“Chúng tôi đồng thanh hát Tiến quân ca, hô vang Việt Nam độc lập muôn năm”

(Baohatinh.vn) - Những ngày mùa thu lịch sử, đón con cháu về quây quần trong ngôi nhà ấm cúng, ông Nguyễn Quang Huân (90 tuổi đời, 71 tuổi Đảng, ở tổ dân phố 3, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại kể chuyện về những ngày ông trực tiếp hòa cùng dòng người tham gia giành chính quyền trong niềm rạo rực, tự hào.

“Chúng tôi đồng thanh hát Tiến quân ca, hô vang Việt Nam độc lập muôn năm”

Cụ Huân say sưa kể về những ngày tháng hào hùng của lịch sử dân tộc

Từng là học sinh Trường Tiểu học Pháp Việt, đầu năm 1944, khi khí thế cách mạng ở huyện Kỳ Anh dâng lên mạnh mẽ, chàng thanh niên Nguyễn Quang Huân thôi học và gia nhập vào các đội hoạt động chống Tây tại địa phương. Nhanh nhẹn, tháo vát, gan dạ, ông được tổ chức tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc thám thính, dò la tin tức, hoạt động của huyện trưởng, đồn trưởng trong huyện đường để thông tin cho tổ chức.

Tháng 6/1944, một mình ông mò mẫm trong đêm tối băng qua ao sen rộng rồi trèo tường vào huyện đường để lấy thông tin. Không may, ông bị giặc phát hiện và bắt giam vào một kho hàng. Sau một ngày bị giam, khi chúng chưa kịp tra hỏi thì ông đã được một người bạn giúp đỡ thoát ra ngoài. Để tránh sự lùng sục của địch, sau nhiều ngày lặn lội, ông đã trốn vào huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) làm nhiều nghề tạm để sống. Đầu tháng 3/1945, khi nghe tin Nhật đảo chính Pháp, ông lập tức trở về quê hương tiếp tục hoạt động.

“Chúng tôi đồng thanh hát Tiến quân ca, hô vang Việt Nam độc lập muôn năm”

Là người từng lăn lộn trong những ngày đầu giành chính quyền, cũng như đóng góp nhiều công sức trong các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, cụ Huân được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý

Đầu tháng 8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, đây là cơ hội “ngàn năm có một” để nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Nghệ - Tĩnh, Việt Minh liên tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa. Tại Voi, Việt Minh Kỳ Anh cũng tổ chức họp khẩn cấp để thành lập Ban Khởi nghĩa giành chính quyền. Theo lời kể của ông Huân, trong đời chưa có lúc nào có sự chộn rộn, phấn khởi như những ngày này. Mặc dù chưa tuyên bố công khai nhưng không khí chuẩn bị khởi nghĩa thì hừng hực khắp làng trên xóm dưới. “Ngoài đồng hay giữa chợ, ở nhà hay ngoài đường, đâu đâu cũng nghe xôn xao bàn tán, nào là “Việt Minh”, “diễn thuyết”, “khởi nghĩa”, “giành chính quyền”… - cụ Huân kể.

Cũng từ đây, bộ máy cai trị của chính quyền Nhật và phong kiến ở Kỳ Anh bắt đầu tê liệt. Thời cơ đã đến, hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa huyện, trưa ngày 18/8/1945, cán bộ và nhân dân các vùng tập trung kín đường, hàng ngũ chỉnh tề, trống mõ rộn vang, cờ đỏ sao vàng 5 cánh tung bay rợp trời, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm” và cùng kéo về huyện đường. Hòa trong dòng người bất tận, ông Huân và nhiều đồng chí hết sức tự hào, chỉ muốn tiến nhanh vào sào huyệt cuối cùng của thực dân - phong kiến để giành lấy quyền độc lập, tự do.

“Chúng tôi đồng thanh hát Tiến quân ca, hô vang Việt Nam độc lập muôn năm”

Mặc dù đã 90 tuổi đời nhưng cụ Huân vẫn rất minh mẫn, ngày ngày sống vui, sống khỏe cùng con cháu

Đúng 12 giờ ngày 18/8, đoàn cán bộ Việt Minh tỉnh và huyện đi đầu đã tiến vào huyện đường Kỳ Anh. Huyện trưởng Nguyễn Hòa Phẩm đã đầu hàng vô điều kiện và giao nộp toàn bộ ấn tín, thẻ ngà, tài liệu cho cách mạng. Cùng lúc, Đồn trưởng Nguyễn Ấn cũng giao nộp vũ khí. Huyện trưởng Nguyễn Hòa Phẩm và Đồn trưởng Nguyễn Ấn cùng các chánh tổng, lý trưởng đều được bảo toàn tính mạng.

Một chi tiết được ông Huân kể lại khá thú vị là, chuẩn bị cho giờ phút đoàn cán bộ cách mạng tiến vào huyện đường, để đề phòng trường hợp bất trắc như có chống đối từ phía địch, ông và một số thanh niên tham gia cách mạng được giao bí mật sử dụng một số vũ khí vào trước và ém tại huyện đường đợi lệnh sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, khác với dự kiến, cuộc chuyển giao diễn ra trong “không khí hòa bình”.

“Chúng tôi đồng thanh hát Tiến quân ca, hô vang Việt Nam độc lập muôn năm”

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Ảnh tư liệu.

Trong khi đó, trên khắp ngả đường, các đoàn biểu tình vẫn ùn ùn kéo đến. Đúng 17 giờ ngày 18/8 thì tề tựu đông đủ. Cùng lúc, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh từ từ được kéo lên ngạo nghễ tung bay trước gió. Đó là phút cáo chung của chính quyền thực dân phong kiến tay sai ở Kỳ Anh. Từ đấy cho đến 10 ngày sau, trong không khí hân hoan, ông Huân cùng bà con nhân dân vùng huyện lỵ với băng cờ, khẩu hiệu thường xuyên tập trung, vừa đi, vừa đồng thanh hát bài “Tiến quân ca” và hô vang khẩu hiệu chào mừng cách mạng thành công, chào mừng chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Việt Nam độc lập muôn năm.

Là người được học hành, tham gia hoạt động, đấu tranh trong nhiều tổ chức cách mạng, đặc biệt trực tiếp tham gia biểu tình giành chính quyền về tay nhân dân nên sau ngày nước nhà được độc lập, ông Nguyễn Quang Huân đã được giao nhiều vị trí quan trọng như: Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc; Phó Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Kỳ Anh. Đặc biệt, khi về nghỉ hưu, ông vinh dự được giao trọng trách Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Anh. Tháng 6/2003, cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Anh (giai đoạn 1930 - 2000) đã được xuất bản. Đây là một tài sản tinh thần của Đảng bộ, nhân dân huyện nhà và cũng là sự kết tinh những tâm huyết, trách nhiệm của những người tham gia biên soạn, trong đó có đóng góp quan trọng của ông Huân.

“Chúng tôi đồng thanh hát Tiến quân ca, hô vang Việt Nam độc lập muôn năm”

Kỳ Anh đang từng ngày phát triển, trở thành trung tâm kinh tế- chính trị- xã hội phía Nam Hà Tĩnh. Ảnh: PV

“Từng chứng kiến những giờ phút thiêng liêng của lịch sử, được hưởng những thành quả cách mạng mang lại, lại có những tư liệu sống, cùng với niềm tự hào, tình yêu quê hương, Tổ quốc đã tạo động lực giúp tôi vượt khó khăn, cùng các cộng sự tìm tòi, sưu tầm và biên soạn một cuốn lịch sử được đánh giá cao” - ông Huân nhớ lại.

Ông cũng rành rọt chia sẻ: “Những ngày cách mạng còn “trứng nước”, tôi đã được Đảng thử thách và dìu dắt trưởng thành, trở thành người chiến sỹ cộng sản có đủ ý chí quyết chiến quyết thắng, góp phần đưa phong trào kháng chiến đến thắng lợi. Bây giờ, được chứng kiến đất nước, quê hương đổi thay từng ngày, chúng tôi càng nhắc nhở cháu con không được quên những ngày gian khổ, không được quên những hy sinh của cha ông; công ơn của Đảng, Bác Hồ”.

Chủ đề CHÀO MỪNG QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast