Hà Tĩnh - “đất lành” cho các nhà đầu tư

(Baohatinh.vn) - Con số 1.459 dự án đầu tư vào địa bàn hiện nay là minh chứng rõ nét cho sức hút của “miền đất lành” Hà Tĩnh trong nỗ lực bứt phá đi lên từ một tỉnh thuần nông trước đây.

Hà Tĩnh - “đất lành” cho các nhà đầu tư

Formosa Hà Tĩnh đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp.

Những năm đầu sau tái lập tỉnh (năm 1991 - 2000), Hà Tĩnh vẫn là tỉnh thuần nông, hạ tầng giao thông chưa phát triển, số lượng dự án đầu tư vào địa bàn còn ít. Vốn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

5 năm tiếp đó (giai đoạn 2001 - 2005), hoạt động thu hút đầu tư bắt đầu có những bước tiến mới. Thời kỳ này, có 24 dự án trong nước và 2 dự án FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng số vốn hơn 615 tỷ đồng.

Nói đến bước chuyển mình trong thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh thì phải kể đến sự ra đời của Khu kinh tế Vũng Áng (năm 2006). Với lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và các chính sách ưu đãi, đây được xem là “thỏi nam châm” thu hút các dự án mang tầm vóc chiến lược, tạo sức lan tỏa đến cả chuỗi ngành công nghiệp của tỉnh.

Hà Tĩnh - “đất lành” cho các nhà đầu tư

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là nhà máy nhiệt điện lớn nhất khu vực miền Trung, đóng góp cho lưới điện quốc gia trung bình 7,2 tỷ kWh/năm.

Tháng 4/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND về việc quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và các khu công nghiệp của tỉnh như: giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nhân lực và hạ tầng kỹ thuật… Nhờ đó, giai đoạn 2006 - 2010, Hà Tĩnh đã thu hút 74 dự án trong nước với tổng số vốn gần 47.000 tỷ đồng và 11 dự án FDI có tổng số vốn hơn 13 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Duy Minh - Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh) đóng tại Khu kinh tế Vũng Áng, được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2008 với số vốn đăng ký hơn 29.420 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 1.200 MW, chính thức hoạt động năm 2015. Đây là nhà máy nhiệt điện lớn nhất khu vực miền Trung, đóng góp cho lưới điện quốc gia trung bình 7,2 tỷ kWh/năm.

Từ năm 2020, nhà máy đã đóng nộp ngân sách 403 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 445 lao động với mức thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, nhà máy đặt mục tiêu sản xuất 7,062 tỷ kWh điện, đạt doanh thu 10.681 tỷ đồng, đóng nộp ngân sách nhà nước 304,112 tỷ đồng.

Hà Tĩnh - “đất lành” cho các nhà đầu tư

Lãnh đạo tỉnh cùng bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khảo sát đầu tư phát triển du lịch lòng hồ Ngàn Trươi, Vườn Quốc gia Vũ Quang và trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Vũ Quang. Ảnh chụp tháng 1/2021.

Liên tục trong nhiều năm qua, cùng với ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tỉnh đã tổ chức hàng loạt sự kiện xúc tiến đầu tư có quy mô ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, CHLB Đức…, qua đó chủ động kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp, phân tích về các lợi thế, cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh và đề xuất hợp tác.

Ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh cho biết: "Nhờ sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và triển khai tốt công tác quảng bá tiềm năng, lợi thế cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư lớn có tính đột phá, tạo sức lan tỏa.

Hà Tĩnh là một trong các tỉnh thu hút vốn FDI top đầu cả nước, trong đó có đại dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã nghiên cứu, đầu tư các dự án trên tất cả các lĩnh vực để dần tạo sự cân bằng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh như: các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, phát triển hạ tầng, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch…"

Hà Tĩnh - “đất lành” cho các nhà đầu tư

Trung tâm Thương mại Vincom Plaza do Tập đoàn Vingroup đầu tư đi vào hoạt động góp phần thay đổi diện mạo ngành thương mại dịch vụ Hà Tĩnh.

Từ năm 2011 tới nay là thời kỳ các dự án “đổ bộ” vào Hà Tĩnh. Theo đó, năm ít nhất là 49 dự án (năm 2011) và nhiều nhất là 141 dự án (năm 2016). Tổng vốn đầu tư giai đoạn này gần 73.000 tỷ đồng vốn trong nước và khoảng 600 triệu USD vốn FDI.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển thông tin: Hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng cho thấy hiệu quả tích cực với việc tập trung vào chất lượng dự án, chọn lọc dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.459 dự án đầu tư với hơn 437.000 tỷ đồng. Trong đó, 1.383 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 120.000 tỷ đồng; 76 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký 13,76 tỷ USD.

Hà Tĩnh - “đất lành” cho các nhà đầu tư

Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư trên 1.287 tỷ đồng hoạt động vào tháng 3/2021.

Nhiều dự án lớn của các tập đoàn trong và ngoài nước đi vào hoạt động đã góp phần vào phát triển KT-XH của tỉnh như: Khu liên hợp Gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh; các nhà máy may, sợi xuất khẩu; các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở của Tập đoàn Vingroup...

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư vào tỉnh như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Mitsubishi, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Millineum (Hoa Kỳ); Tập đoàn Simen (Đức)...

Tin tưởng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà.

Chủ đề Thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast