Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa lưu động

Thời gian qua, ngành TAND đã tăng cường mở các phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở. Đây được coi là biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp, thiết thực và hiệu quả nhất đối với người dân trên địa bàn.

Ngày 1/10, tại hội trường UBND xã Sơn Tiến (Hương Sơn), TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án Nguyễn Văn Đàn (SN 1973, trú tại xã Sơn Tiến) phạm tội “giết người”. Sự kiện này thu hút khá đông người dân trên địa bàn về chứng kiến phiên xét xử.

TAND huyện Can Lộc mở phiên tòa lưu động xét xử các bị cáo về tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản
TAND huyện Can Lộc mở phiên tòa lưu động xét xử các bị cáo về tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

Qua cáo trạng, bản luận tội của Viện KSND tỉnh được công bố, hoạt động xét hỏi, tranh tụng và bản án của TAND tỉnh tuyên, người dân càng hiểu rõ hơn bản chất, hành vi của Nguyễn Văn Đàn. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, chiều 20/6, Đàn và ông Nguyễn Duy Hiển (cùng trú tại thôn Tân Tiến, xã Sơn Tiến) xảy ra xô xát. Không kiềm chế được bản thân, Đàn đã dùng vật nhọn đâm nhiều nhát khiến ông Hiển tử vong. Nhiều người giật mình nhận ra rằng, những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ bùng phát thành tội lỗi. Và trong đời sống, văn hóa ứng xử là hết sức cần thiết. Đôi khi vì cuộc sống xô bồ, người ta quên đi để rồi xảy ra những án mạng đau lòng.

Trước đó, TAND huyện Can Lộc cũng đã mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án Lê Duy Mạnh, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Trọng Hiến, Trịnh Văn Sơn và Nguyễn Quang Hào phạm tội “cướp tài sản” và “cưỡng đoạt tài sản”. Chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, các đối tượng trên đã liên tiếp gây ra các vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản, gây bất bình trong dư luận. Nhiều người tỏ ra hoang mang trước sự lộng hành của nhóm tội phạm manh động, liều lĩnh này. Vì thế, khi TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử dưới hình thức lưu động, đông đảo người dân trên địa bàn đã đến theo dõi. Hình phạt hơn 26 năm tù giam dành cho các bị cáo là thích đáng, được người dân đồng tình cao. Đó cũng là bài học chung cho các bậc làm cha, làm mẹ trong quản lý, giáo dục con em mình.

Có thể nói rằng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, ngành tòa án các cấp đã tăng cường phối hợp một cách hiệu quả trong việc tổ chức các phiên tòa lưu động. Các phiên tòa xét xử lưu động đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH của tỉnh nhà.

Theo báo cáo của TAND tỉnh, từ đầu năm lại nay, tòa án 2 cấp đã xét xử lưu động hơn 94 vụ án hình sự tại các địa bàn trọng điểm thường xảy ra tội phạm. Những vụ án đưa ra xét xử lưu động là những vụ điển hình, tập trung vào các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân như: mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, giết người… Nhiều mức hình phạt nghiêm khắc tại các phiên tòa xét xử lưu động mà hội đồng xét xử đã tuyên được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hình phạt nghiêm minh không chỉ đạt mục đích trừng trị kẻ phạm tội mà còn góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Thông qua phiên tòa, người dân còn hiểu rõ hơn các mánh khóe, thủ đoạn của bọn tội phạm và các quy định nghiêm minh của pháp luật đối với các loại tội phạm. Qua đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Đồng thời, các vụ án được đưa ra xét xử lưu động còn nhằm mục đích góp phần làm ổn định tình hình cơ sở, định hướng dư luận, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Để đảm bảo chất lượng của các phiên tòa lưu động, trước khi tổ chức xét xử, các thẩm phán phải đầu tư thêm thời gian, nghiên cứu kỹ hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: viện kiểm sát nhân dân, công an trong hoạt động chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lưu động, góp phần đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. Công tác bảo đảm ANTT trước, trong và sau phiên tòa được xây dựng, triển khai chặt chẽ, đúng quy trình từ khâu bảo đảm vận chuyển hồ sơ, bị cáo đến nơi xét xử cũng như công tác bố trí lực lượng bảo vệ. Đồng thời, nội dung vụ án, thời gian, địa điểm cũng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người dân biết, đến theo dõi phiên tòa.

Ngoài ra, tại một số địa phương, TAND còn phối hợp với các xã tập hợp các đối tượng trong diện giáo dục, quản lý tại địa phương tới dự các phiên tòa lưu động nhằm giáo dục, răn đe, giúp các đối tượng có ý thức phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, góp phần giảm thiểu tội phạm trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast