Hồi sinh từ “miền đất chết”

Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng tôi cũng có dịp về thăm vùng đất nhiễm mặn ở Thạch Sơn (Thạch Hà). Trên cánh đồng, những ruộng lúa đỏ au đang vào mùa thu hoạch, đâu đó, tiếng người cười nói gọi nhau lẫn trong tiếng máy tuốt đập liên hồi…Từ ngày dự án “xây dựng mô hình cộng đồng tham gia cải tạo vùng đất nhiễm mặn lợ” triển khai, nơi “miền đất chết” này cuộc sống như đang được hồi sinh từng ngày…

Những chân ruộng cuối cùng được thu hoạch
Những chân ruộng cuối cùng được thu hoạch

Luẩn quẩn tìm miếng ăn…

Nằm ở phía Đông Nam huyện Thạch Hà, Thạch Sơn chia thành 2 vùng rõ rệt, vùng canh tác lúa và vùng đất nhiễm mặn giáp cửa sông Đò Điệm thuộc 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Thế rồi, ngày công trình “ngọt hoá sông nghèn” (Bara Đò Điệm) đi vào vận hành, nhằm ngăn mặn, giữ ngọt cho lưu vực thượng nguồn sông Nghèn, cũng là lúc người dân 2 xóm giáp cửa sông Sông Tiến và Sông Hải bị đẩy vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Hậu quả từ công trình ngọt hoá đã biến cả vùng đất vốn là chốn làm giàu của biết bao người nông dân trở nên hoang hoá. Trong vòng 4 năm, kể từ ngày Bara Đò Điệm đóng cống, người dân 2 xóm đạo này chỉ biết sống nhờ vào những cân gạo cứu đói của tỉnh. Chị Mến, một người dân xóm Sông Tiến bùi ngùi: “Nghề truyền thống bị mất, chúng tôi không biết làm gì mà kiếm sống. Tháng nào cũng chỉ biết chờ gạo của trên cấp, bữa đói bữa no, khổ lắm!”. Vì muốn thoát khỏi cảnh túng thiếu, lần lượt người ta bỏ làng ra đi, kẻ vào miền Nam, người lên Tây Nguyên, có thêm chút vốn thì làm giấy tờ đi lao động nước ngoài kiếm sống. Cứ thế, năm này qua năm khác, ở làng chỉ còn lại người già cô đơn và những đứa trẻ thất học. Ông Trần Công Trung, Phó chủ tịch UBND xã nhớ lại: “Xóm Sông Hải dẫu sao vẫn còn nửa ngư trường đánh bắt trên biển do nằm sát cửa sông, còn xóm Sông Tiến hầu như bị chặn mọi lối sống. Hồi đó, hầu như ngày nào cũng có người bỏ làng ra đi, thậm chí, có những ngày, phải đến 3-4 chuyến xe về mới đủ chở hết người. Điều đó đã gây mất ổn định tình hình an ninh, chính trị và sinh hoạt văn hoá ở địa phương”.

Trước tình hình đó, địa phương đã phối hợp với một số dự án xây dựng các mô hình kinh tế, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân ở 2 xóm Sông Hải và Sông Tiến như: mây tre đan, mài đá thủ công mỹ nghệ và may bóng. Nhiều cuộc tham quan, tập huấn về kỹ thuật được tổ chức nhưng để thay đổi một phương thức sản xuất đâu phải là chuyện đơn giản ngày một ngày hai trong khi nhu cầu về miếng cơm manh áo lại là nỗi ám ảnh hàng ngày của những người nông dân vùng này. Các dự án dần dần thất bại còn người dân vẫn chìm trong cái vòng luẩn quẩn kiếm tìm miếng ăn. Người đi xa chẳng biết lúc nào về lại nơi cắt rốn, kẻ ở lại đành lay lắt ven sông sống nhờ vào những con tôm, con cá còn sót lại để bám trụ qua ngày.

Và cả một sự sống mới đang hồi sinh…

Điều kỳ diệu đã đến với người nông dân 2 xóm Sông Hải và Sông Tiến khi Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh triển khai đề tài “xây dựng mô hình cộng đồng tham gia cải tạo vùng đất nhiễm mặn, lợ tại xã Thạch Sơn (Thạch Hà)”. Mục tiêu của dự án là thử nghiệm các mô hình sản xuất phù hợp vừa cải tạo vùng đất nhiễm mặn vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng dân cư các xóm Sông Hải, Sông Tiến. Bằng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân, trong vòng 1 năm, dự án đã tiến hành tổ chức 5 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa nước, chăn nuôi vịt và cá. Thông qua hình thức tự học hỏi, sau đợt tập huấn 100% hộ tham gia đã thực hành được trên ruộng của mình. Quan trọng nhất là kỹ thuật bón vôi, cày xới và thay nước, nhằm rửa mặn cho đồng ruộng (vốn là hồ nuôi tôm trước đây) trước khi canh tác. Ông Trần Công Trung, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Người dân vùng này đã bỏ nghề nông nghiệp từ rất lâu nên họ phải bắt đầu lại từ những bài học đầu tiên của canh tác lúa. Thậm chí, vì chưa quen có những hộ phải lấy người cày, bừa thay trâu. Cũng nhờ trợ lực của các nhà khoa học, đặc biệt tinh thần tương trợ nhau trong cộng đồng nên khó khăn cũng giảm đi phần nào”. Vụ Hè thu 2009, mô hình thử nghiệm 1,4 ha giống lúa Khang dân 18 tại xóm Sông Tiến đã cho thu hoạch với năng suất 22 tạ/ ha đã tạo được niềm tin cho nông dân. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ 30 kg giống cá trắm, mè và gáy và 3.000 con vịt để phát triển chăn nuôi. Đến nay, dự án đã xây dựng được 10 mô hình sản xuất tổng hợp cá- lúa- vịt trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các nhà khoa học xây dựng 6 chuyên đề nghiên cứu hỗ trợ việc thưc hiện đề tài.

Gia đình ông Hồng đã mạnh dạn đầu tư máy đập lúa liên hoàn để phục vụ sản xuất
Gia đình ông Hồng đã mạnh dạn đầu tư máy đập lúa liên hoàn để phục vụ sản xuất

Hôm tôi đến, Sông Tiến, Sông Hải lại đang bước vào một mùa gặt mới. Nhìn động tác gặt lúa, gùi lúa tuy còn vụng về nhưng trên những khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ niềm vui. Vừa lom khom vác bòn lúa lên bờ, chị Mến vừa chia sẻ: “Gia đình tôi là hộ đầu tiên được chọn vào dự án, ban đầu chúng tôi lo lắng lắm. Nhưng rồi được dự án hỗ trợ 100% giống lúa, phân vi sinh cùng sự quan tâm của chính quyền và bà con trong xã, vợ chồng tôi đã mạnh dạn thử sức. Tới lúc thu hoạch, nhìn thấy hạt lúa vàng óng, chắc nịch, vợ chồng tôi mừng không kể xiết. Mừng vì mảnh đất này đã không chối bỏ mình, mùa đó, bao nhiêu lúa làm ra đều đem làm quà biếu hết”. Cứ thế, làm nhiều đất cũng thuần dần, vụ Đông Xuân 2009- 2010, anh chị mở rộng diện tích trồng lúa lên gần 2ha với sản lượng ước tính đạt khoảng 8 tấn lúa. Ngoài ra, gia đình còn có gần 2ha nuôi cá để tăng thu nhập.

Vụ Đông Xuân này, từ 7 hộ ban đầu, dự án đã thu hút được 17 hộ tham gia trồng lúa trên tổng diện tích trên 3 ha với các loại giống như: IR1820, các giống trong nhóm X và M6. Đây đều là những giống lúa thuần, có khả năng thích nghi với vùng ngọt hoá, đồng thời nó cũng góp phần để cải tạo dần vùng đất nhiễm mặn. Gia đình ông Hồng, xóm Sông Tiến có 6 lao động, từ ngày mất nghề cuộc sống trở nên lao đao. Đông Xuân 2010, ông đã quyết định cải tạo 1 ha diện tích nuôi tôm để trồng lúa, mới mùa đầu gia đình ông đã thu về 4 tấn thóc. Ông cho biết: “Mặc dù nghề nuôi trồng thuỷ sản thu lãi lớn hơn nhưng không bền vững như làm nông nghiệp. Ruộng của tôi chưa phải đầu tư phân chuồng mà cây lúa vẫn phát triển tốt. Tôi rất phấn khởi vì từ nay chúng tôi đã có một nghề ổn định để sinh sống”. Những tín hiệu đáng mừng đã khiến ông mạnh dạn đầu tư máy đập lúa liên hoàn 20 triệu đồng, vừa để phục vụ ruộng nhà vừa làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập. Đối với xóm Sông Hải, tuy điều kiện canh tác khó khăn hơn nhưng mùa này bà con cũng đã thu hoạch được những hạt lúa đầu tiên của mình.

Hơn 2 tiếng đồng hồ dạo quanh vùng ngập mặn, gõ cửa không ít nhà, đến đâu tôi cũng gặp những nụ cười rạng rỡ đầy niềm tin. Từ những thành công ban đầu, Liên Hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã quyết định tài trợ tiếp 4 năm để tiếp tục nhân rộng và xây dựng bền vững nền kinh tế nông nghiệp ở đây. Dường như một cuộc sống mới đang được hồi sinh và người dân vùng nhiễm mặn sẽ làm nên những cuộc “đổi đời” từ hướng đi đúng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast