Nhiều người dân Hà Tĩnh nhận “hàng đểu” từ bên thứ 3 khi mua online

(Baohatinh.vn) - Khi đặt mua hàng trên các trang web thương mại điện tử, trong lúc sản phẩm từ nhà cung cấp chính chưa được giao đến nơi, nhiều người dân Hà Tĩnh lại nhận được một gói hàng từ đơn vị khác gửi đến.

Phản ánh tới Báo Hà Tĩnh, anh L.H. (31 tuổi, trú phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết, ngày 25/4, anh vào một trang web thương mại điện tử lớn đặt mua một ốp lưng điện thoại Samsung, tính cả tiền sản phẩm và phí vận chuyển là 96.000 đồng. Sau khi đặt hàng xong, phía trang thương mại điện tử nhắn về mail cá nhân khoảng một tuần nữa nhà cung cấp sẽ giao hàng.

Nhiều người dân Hà Tĩnh nhận “hàng đểu” từ bên thứ 3 khi mua online

Đơn hàng không ghi địa chỉ nơi giao và nhận hàng cùng thông tin sản phẩm mà anh H. nhận ngày 2/5.

Ngày 2/5, anh H. nhận được một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia xưng là nam nhân viên chuyển phát nhanh, nói sẽ giao mặt hàng mà anh đã đặt trong buổi sáng. Sau khi nhận hàng và trả đúng số tiền là 96.000 đồng, anh H. mở bưu kiện ra xem, sản phẩm bên trong cũng là ốp lưng điện thoại, nhưng là của iPhone, chứ không phải là Samsung như anh từng đặt.

Tuy nhiên, ngày 3/5, anh H. lại nhận được điện thoại từ nữ nhân viên chuyển phát nhanh, nói có gói hàng đặt trên mạng, sẽ giao trong buổi trưa. Anh H. giật mình, trình bày trước đó một hôm đã nhận được gói hàng, nhưng không đúng mẫu mã, đang định phản ánh lại.

Nữ nhân viên giao hàng phản hồi rằng, có thể anh H. đã bị một bên thứ ba nào đó lấy cắp thông tin khi mua hàng online và tự vận chuyển hàng đến. Anh H. sau đó vẫn đồng ý nhận sản phẩm mà nữ nhân viên giao, lần này mặt hàng trùng khớp, là ốp lưng điện thoại Samsung trị giá 96.000 đồng với mẫu mã và màu sắc mà anh đã thao tác chọn mua trước đó trên trang thương mại điện tử.

Nhiều người dân Hà Tĩnh nhận “hàng đểu” từ bên thứ 3 khi mua online

Đơn hàng mà anh H. nhận từ nữ nhân viên ngày 3/5.

“Tôi đăng nhập vào trang thương mại điện tử ban đầu để kiểm tra lại thông tin giao dịch và kết quả chỉ mua một ốp lưng điện thoại Samsung, không mua thêm sản phẩm hoặc giao dịch với bất cứ web thương mại điện tử nào khác, nên không có chuyện nhầm lẫn đặt hai mặt hàng cùng lúc. Sau khi đối chiếu thông tin hai bưu kiện gửi đến từ ngày 2-3/5, nữ nhân viên phân tích, gói hàng gửi từ trang thương mại điện tử mà chị giao luôn có 3 mã vạch, ghi thông tin người nhận, địa chỉ và số điện thoại cụ thể bên ngoài. Còn gói hàng mà tôi nhận lần đầu từ nam nhân viên chỉ có một mã vạch, không ghi bất cứ thông tin gì về sản phẩm, người nhận hay đơn vị cung cấp”, anh H. nói.

Anh H. sau đó liên lạc với nam nhân viên giao hàng ban đầu, anh này đã cung cấp địa chỉ của cá nhân gửi hàng là: Trịnh Đình T., phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM, số điện thoại: 09192446**. Tuy nhiên, khi anh H. dùng nhiều điện thoại khác nhau gọi nhiều cuộc vào số điện thoại trên để chất vấn, đầu dây bên kia không nghe máy dù chuông vẫn đổ.

Nhiều người dân Hà Tĩnh nhận “hàng đểu” từ bên thứ 3 khi mua online

Ốp lưng Samsung (màu xanh) là sản phẩm mà anh H. đặt mua, ốp lưng màu trắng (bên cạnh) dù không mua vẫn được gửi đến.

“Tôi có phản ánh việc bị lừa nhận gói hàng tới cán bộ Công an Hà Tĩnh, họ phúc đáp đây là lần đầu địa bàn xuất hiện tình trạng này và đang cho xác minh điều tra. Công an phân tích trường hợp này có hai giả thiết, một là giữa người bán hàng và người vận chuyển thông đồng với nhau để lừa, thứ hai là việc người mua hàng bị lộ thông tin cá nhân trên trang web thương mại điện tử. Lực lượng chức năng nhận định khả năng bị lộ thông tin cá nhân là cao hơn”, anh H. cho biết thêm.

Không phải riêng anh H., nhiều người dân ở TP Hà Tĩnh cũng phản ánh bị “ép” nhận hàng online với hình thức tương tự.

Một tháng trước, chị T.T.H. đặt mua một lọ nước hoa trị giá 150.000 đồng trên một trang web thương mại điện tử, chị H. sau đó nhận được mặt hàng đúng yêu cầu.

Tuy nhiên, khoảng hai tuần sau, trong lúc chị đi vắng, một nhân chuyển phát nhanh lại đến nhà chị ở phường Trần Phú giao gói bưu phẩm trị giá 150.000 đồng. Biết chị H. thường mua hàng qua mạng nên người thân nhận giùm, song khi về mở ra xem, bên trong vẫn là loại nước hoa, nhưng là hàng kém chất lượng không thể dùng. Chị H. đành phải vứt đi, rất ấm ức mà không biết khiếu nại ai.

Tương tự, gia đình chị Y.C. ở TP Hà Tĩnh cũng hai lần bị “lừa”. Một tháng trước, chị có đặt mua một số đồ dùng cá nhân trên một trang thương mại điện tử, trị giá hàng trăm nghìn đồng. Trong vài ngày, chị cùng lúc được ship đến một số mặt hàng giống mẫu mã mà mình đặt trên trang thương mại điện tử từ một đối tác không rõ ràng, song kém chất lượng, sau đó mới nhận được hàng chính từ nhà cung cấp.

“Tôi nghĩ các thông tin cá nhân của mình như: số điện thoại, nơi ở, loại mặt hàng đặt mua... khi giao dịch trên trang web thương mại điện tử có thể đã bị lộ, kẻ xấu lấy cắp và sử dụng vào mục đích lừa đảo. Tinh vi hơn là đối tượng lừa đảo đã lựa chọn những mặt hàng tương tự với loại hàng hóa mình đặt mua ban đầu để “gài” người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thường ngại khiếu nại phiền phức và mất thêm phí ship hàng trả lại cho người cung cấp để rồi tặc lưỡi cho qua nên hình thức lừa đảo này càng ... bành trướng. Mọi người nên cẩn thận khi mua hàng online, nhớ kiểm tra kỹ thông tin và hàng hóa khi nhận hàng trước khi trả tiền để tránh mất tiền oan. Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu và chấm dứt tình trạng này”, chị Y.C. kiến nghị.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast