Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Luật Tố cáo được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua theo quy trình qua 3 kỳ họp, vì vậy đã được các đại biểu nghiên cứu sâu, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn tham gia thảo luận tại hội trường
Trong đó, tại Điều 20 của dự thảo luật chấp nhận các hình thức tố cáo mở rộng, nhưng thực sự trong soạn thảo các điều luật thì mới đưa ra xu hướng, chưa có quy định cụ thể để đáp ứng được các yêu cầu của hai hình thức tố cáo như luật hiện hành quy định. Đại biểu cho rằng, chưa có những điều luật để bảo đảm thực thi khi Quốc hội chấp nhận các hình thức mở rộng.
Đại biểu đặt vấn đề: Luật này không chỉ giải quyết quyền của công dân, quyền con người về việc thực hiện tố cáo và các quyền công dân khác, mà còn phải có biện pháp ngăn chặn việc lợi dụng quyền tố cáo vì mục đích khác.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, tại các Điều 63, Điều 62, Điều 66 quy định về khen thưởng và xử lý các sai phạm kỷ luật cũng đã khá rõ, nhưng người lợi dụng tố cáo thì chưa có biện pháp ngăn chặn. Tất nhiên, xử lý những việc này phải cả hệ thống pháp luật chứ không phải chỉ quy định tại Luật Tố cáo, nhưng phải có quy định viện dẫn cụ thể để áp dụng các luật khác.
Đại biểu cho rằng, trên 70% tố cáo sai sự thật, nhưng vẫn chưa ngăn chặn, xử lý được, luật sửa đổi lần này cần tính đến việc xử lý đối với người tố cáo sai sự thật. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục có nghiên cứu về nội dung này; một mặt, tiếp tục phát huy trách nhiệm và quyền công dân để tố cáo đúng, qua đó phát hiện ra sai phạm; mặt khác, cần có quy định chế tài nghiêm khắc để xử lý những người lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, gây ra nhiều hệ lụy cho cơ quan nhà nước và ảnh hưởng đến cán bộ, công chức và người thực thi nhiệm vụ giải quyết tố cáo.