Thị Vân tin "sái cổ". Từ mối quan hệ "dây mơ rễ má", Vân đã qua 1 người khác giới thiệu cho ông Lê Quảng Ba ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đưa cho Hồng 105 triệu đồng để xin cho con trai vào học trường Cảnh sát. Thế nhưng, năm học dần qua mà thông tin về việc học của con trai vẫn "bặt vô âm tín", ông Ba nhiều lần gặp Hồng đòi lại tiền thì chỉ nhân được 60 triệu đồng, số tiền còn lại thị đã sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân hết.

Cũng từ mối quan hệ quen biết, nghe tin Hồng đang xin việc và xin đi học cho một số người, anh Lê Hữu Ngụ ở thành phố Hà Tĩnh đã đưa cho thị 320 triệu đồng để nhờ "chạy" cho con trai và cháu vào học tại các trường Học viện Hậu cần, trường Sỹ quan Pháo binh. Thế nhưng, chắc không thể có việc không thi đậu mà vào học, càng không thể có phép thần kỳ để biến không thành có nên đến kỳ thi, các cháu đều phải tự lực và thi trượt. Biết mình bị lừa, anh Ngụ gửi đơn đến cơ quan Công an và thị Hồng đã trả lại cho anh được 50 triệu đồng. Cũng bằng thủ đoạn này, thị Hồng đã lừa chị Nguyễn Thị Thông, công tác tại phòng Giáo Dục Cẩm Xuyên lấy 40 triệu đồng xin cho cháu Lê Ngọc Dân (con chị gái) vào học tại trường Trung cấp Cảnh sát. Nhưng tất cả chỉ là lời hứa, tiền đã trao theo gió bay đi, chị Thông không nhận được gì ngoài những lời trách cứ từ chính người thân của mình.

Không dừng lại ở việc lừa có "suất đi học", Hoàng Thị Hồng còn thể hiện "sức mạnh chạy học" để lừa đảo, chiếm đoạt của chị Trần Thị Đáp ở thị trấn Cẩm Xuyên 29,5 triệu đồng khi nói dối là có thể xin cho con gái chị vào trường Đại học Vinh khi thi thiếu 0,3 điểm.

Hoàng Thị Hồng trước vành móng ngựa
Hoàng Thị Hồng trước vành móng ngựa

Một trong những "cửa béo bở" mà thị Hồng chọn nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, kiếm tiền phục vụ cho chi tiêu cá nhân và trả nợ là "chạy việc làm". Trần Thị Thuỷ ở thành phố Hà Tĩnh - vốn là chủ nợ trước đó đã cho Hồng vay gần 440 triệu đồng - đã đưa cho thị 40 triệu đồng nhờ xin cho cháu vào lái xe tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh. Thế nhưng, việc làm cho cháu không xin được đã đành, số tiền chạy việc cũng bị Hồng chiếm đoạt và chi tiêu hết. Cũng trong khoảng thời gian đó, bằng chiêu thức lừa chạy việc vào các công ty, cơ quan Nhà nước, Hoàng Thị Hồng đã chiếm đoạt của ông Nguyễn Đức Hồng ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh; ông Dương Phin ở Bệnh viện Quân y IV gần 100 triệu đồng. Thậm chí, từ mối quan hệ với một số người trong lực lượng vũ trang (theo thông tin của chúng tôi, Hoàng Thị Hồng sống như vợ chống và đã có con với 1 sỹ quan quân đội - PV), Hồng hứa xin chuyển công tác cho anh Nguyễn Bá Nam (công tác trong quân đội) từ huyện Quỳnh Lưu - Nghệ an về Hà Tĩnh; anh Đinh Nho Hùng - công tác tại Lữ đoàn pháo binh 75 Biên Hoà, Đồng Nai về công tác tại Bộ CHQH tỉnh Hà Tĩnh; anh Nguyễn Phi Cường công tác tại Tỉnh đội Thừa Thiên Huế chuyển sang chuyên nghiệp. Thế nhưng, mong muốn của gia đình anh Hùng, anh Cương và anh Nam cùng những đồng tiền "gửi gắm" đều tan theo mây khói khi Hồng chẳng làm được gì ngoài việc chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân, đánh bóng "thương hiệu" của mình. Các mối quan hệ, những vòng vàng, xe đẹp của Hồng chỉ là "mồi nhử" để "câu" những người nhẹ dạ vì bản chất đích thực là thị không bao giờ có thể xin chuyển công tác được cho bất kỳ ai.

Chưa hết, bằng những lời ngon ngọt, bằng những mối quan hệ và bằng "thương hiệu" được dựng lên từ những cú lừa chưa bị đổ vỡ, Hoàng Thị Hồng còn hứa xin đi xuất khẩu lao động, vay mượn tiền của nhiều người khác để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Bằng kiểu "trả nợ gối" - lừa của người sau trả cho người trươc, trả nợ dần mỗi lần 1 ít, Hồng đã che mắt được các chủ nợ trong 1 thời gian dài để liên tiếp thực hiện hành vi lừa đảo. Tính đến ngày ra toà lĩnh án, Hoàng Thị Hồng đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối lừa đảo 15 người chiếm đoạt hơn 1.335 triệu đồng và 3.000USD.

Trong phiên toà xét xử bị cáo Hoàng Thị Hồng, những người bị hại có mặt đều xin toà xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Điều đó có thể lý giải vì hầu hết người bị hại đều ít nhiều có mối quan hệ với bị cáo. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một số người, ngoài tình cảm còn là mong muốn Hoàng Thị Hồng sớm được ra tù để có điều kiện thi hành án, trả lại những đồng tiền đã chiếm đoạt của mình. Dù hi vọng đó là hết sức mong manh. Toà tuyên án, Hoàng Thị Hồng đã phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Những người bị hại đã phải trả giá cho niếm tin mù quáng bằng hàng chục triệu đồng bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, điều khiến người viết bài nay day dứt đó là pháp luật chưa có 1 hình thức xử lý nào đối với người bị hại mà xét ở một góc độ nào đó, họ chính là một trong những tác nhân tạo điều kiện phạm tội cho Hoàng Thị Hồng. Việc hàng chục người, trong đó có cán bộ trong quân đội, ngành giáo dục tin tưởng đưa tiền cho "cò" Hồng "chạy" việc, "chạy" học cho thấy ở đâu đó, tình trạng "chạy" này đã xảy ra - một báo động đỏ cho loại tội phạm "đưa và nhân hối lộ" trong đời sống xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast