Ký ức Gạc Ma

(Baohatinh.vn) - Dù cuộc chiến đã lùi xa 26 năm, nhưng đối với CCB Phạm Xuân Trường (xóm 1, xã Sơn Long, Hương Sơn), những ký ức bi tráng trong trận chiến bảo vệ chủ quyền hải đảo ngày 14/3/1988 chưa bao giờ nguôi...

Những ký ức về cuộc hải chiến sống mãi trong tim CCB Phạm Xuân Trường.
Những ký ức về cuộc hải chiến sống mãi trong tim CCB Phạm Xuân Trường.

Nhân dịp kỷ niệm ngày hải chiến Trường Sa (14/3), chúng tôi đã tìm đến người lính năm xưa để nghe anh kể về những ký ức bi tráng của trận chiến năm đó. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, anh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến.

Là người con thứ 2, sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Sơn Long, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2/1986, anh lên đường nhập ngũ. Được cử ra Quảng Ninh tham gia khóa huấn luyện về lính thủy đánh bộ, sau 6 tháng luyện tập vất vả, ngày nắng lên rừng, ngày mưa xuống biển, anh được điều chuyển về đội hải đồ kỹ thuật, trực thuộc Bộ Tham mưu hải quân. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, anh còn tham gia một lớp học về kỹ thuật đo đạc và khảo sát biển tại vùng đất cảng Hải Phòng. Sau những tháng ngày đào tạo, huấn luyện, tháng 3/1988, anh cùng các đồng đội ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

“Tối 11/3/1988, tôi cùng 118 người thuộc các đơn vị: lính chiến, công binh... lên con tàu 604 ra đảo để khảo sát. Cùng đi còn có 2 tàu 505 và 605. Đến 6h chiều 13/3, tàu cập đảo Gạc Ma” - anh Trường nhớ lại.

Khi tàu vừa cập đảo thì đã có một số tàu chiến Trung Quốc gây hấn, yêu cầu tàu của các anh rời khỏi đảo. Tuy vậy, với lòng yêu nước, kiên quyết bảo vệ biển đảo Tổ quốc, các anh vẫn tiếp tục bám trụ. Đến 5h sáng 14/3/1988, nhóm khảo sát của tàu 604 lên đảo và tiến hành cắm cờ ở các cụm đảo để thể hiện chủ quyền Tổ quốc. Tất cả các chiến sỹ rất tự hào khi được ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên đảo. Ngay lúc đó, tàu Trung Quốc thả hàng chục xuồng máy, mỗi xuồng 4-5 người chạy quanh gây chiến. Nhưng những hành động uy hiếp đó không thể làm nhụt chí khí những người chiến sỹ đất Việt. Các chiến sỹ công binh vẫn hiên ngang vận chuyển bê tông, cốt thép lên đảo. Đó cũng là lúc lính Trung Quốc nổ những phát súng đầu tiên, bắt đầu cuộc hải chiến Trường Sa.

“Khi đó, họ bắn lên đảo, vì bảo vệ lá cờ Tổ quốc nên anh Trần Văn Phương hy sinh...”. Kể đến đây, giọng anh như nghẹn lại. Sau một lúc trấn tĩnh, anh Trường kể tiếp: “Chưa dừng lại ở đó, quân Trung Quốc còn dùng pháo cỡ lớn đánh vào 3 tàu khảo sát của Việt Nam. Khi đó, anh em trên đảo và dưới tàu đều không có vũ khí để chống trả nên phải tìm chỗ tránh đạn. Anh nấp sau két nước. Khi thấy tàu bị trúng đạn gần chìm, anh em xung quanh đã hy sinh hết, anh Trường đành nhảy xuống biển. Sau một thời gian lênh đênh trên biển, anh Trường được đồng đội Lê Hữu Thảo phát hiện và cứu sống".

“Lúc lên đảo thì có tới 35 đồng chí, người bị thương, người đã chết, trong khi chỉ còn 1 chiếc thuyền bị thủng do trúng đạn nên anh em đành xé áo quần nút lại những lỗ thủng để đi sang đảo Cô Lin. Những người yếu, người bị thương thì ngồi trong thuyền, còn người khỏe mạnh thì vừa bơi, vừa đẩy thuyền đi” - anh Phạm Xuân Trường trầm ngâm.

“Sau khi lên đảo Cô Lin, thuyền của chúng tôi nhập lại cùng với thuyền của những đồng đội trên đảo tiếp tục lênh đênh trên biển để tìm vào đảo Sinh Tồn. Sau một ngày bơi trên biển, chúng tôi được một tàu của Hội Chữ thập đỏ cứu và đưa vào đảo Sinh Tồn Đông”.

Ngày 24/3/1988, anh Trường cùng những người sống sót về lại đất liền với nỗi mất mát quá lớn khi 64 đồng đội, đồng chí vĩnh viễn nằm lại nơi biển sâu.

Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng CCB Phạm Xuân Trường chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau khi nhớ lại sự ra đi của những đồng chí, đồng đội. Về lại với cuộc sống đời thường, anh đối mặt với những nhọc nhằn, mưu sinh cơm áo. Cùng với người vợ hiền, Phạm Xuân Trường nay đây mai đó, từ Lào Cai, đến Hà Nội, rồi sang tận Lào làm đủ nghề để nuôi sống gia đình. Đối với các anh, được ra đi, được cống hiến và bảo vệ đất nước là niềm tự hào và vinh dự lớn lao. Tuy nhiên, nhìn sự vất vả, nhọc nhằn của những cựu binh như anh Trường, chúng tôi vẫn thấy nhói lòng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast