Vi phạm hành lang Quốc lộ 1A vẫn “nóng”

Từng được đánh giá là một trong những điển hình về giải toả triệt để vi phạm hành lang đường bộ nhưng đến nay, số các trường hợp vi phạm dọc theo QL 1A qua địa bàn Hà Tĩnh, đặc biệt là tại huyện Kỳ Anh đang tăng lên từng ngày. Điều đáng nói là chính quyền từ xã đến huyện đều biết nhưng không có động thái gì để cải thiện tình hình.

Theo Công ty QL&SC đường bộ 474 (đơn vị quản lý tuyến QL1A qua địa bàn Hà Tĩnh), tính đến tháng 12-2009, trên tuyến QL 1A qua địa bàn có 213 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, trong đó riêng huyện Kỳ Anh có 135 trường hợp. Trước đó, tháng 6 và tháng 8-2009, UBND tỉnh liên tiếp có hai Công văn số 1736/UBND-GT và 2560/UBND-GT về việc xử lý các đối tượng vi phạm hành lang ATGT trên quốc lộ đi qua địa bàn nhưng đến nay chẳng những số vi phạm không được khắc phục mà còn tăng lên từng ngày (giai đoạn tháng 4-2009 chỉ có 195 trường hợp vi phạm).

Những hình ảnh lấn chiếm hành lang giao thông QL1A như thế này không hiếm gặp trên địa bàn huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh.

Những hình ảnh lấn chiếm hành lang giao thông QL1A như thế này không hiếm gặp trên địa bàn huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh.

Mới đây, ngày 29-10-2009, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 3366/UBND-GT giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện và các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo TTGT, Tổ công tác liên ngành, Tổ cưỡng chế cấp huyện và UBND các xã có các hộ dân xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, kiên quyết xử lý dứt điểm trước ngày 10-11 đối với các trường hợp vi phạm và cưỡng chế đối với những đối tượng không chấp hành quyết định của các cấp có thẩm quyền. Thế nhưng đến nay, tình hình vẫn không có gì thay đổi.

Tại địa phận huyện Kỳ Anh, nhiều xã như Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, người dân lấp đất san nền chèn cả cống trên mương nước, khiến nước mưa ứ đọng. Ông Nguyễn Tiến Long - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phương còn cho rằng: “Dân mới chỉ đổ đất san nền chứ đã xây dựng và ảnh hưởng gì đâu, xã không thể can thiệp sâu. Mặt bằng của họ thì họ đổ đất, cấp phép hay không lại thuộc công ty quản lý đường, trừ khi đổ đất cao hơn mặt bằng đường bộ mới vi phạm (?!)”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, vậy xã có trách nhiệm gì không đối với những vi phạm này, ông Long cho rằng: “cũng có trách nhiệm của xã nhưng chủ đạo phải là công ty đường bộ. Xã có hàng trăm, hàng ngàn việc, khi nào ở trên huyện, tỉnh có chủ trương gì xã mới phối hợp thực hiện. Kiểm tra cũng chừng mực nào đó, chủ yếu là tuyên truyền nhắc nhở”.

. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Dạ - Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, quy hoạch khu dân cư có từ trước, việc san nền xây dựng là việc của dân. Vì nhà nước chưa có kinh phí để làm đường gom nên dân phải đổ đất trực tiếp từ Quốc lộ 1A ra phần đất nhà mình, việc này là bất khả kháng.

Trong số 213 trường hợp vi phạm hành lang đường bộ dọc Quốc lộ 1A, nổi lên là đắp đất xây dựng kiốt, thi công đường ngang, đắp đất trong hành lang bảo vệ cầu, thi công đường điện, nâng cấp mở rộng đường… Mức độ vi phạm từ 5m2 cho đến 80m2.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast