Hàng giả ở Việt Nam chủ yếu từ nước ngoài

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), hàng giả, hàng nhái chỉ sản xuất ở Việt Nam khoảng 40% còn lại được đưa vào từ nước ngoài.

Đây là thông tin được ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) chia sẻ với PV trong cuộc trao đổi về thực trạng diễn biến hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường hiện nay.

- Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về diễn biến của tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường hiện nay?

Ông Lê Thế Bảo: Phải nói rằng tình hình hàng giả hàng nhái đối với toàn cầu hiện nay là một vấn đề lớn của thế kỷ 21. Là một đất nước mới phát triển và còn khó khăn, nên điều kiện để loại hàng hóa này thâm nhập vào thị trường Việt Nam rất nhiều. Hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn từ nước ngoài đưa vào.

Theo đánh giá của chúng tôi hàng giả, hàng nhái chỉ sản xuất ở Việt Nam khoảng 40% còn lại được đưa vào từ nước ngoài. Có thể nói trong tổng số những ngành hàng ở Việt Nam như: lương thực, thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, nước giải khát, bia rượu, thuốc bảo vệ thực phẩm, mỹ phẩm, thậm chí tôn mạ, sắt thép đều có sản phẩm nhái, chưa kể đến các hóa đơn, chứng từ, tiền giả, v.v... đều được làm giả khá tinh vi.

Hàng giả ở Việt Nam chủ yếu từ nước ngoài ảnh 1

Hàng giả làm trên thị trường khá tinh vi và giống hàng thật

Ở trong nước, hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở một số khu vực nhưng nhiều nhất là ở các tuyến biên giới. Trình độ làm giả hàng nhái cũng phát triển khá nhanh. Theo đó, nếu ngày trước, một sản phẩm mới ra đời phải từ 8 - 9 tháng sau mới có sản phẩm nhái, nhưng hiện nay trong điều kiện công nghệ phát triển rất nhanh và hơn ngày xưa rất nhiều, nên hoạt động trên chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng. Đấy là thực trạng của Việt Nam hiện nay.

- Vậy vai trò của Cục Quản lý thị trường trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý chống hàng giả, hàng nhái hiện nay đã được phát huy hay chưa, thưa ông?

Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta có 7 lực lượng làm nhiệm vụ này. Ngoài Công an, Quản lý thị trường còn có các lực lượng thanh tra của các Bộ, lực lượng Hải Quan ở biên giới cũng làm nhiệm vụ này. Chúng ta có rất nhiều lực lượng đã tham gia vào công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã thành lập các Ban, trước đây là Ban 853, Ban 127, bây giờ là Ban 389 do Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác này và trực tiếp làm Trưởng ban. Điều này thể hiện sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ.

Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, công bằng mà nói thì các lực lượng đều tham gia rất tích cực, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường.

Nhưng theo tôi, lực lượng Quản lý thị trường dù đã đạt được một số thành tích nhất định nhưng cũng còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, phải làm tốt hơn nữa và tổ chức thực hiện của lực lượng Quản lý thị trường càng phải tích cực hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu mà Nhà nước đặt ra đối với lực lượng này.

- Vậy theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm tra, xử lý các vụ hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường hiện nay là gì ạ?

Thứ nhất về mặt luật pháp. Sau khi ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới, thì Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong 35 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có hàng giả thì có một số vấn đề tương đối trùng lắp nhau, thậm chí có những vấn đề xung đột pháp luật ở trong đó.

Ví dụ, có Nghị định thì quy định bắt được hàng giả phải tiêu hủy, nhưng có Nghị định khác lại cho rằng được phép loại trừ yếu tố vi phạm. Vậy rõ ràng một sản phẩm bị bắt sau đó bóc đi dán lại, thì vẫn được lưu thông bình thường. Hay cùng một mặt hàng những có 2 đơn vị chồng chéo quản lý.

Vấn đề này Hiệp hội chúng tôi đã kiến nghị từ lâu và cũng có rất nhiều văn bản đã cùng kiến nghị về vấn đề này.

Thứ hai, không ai hiểu vấn đề hàng giả, hàng nhái bằng doanh nghiệp. Tôi đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, người ta đã nói rất chi tiết hàng giả là hàng như thế nào, hàng giả ở khía cạnh nào. Người ta còn cho tôi biết hàng giả có những đặc thù gì. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp rất tinh tường trong vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan thực thi còn rất yếu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rất nhiều lần là, phải tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các lực lượng thực thi, tăng cường công tác tuyên truyền làm rõ hàng giả như thế nào, tác hại của nó cho quần chúng biết. Ta phải mở rộng công tác này sâu rộng hơn nữa, cho nhiều người hiểu được tác hại của nó thì cuộc đấu tranh của chúng ta mới có thể tiến bộ.

Xin cảm ơn ông!

Theo VnMedia

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast