Những “nốt lặng” gieo vào năm tháng

(Baohatinh.vn) - Hơn 2 thập kỷ qua, Nghĩa trang Nầm (Hương Sơn - Hà Tĩnh), nằm dưới chân núi Nầm lịch sử đã đón bao nhiêu hài cốt liệt sĩ về đây an nghỉ. Hầu hết họ là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ hoạt động cách mạng đã “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Những linh hồn khí phách đọ Trường Sơn ấy, đời đời được các thế hệ tri ân và ngưỡng vọng.

nhung not lang gieo vao nam thang

Nghĩa trang Nầm

Bóng xanh trên mộ chí

Khu đất đồi thoai thoải, rộng hơn 3 ha, giống hình con rùa, nằm dưới ngọn núi Nầm sừng sững, uy nghi. Phía trước là dòng sông Ngàn Phố uốn hình cánh cung đổ về bến Tam Soa; phía sau, rừng thông xanh trùng trùng, điệp điệp. Khu đồi ấy chính là Nghĩa trang Nầm, vùng giáp ranh 2 xã Sơn Châu và Sơn Thủy (Hương Sơn) hiện đã quy tập được 1.121 liệt sĩ hy sinh từ chiến trường gần tới chiến trường xa về đây an nghỉ. Trong đó, nhiều nhất vẫn là bộ đội, cán bộ chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

“Uống nước nhớ nguồn, lo “mồ yên, mả đẹp” cho người đã khuất, không chỉ là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam mà còn là trách nhiệm của mọi người. Năm nào cũng vậy, hết mùa khô, Quân khu 4, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng, Huyện ủy và UBND huyện Hương Sơn tổ chức đón hài cốt liệt sĩ do Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh tìm kiếm, cất bốc về mai táng tại Nghĩa trang Nầm”, ông Lê Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thành tâm chia sẻ.

Chị Lê Thị Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Kể từ năm 1999, sau khi Nghĩa trang Nầm được khánh thành, không năm nào nghĩa trang không đón những linh hồn thiêng về đây an nghỉ” - chị Nhung vừa nói vừa trao cho tôi bản thống kê rành rọt, chi tiết ngày tháng những đợt quy tập đầy nghĩa cử ấy.

Bất giác, nước mắt tôi mặn chát và nhỏ vào trang giấy: “Ba ngôi mộ chôn tập thể được đội quy tập phát hiện tại Lào: ngôi mộ thứ nhất 73 người, ngôi mộ thứ hai 10 người, ngôi mộ thứ ba 9 người”. Quả thực, tôi chưa hiểu hết những người lính ấy hy sinh trong trường hợp pháo kích hay bom rơi trúng hầm, chỉ biết rằng, họ vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, trong tư thế ngẩng đầu cao, đứng thẳng như cây săng lẻ giữa rừng Lào.

Chiến tranh, dẫu người lính hy sinh ở chiến trường hay nơi bãi tập, dọc đường hành quân, mỗi số phận đều đồng hành cùng với sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc. Cách đây hơn một tuần lễ, huyện Hương Sơn tổ chức cất bốc hài cốt 1 liệt sĩ chưa biết tên đưa về mai táng tại Nghĩa trang Nầm. Người lính ấy hy sinh trong một đêm hành quân (khoảng tháng 5/1966) qua bến đò Choi, bị máy bay giặc Mỹ bắn thủng ngực ngay khi vừa rời khỏi con đò. Đêm ấy, chính ông Mậu (thôn Thịnh Văn, Sơn Thịnh) đã cùng đồng đội chôn cất anh trong chiếc quan tài người dân hiến tặng và đắp ngôi mộ đất cho người lính trẻ. Rồi đơn vị lại vội vã hành quân.

Mấy thập kỷ đi qua, không biết bao nhiêu mùa xuân, ông Mậu vẫn chăm sóc ngôi mộ, thắp hương khấn nguyện cho anh an lành nơi chín suối. Rồi ông cũng trở thành “người thiên cổ”. Trước khi mất, ông dặn anh Bính - người con trai cả của mình: nhớ bảo vệ và chăm lo hương khói cho nấm mồ liệt sĩ chưa có tên này. Anh Bính đã thực hiện đúng di nguyện của người cha. Ngày 7/7/2016, hàng trăm người dân đứng chật hai bên đường liên hương, ngậm ngùi đưa hài cốt người lính trẻ về nơi yên nghỉ mới. Cuộc tiễn đưa diễn ra trong không khí trang nghiêm với hùng hậu đội kiêu binh, đội quân nhạc và vòng hoa trắng, hoa hồng phủ đầy mộ chí. Anh đã đứng trong hàng ngũ liệt sĩ chưa có tên ở Nghĩa trang Nầm với con số 469 ngôi mộ. Theo hồ sơ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn, năm 2016, nghĩa trang đón thêm 19 hài cốt liệt sĩ từ Lào về.

Tháng bảy ở Hương Sơn, cuối chiều vẫn nắng, nhiều bụi chuối trong vườn đã bị nắng và gió lào thổi vàng cuống lá. Thế nhưng, lạ lùng thay, khi tôi đặt chân đến Nghĩa trang Nầm, bỗng thấy bốn bề mát rượi. Đang mùa hoa bằng lăng nở, cả khu Nghĩa trang Nầm rợp kín một màu tím, không ít cây bằng lăng ra hoa sớm, bây giờ đã kết thành những quả tròn chi chít trên cây. Không còn tiếng ve sầu kêu réo rắt, chỉ nghe dậy lên trong bóng lá tiếng chim gọi bạn. Những tiếng chim ban chiều càng làm cho linh hồn người đã khuất thanh thản hơn. Điều khiến tôi ngạc nhiên, 2 cây bằng lăng đứng song song, tán tròn, lá dày, có 2 tổ chim non. Dưới gốc cây là 2 mộ chí liệt sĩ Nguyễn Minh Cảnh (Hà Nội) và liệt sĩ Nguyễn Hồ Khanh (Nam Hà). Tôi đọc trên bia mộ biết 2 anh đều hy sinh khi mới 18 tuổi. Không hiểu 2 người ở “thế giới bên kia” có trở thành bạn “tương tri, tương ngộ” không, mà sao đôi chim làm tổ trên cây lại ríu rít với nhau đến vậy?

Nằm cùng các liệt sĩ có danh tính còn có thêm mộ chí nhà báo Phạm Hồ, mộ chí của các bậc lão thành cách mạng 1930-1931 như các cụ: Nguyễn Xuân Phương, Phạm Như, Trần Xuân (cả 3 cụ đều sinh quán xã Sơn Lễ, Hương Sơn) và những cô thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng trên mặt trận mở đường Trường Sơn thời chống Mỹ.

Gặp người viếng mộ

Trong dòng người thăm viếng mộ tại Nghĩa trang Nầm chiều nay, bất chợt, tôi gặp ông Trần Đình Quỳnh (quê xã Sơn Thủy) đang thắp hương cho anh trai là liệt sĩ Trần Đình Ngoạn. Ông Quỳnh năm nay đã 65 tuổi, râu và tóc đều lốm đốm bạc, người cháu Trần Đình Khanh năm nay đã ngoài 50 tuổi, cả 2 chú cháu đều đen và gầy. Ông Quỳnh bộc bạch: “Thằng ni khi cha nó đi bộ đội, mới 2 tuổi, chưa hình dung nổi mặt cha. Vậy mà, giờ nó đã có cháu nội, cháu ngoại rồi. Gia đình tôi cũng may mắn, vì anh tôi hy sinh tại đường 9 Khe Sanh, sau bao năm dày công tìm kiếm mới đưa được hài cốt anh về đây”.

Rồi ông Quỳnh rân rấn nước mắt:

- Hồi ấy, tôi mới lên mười 10, nghe tin anh Ngoạn đi, tôi mừng lắm, cứ ôm lấy cổ anh và dặn: “Khi mô anh vào chiến trường, được phát bộ đồ mới thì để lại bộ đồ cũ cho em mặc nhé”. Anh Ngoạn xoa đầu tôi, rồi dỗ dành: “Em cứ yên tâm, học cho giỏi, nhớ cắt cỏ chăm con trâu hợp tác xã cho béo, huấn luyện xong, thế nào anh cũng tìm cách gửi đồ cho em mặc”. Sáng hôm sau, anh Ngoạn đi (ngày 17/3/1965). Trước khi đi, anh kêu thèm thuốc lào và bảo tôi sang nhà hàng xóm xin một điếu.

Nhưng khi tôi xin được thuốc về thì anh Ngoạn đã đi rồi. Tôi chạy xuống cây ngô đồng chợ Đình để tìm anh, song không kịp nữa. Cầm thuốc trở về, 2 mẹ con tôi ôm nhau khóc. 6 tháng sau, một người đồng hương trong đơn vị về thăm nhà, anh Ngoạn gửi cho tôi một bộ đồ quân phục màu Tô Châu. Đúng 1 năm sau, trong một lần lên gác điểm chốt tại Khe Sanh, anh Ngoạn trúng đạn địch và hy sinh”.

Kể tới đây, ông Quỳnh lại khóc rưng rức. Lặng đi một hồi lâu, ông nói: Hình như anh đã thấu hiểu nỗi lòng tôi, nên đã về lại Nghĩa trang Nầm và cũng thỏa nguyện mẹ tôi trước lúc mất.

Chuyện người quản trang

Khi tôi bước lên tượng đài “Tổ quốc ghi công” thì gặp một người đàn ông dáng người cao mảnh, khuôn mặt nhân từ đang lúi húi gom từng vỏ bao hương rơi vương vãi dưới chân tượng đài, rồi ông lấy chổi quét đi, quét lại từng tàn tro nhang rơi dày đặc dưới chiếc lư đồng. Ông là Trần Văn Học, làm quản trang đã hơn 5 năm nay.

nhung not lang gieo vao nam thang

Quản trang Trần Văn Học

Ngày nào ông cũng lặng thầm làm việc như con ong chăm chỉ, mặc dầu tiền công mỗi tháng chỉ khiêm tốn 2 triệu đồng. Vốn là một người lính, ông Học xem việc chăm sóc nghĩa trang là chăm sóc đồng đội mình. “Tui có thuận lợi là nhà ở gần nghĩa trang. Vì thế, khách đến thăm không bao giờ phải chờ lâu. Nhiều bữa, trời mưa rét, khách ở xa đến thăm mộ người thân, tôi mời họ vào nhà nghỉ, ngày mai lại dẫn họ ra đón xe về”, ông Học chia sẻ.

Khách vào rồi ra, ông Học hết dẫn khách lên tượng đài thắp hương lại dẫn họ đến từng vị trí mộ chí người thân của mình. Có hôm, gió thổi mạnh quá, khách bật lửa thắp hương mãi không cháy, ông Học phải dùng chiếc mũ cối của mình rồi cúi sát đất để thắp lửa hộ khách. Đợi hương cháy hết và khách làm lễ xong, ông mới rời chỗ. Nhiều hôm vì lên xuống quá nhiều, đêm ngủ, 2 đầu gối mỏi nhừ. Nhưng sớm mai ông Học vẫn vui vẻ tiếp tục công việc của mình.

Tôi hỏi ông Học: Hàng tuần, Huyện đoàn Hương Sơn giao nhiệm vụ cho đoàn viên Trường THPT Lê Hữu Trác quét dọn nghĩa trang, nên bác không bận tâm với việc này lắm chứ?

Ông Học cười: Việc tổng vệ sinh là của tuổi trẻ, nhưng chuyện dọn dẹp ở đây tui có khi mô ngơi tay đâu. Nghĩa trang này cây nhiều nên lá rụng thường xuyên, lại còn túi ni-lông, vỏ bao hương, chai lọ… Tính ra, mỗi ngày, tôi phải thu gom hàng tạ rác.

Tôi tin lời ông Học, bởi không có ông, nghĩa trang làm sao sạch đẹp và thâm nghiêm đến thế.

Hương Sơn, tháng 7/2017

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast