Nhiều bất cập trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị đã đi được hơn nửa chặng đường. Những kết quả đạt được trong 8 năm thực hiện đã góp phần quan trọng vào sự ổn định an ninh chính trị, TTATXH, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập.

Phải khẳng định, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 đã tạo được chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong công tác tư pháp trên địa bàn, góp phần từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động tư pháp. Các cơ quan tư pháp cũng như đội ngũ làm công tác tư pháp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ pháp chế XHCN, đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như các tổ chức.

Sở Tư pháp Hà Tĩnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49.
Sở Tư pháp Hà Tĩnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết 49, trên địa bàn tỉnh ta còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Ngoài những bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản, thì yếu tố đội ngũ làm công tác tư pháp có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cải cách.

Trước hết, vai trò của tòa án - khâu trung tâm của quá trình này, thực chất hiệu quả của hoạt động tư pháp thể hiện chủ yếu ở hoạt động xét xử, ở bản án hay quyết định của tòa án. Nếu bản án khách quan, thấu tình đạt lý, cho chúng ta thấy ngay kết quả, ngược lại, nếu bản án có mức độ thuyết phục không cao sẽ kém hiệu quả. Thế nhưng, trên thực tế, công tác xét xử trên địa bàn vẫn còn xẩy ra tình trạng một số bản án phải cải sửa, hoặc tính thuyết phục chưa cao, gây xôn xao dư luận.

Nguyên nhân chính, ngoại trừ các yếu tố về tính công tâm, vai trò trách nhiệm, trình độ chuyên môn của đội ngũ thẩm phán, phải kể đến vai trò tham gia tố tụng của đội ngũ luật sư. Một điều không thể phủ nhận đó là, mặc dù đã được cải thiện nhưng trên thực tế, vai trò tranh tụng tại các phiên tòa cả 2 cấp trên địa bàn trong thời gian qua của luật sư vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Điều này được thể hiện, vẫn còn những lời bào chữa, tranh tụng của luật sư chưa thuyết phục, chưa sắc sảo, chỉ mang tính thủ tục, hình thức. Đó là chưa kể có khi luật sư còn khoét sâu vấn đề, vô tình đưa ra những lời buộc tội làm phương hại đến thân chủ của mình.

Đặc biệt, tại một số phiên tòa, để bảo vệ cho thân chủ, luật sư đã viện dẫn các văn bản trái với bản chất sự việc, gây khó khăn cho công tác xét xử. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ kiểm sát viên, luật sư chưa được chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng tranh tụng, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên việc tranh luận tại phiên tòa chất lượng chưa cao, chưa ngang tầm với CCTP.

Về phía hội đồng xét xử, đôi khi vẫn còn mang nặng quan điểm coi thường luật sư, bỏ qua các quan điểm, điều khoản của pháp luật mà luật sư viện dẫn, làm phương hại đến quyền và lợi ích của đương sự…

Một vấn đề không thể không nói đến đó là năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cấp cơ sở. Đây là đội ngũ tham mưu đắc lực nhất cho chính quyền về công tác tư pháp, trong đó có lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện. Thế nhưng, lâu nay ít được quan tâm cả về chế độ đãi ngộ cũng như công tác đào tạo, tuyển dụng đối với đội ngũ này. Ai cũng biết rằng, mọi vấn đề nẩy sinh mâu thuẫn, tranh chấp đều xuất phát từ cơ sở. Không ít vụ việc do cán bô cơ sở non kém mà trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân không được thực hiện một cách triệt để, thấu tình đạt lý từ khi mới phát sinh, dẫn đến kéo dài năm này qua năm khác. Chính thời gian đã làm cho mâu thuẫn trong các vụ việc ngày càng ăn sâu, chứng cứ ngày càng lu mờ, gây khó khăn rất lớn trong việc phân định đúng, sai một cách rạch ròi, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin trong nhân dân. Nhiều vụ kiện, chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện tốn biết bao công sức, tổ chức hàng chục cuộc họp để giải quyết mới ổn định được tình hình.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhìn chung chưa thể coi là đạt yêu cầu, nếu như không muốn nói là nhiều nơi, nhiều lúc vẫn mang nặng tính hình thức. Không ít tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp chưa thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, hiệu quả mà thường “khoán trắng” cho cơ quan chuyên môn, được chăng hay chớ…

Gần một nửa chặng đường còn lại trong chiến lược CCTP đến năm 2020, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài những vấn đề thuộc tầm vĩ mô như: sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đãi ngộ… thì khâu tổ chức, triển khai thực hiện của từng cấp, từng ngành là hết sức quan trọng. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, ngành chức năng, chiến lược CCTP trên địa bàn tỉnh ta sẽ về đích đạt yêu cầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast