Hoạt động xét xử có yếu tố nước ngoài: Gian nan do bất đồng ngôn ngữ!

(Baohatinh.vn) - Hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại đã tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, hoạt động kinh doanh. Đây cũng là lý do phát sinh đối tượng tội phạm liên quan đến người ngoại quốc. Trong khi đó, vấn đề phiên dịch tại các phiên tòa có bị cáo là người nước ngoài đang nảy sinh không ít vướng mắc.

Anh Ngô Chí Bình - một trong 2 phiên dịch viên tiếng Trung tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Bùi Ngọc Cường và đồng bọn diễn ra vào ngày 12/11 đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề. Vốn ngoại ngữ khá đa dạng, thông thạo cả 3 thứ tiếng: Anh, Nhật, Trung chính là “tấm vé thông hành” giúp anh hoàn toàn tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài. Song, dù là người dạn dày kinh nghiệm và đã quen việc tiếp xúc với người ngoại quốc, nhưng lần đầu tiên đảm đương trọng trách phiên dịch tại tòa vẫn khiến anh không khỏi áp lực. Chính xác, đầy đủ và tốc độ, đó là những yêu cầu hết sức quan trọng đối với người thông ngôn tại phiên tòa.

Hoạt động xét xử có yếu tố nước ngoài: Gian nan do bất đồng ngôn ngữ! ảnh 1

Người thông ngôn phiên dịch sang tiếng Trung Quốc tại phiên tòa xét xử Bùi Ngọc Cường và đồng bọn diễn ra ngày 12/11.

Với vai trò là người thông ngôn, anh Bình phải truyền đạt thật chính xác ý của Hội đồng xét xử (HĐXX) cho bị hại bởi nếu không diễn đạt đúng, bị hại sẽ nghi ngờ vào chất lượng xét xử. Chưa kể, sức ảnh hưởng của phiên tòa rất lớn, liên quan đến hoạt động kinh tế của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, khiến trọng trách của phiên dịch viên càng thêm nặng nề.

Được biết, hàng năm, TAND tỉnh mở 7-8 phiên tòa có yếu tố nước ngoài. Trên thực tế, việc mời phiên dịch viên cho các bị cáo, bị hại hết sức khó khăn. Thông thường, trước thềm hoạt động xét xử có yếu tố nước ngoài, TAND tỉnh phải gửi công văn cho Sở Ngoại vụ nhờ giúp đỡ nhưng không phải lúc nào yêu cầu này cũng được đáp ứng do sở không có chức năng đào tạo, cung cấp phiên dịch viên cho phiên tòa. Chính vì vậy, các thẩm phán, thư ký thường phải tự liên hệ để tìm người thông ngôn.

Khác với các loại ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, Mỹ, Nhật, Trung…, việc tìm kiếm một phiên dịch viên “giải mã” những ngôn ngữ ít người biết là thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Chưa kể, khả năng của phiên dịch viên cũng là vấn đề đáng bàn bởi nhiều người dù thông thạo ngoại ngữ vẫn chưa thể làm quen với những từ ngữ chuyên ngành pháp lý. Không ít trường hợp, do bí từ, người thông ngôn phải dùng tay để diễn giải cho bị cáo, bị hại hiểu.

Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án bằng ngôn ngữ bị cáo biết. Thời gian diễn ra hoạt động xét xử có yếu tố nước ngoài thường kéo dài gấp đôi, thậm chí hơn so với một phiên tòa bình thường. Không ít vụ án, để tránh mất thời gian, HĐXX yêu cầu phiên dịch viên nói ngắn gọn phần hỏi và trả lời, khiến chất lượng xét hỏi cũng như tranh tụng không cao, chưa làm sáng tỏ các tình tiết vụ án. Và, ngay cả HĐXX cũng không thể biết mức độ chính xác những quan điểm, ý của tòa mà người thông ngôn chuyển đến bị cáo, bị hại.

Theo Điều 24, Bộ luật Tố tụng hình sự: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch”. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn chưa quy định rõ, liệu cơ quan tố tụng có phải dịch tất cả các văn bản tố tụng ra ngôn ngữ mẹ đẻ của bị cáo hay một ngoại ngữ nào đó để tống đạt?

Để phần nào giải tỏa vướng mắc trên, Bộ luật Tố tụng hình sự cần phải quy định rõ ràng, chi tiết hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án trong hoạt động xét xử. Nếu ngôn ngữ mẹ đẻ của bị cáo, bị hại ít người biết, cần thiết phải dịch các văn bản sang tiếng Anh để quá trình xét xử đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Ngoài ra, cơ quan thực hiện chức năng xét xử cần lựa chọn người phiên dịch có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn để có khả năng xoay chuyển trong mọi trường hợp. Đối với người thông ngôn, đòi hỏi nghiên cứu tài liệu, hồ sơ, tìm hiểu từ chuyên môn, tránh trường hợp bí từ.

“Là cầu nối ngôn ngữ cho các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc với Việt Nam, việc diễn đạt nhằm chuyển tải hết ý sao cho phía đối tác ưng ý và tạo lập mối quan hệ trong nước là rất khó. Nhưng, nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì mức độ khó khăn khi phiên dịch tại phiên tòa còn tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, người thông ngôn cần phải trau dồi kỹ năng sống, kiến thức chuyên môn nhằm đảm bảo cho ý của HĐXX được chuyển tải hợp tình, hợp lý, buộc bị cáo, bị hại phải tâm phục, khẩu phục với bản án mà tòa án Việt Nam đã tuyên” - anh Ngô Chí Bình khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast