TAND TP Hà Tĩnh - nơi diễn ra phiên xử ly hôn giữa chị C. và anh Đ.
Hơn 25 năm công tác trong ngành tòa án, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ án hôn nhân gia đình, đối với thẩm phán Trần Đức Chính (Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh), mỗi vụ án không chỉ đơn thuần là bản án dân sự phải giải quyết theo luật định mà đằng sau đó là những mảnh vỡ hết cơ hội hàn gắn đối với từng gia đình.
Vị thẩm phán nhớ lại, giữa năm 2022, Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh thụ lý, giải quyết vụ án “ly hôn, nuôi con và chia tài sản” giữa anh T.T.Đ. và chị L.T.C. Trước khi ra tòa, cuộc hôn nhân ấy đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc, 2 vợ chồng đều có công việc ổn định, cùng nhau vun vén cho hai bên nội ngoại và chăm sóc con (cháu M. sinh năm 2009). Thế nhưng, bước vào năm thứ 8 của đời sống hôn nhân, những mâu thuẫn nhỏ nhặt xuất hiện đã làm vết rạn trên “bức tường hạnh phúc” ngày một lớn. Khi cả 2 đều giữ lấy “cái tôi” cá nhân, những cuộc cãi vã xuất hiện như cơm bữa, họ cảm thấy bức bí về sự hiện diện của người còn lại.
Hai vợ chồng sống ly thân và đến năm 2022, sau hơn 14 năm gắn bó, tổ ấm chính thức tan vỡ.
Thẩm phán Trần Đức Chính trao đổi với thư ký về quá trình giải quyết vụ án hôn nhân gia đình của chị C. và anh Đ.
Thế nhưng, quá trình ly hôn không chỉ đơn thuần là tòa án đưa ra bản án cuối cùng như một sự công nhận của pháp luật rằng cả hai đã chính thức chia ly mà còn là chặng hành trình đấu tranh về quyền nuôi con.
Qua những lần trò chuyện, hàn gắn trước đó, thẩm phán Trần Đức Chính nhìn thấy sự ân hận, dằn vặt hằn lên ánh mắt của người vợ cùng nỗi tiếc nuối, chua chát từ người chồng mỗi khi nhắc tới quá trình chung sống.
Trái với phần phân chia tài sản diễn ra gọn nhẹ và được sự đồng thuận của các bên, thủ tục giải quyết quyền nuôi con khiến hội đồng xét xử hết sức trăn trở. Trình bày đề nghị của mình, anh Đ. mong muốn được trực tiếp nuôi dưỡng cháu M. vì “Cháu là con trai, tôi có thể lo chu toàn và dạy dỗ con khôn lớn”. Ngược lại, chị C. cho rằng: “Anh Đ. bận công việc, ít có thời gian chăm sóc con cái. Cháu M. đã lớn, cần có bàn tay của mẹ”.
Và đặc biệt, cháu M. tha thiết mong tòa án xem xét, cho cháu được ở với mẹ. Tại biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, cháu M. đều bày tỏ nguyện vọng được sống trong vòng tay của người mẹ. Xét thấy cháu đã có hiểu biết, nhận thức nhất định nên quá trình giải quyết vụ án, hội đồng xét xử đã cân nhắc, xem xét nguyện vọng của cháu.
Sổ thụ lý các vụ việc hôn nhân gia đình tại TAND TP Hà Tĩnh dày lên từng ngày kéo theo bao nỗi trăn trở của cán bộ giải quyết.
“Qua nhiều lần tiếp xúc, chúng tôi hiểu rằng, mâu thuẫn giữa anh Đ. và chị C. đã trầm trọng kéo dài, đời sống chung không còn tồn tại, mục đích hôn nhân không đạt được nên việc thống nhất ly hôn là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, nghĩ đến tương lai con trẻ, chúng tôi cảm thấy nặng lòng. Mong muốn lớn nhất mà hội đồng xét xử hướng đến là làm thế nào để hạn chế tối đa tranh chấp giữa người lớn với nhau, tránh cháu bị tổn thương…” - thẩm phán Chính trải lòng.
Cũng chính vì vậy, hội đồng xét xử cùng thư ký phụ trách vụ án đã nỗ lực, kiên trì phân tích những “được - mất” để nguyên đơn và bị đơn cùng nhìn nhận, cân nhắc. Để rồi từ đó, các bên làm công tác tư tưởng, chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đặc biệt là về mặt tâm lý cho đứa trẻ.
Sau một thời gian giải quyết, vụ án đi đến hồi kết. Căn cứ vào công việc, thu nhập của các bên và ý kiến từ cháu M., tòa án phán quyết giao con cho chị C. trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục. Anh Đ. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2 triệu đồng cho đến khi cháu trưởng thành, đủ 18 tuổi.
Ảnh minh họa
Phán quyết cuối cùng của tòa án đã chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Dù mong muốn “ly hôn” đã đạt được, song mỗi người rời hội trường xử án với bao cảm xúc lẫn lộn. Khoảng trống trong lòng anh Đ. giờ đây không chỉ là mái ấm gia đình mà lớn nhất đó chính là cháu M. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của anh chắc chắn sẽ không và không bao giờ bù đắp đủ cho cháu M. tình cảm, trách nhiệm của người cha. Còn với chị C. dù được quyền nuôi con nhưng chị biết, mình phải làm nhiều hơn rất nhiều vai trò của người mẹ để nuôi cháu M. khôn lớn, trưởng thành.
Và “mảnh vỡ” của cuộc hôn nhân này để lại đó là ánh mắt thảng thốt của cháu M. ngoái nhìn về bố khi được mẹ dẫn ra khỏi sân tòa án. Đó cũng chính là khoảng trống vắng mà tất cả những người liên quan đến vụ ly hôn này cảm nhận được.