Gần đây, Hải quân Nga đã cho phép các phóng viên tham quan bên trong tàu ngầm Stary Oskol, B-262, lớp Kilo. B-262 là một trong những tàu ngầm mới nhất thuộc Đề án 636.3 cải tiến được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2015.
Một thủy thủ đang quan sát xung quanh tàu bằng kính tiềm vọng. Tàu ngầm lớp Kilo, Đề án 636.3 được bổ sung nhiều công nghệ hiện đại giúp nâng cao hiệu suất tác chiến so với phiên bản cũ.
Tàu ngầm lớp Kilo được thiết kế với thân đôi, trong đó thân tàu bên ngoài chịu áp suất nước biển, thân tàu bên trong là nơi lắp đặt các thiết bị và không gian làm việc của thủy thủ đoàn. Phần không gian giữa 2 thân tàu là nơi bố trí các bể dằn để tàu lặn hoặc nổi.
Thân tàu bên trong được thiết kế với 6 khoang kín nước cho phép duy trì khả năng nổi ngay cả khi một hoặc hai khoang bị ngập nước. Cảm biến chính của tàu là hệ thống định vị thủy âm (sonar) MGK-400EM, hệ thống sonar phát hiện mìn và tránh va chạm MG-519EM, radar phát hiện mục tiêu mặt nước GE2-01.
Một góc giường ngủ của thủy thủ đoàn. Do không gian bên trong tàu khá chật hẹp nên mỗi thủy thủ chỉ có một chiếc giường vừa đủ nằm, các thủy thủ ở khoang vũ khí phải ngủ chung với những quả ngư lôi, tên lửa.
Bên trong tàu chi chít các thiết bị điện tử, các van điều áp và mỗi thủy thủ đều phải thuộc nằm lòng vai trò của từng chiếc nút bấm, van điều khiển vì bất kỳ thao tác sai nào có thể đe dọa tính mạng của toàn bộ thủy thủ trên tàu.
Tàu ngầm là phương tiện đặc biệt được thiết kế để hoạt động dưới nước nên quá trình vận hành tàu luôn đòi hỏi sự giám sát rất chặt chẽ của thủy thủ đoàn.
Một thủy thủ đang giám sát các thiết bị bên trong khoang làm việc. Tàu ngầm Kilo sử dụng động cơ diesel khi nổi để sạc điện cho hệ thống ắc quy vận hành tàu khi lặn. Tàu ngầm Kilo có 2 khu lưu trữ ắc quy ở khoang số một và số 3.
Một thủy thủ dùng mặt nạ dưỡng khí để kiểm tra thiết bị bên trong khoang có nguy cơ rò rỉ khí độc. Tàu ngầm Kilo được trang bị 6 ống phóng ngư lôi có thể phóng tên lửa chống hạm Club-S tầm bắn 220km.
Tàu ngầm Kilo là một thiết kế rất thành công cả về kỹ thuật lẫn thương mại. Nó được xuất khẩu cho Ấn Độ, Iran, Việt Nam, Trung Quốc và Algeria. Hải quân Mỹ đặt cho tàu ngầm này biệt danh "Hố đen đại dương" bởi khả năng hoạt động cực êm dưới nước.