Giảm trà xuân sớm trong sản xuất đông xuân 2012: Khó đạt mục tiêu!

Đến thời điểm này, các địa phương trên toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo và bắc mạ trà lúa xuân sớm. Điều đáng nói, mục tiêu giảm trà xuân sớm với giống lúa chủ đạo là IR1820, nhằm tái cấu trúc nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đang hiện hữu rất nhiều khó khăn và khó đạt mục tiêu đề ra...

Có mặt tại huyện Can Lộc - một trong những địa phương chỉ đạo quyết liệt trong việc bỏ trà xuân sớm trong cơ cấu sản xuất, trên đồng ruộng đã có nhiều chuyển biến. So với mọi năm, năm nay huyện không cơ cấu trà xuân sớm vào đề án sản xuất, thay vào đó, tăng trà xuân trung và xuân muộn lên 50% cho mỗi trà lúa. Theo đó, tỷ lệ gieo, bắc mạ giống lúa IR1820 đã có xu hướng giảm, một số xã như Khánh Lộc, thị trấn Can Lộc đã bỏ hẳn giống lúa thoái hóa, kém chất lượng này. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc cho biết: “Ngay khi có chủ trương “nói không với IR1820” của huyện, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, động viên nhân dân trong xã từ bỏ ngay từ khâu chuẩn bị giống, đồng thời sớm đăng ký nguồn giống thay thế để bà con yên tâm sản xuất. Ngoài nguồn hỗ trợ của huyện, xã hỗ trợ thêm 60 nghìn đồng/kg giống lúa lai TH3-3 và 100% giá giống lúa thuần với tổng kinh phí là 330 triệu đồng”. Được biết, trên đồng ruộng xã Khánh Lộc, loại giống thay thế IR1820 được bà con ưa chuộng là P290 thuộc trà lúa xuân trung với 5,3 tấn giống được đăng ký, chiếm 1/3 tổng lượng giống trên toàn huyện.

Nói là vậy, song không phải dễ dàng gì để có được kết quả đó, và không nhiều địa phương có sự đồng thuận của người dân như xã Khánh Lộc và thị trấn Can Lộc. Dù chưa có báo cáo chính thức nhưng theo kết quả theo dõi của ngành chuyên môn, địa phương này còn tồn tại không dưới 30% giống lúa IR1820 trên mặt ruộng trong vụ đông xuân này. Không riêng gì Can Lộc, ngay cả Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai đề án. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Bên cạnh trích ngân sách hỗ trợ, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất giống ngắn ngày, chất lượng ở trong và ngoài tỉnh nhằm khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, chưa có nhiều chuyển biến trên đồng ruộng. Hiện có 3.000 ha trong số 8.650 ha lúa đông xuân là giống lúa IR1820 ở Cẩm Xuyên đã được gieo thẳng”.

Nông dân xã Đức Lâm (Đức Thọ) làm đất chuẩn bị sản xuất đông xuân

Nhằm tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng theo hướng hiện đại và chuyên canh cao, mấy năm nay tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cơ cấu hạn chế dần để tiến tới bỏ hẳn giống lúa kém chất lượng IR1820 ra khỏi nhóm giống chủ lực trong vụ sản xuất đông xuân. Đồng thời, chú trọng chuyển giao KHKT, tiếp cận với những giống lúa mới, phát triển thành giống chủ lực của địa phương. Trên thực tế, qua mấy năm chủ trương đó vẫn “dẫm chân tại chỗ” ở mức độ phong trào! Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã bắc 458 ha mạ, quy đổi diện tích cấy được khoảng 4.580 ha và gieo thẳng 4.970 ha giống IR 1820. Vì sao một loại giống đã quá “già”, thời gian sinh trưởng dài ngày, nhiều sâu bệnh lại gắn bó với người nông dân đến thế?! Chúng tôi đã có ngay câu trả lời khi tiếp xúc với một số bà con nông dân: điều kiện canh tác của giống IR1820 khá đơn giản, không quá khắt khe về quy trình kỹ thuật và quan trọng hơn, giá gạo của nó vẫn vượt trội so với nhiều loại giống cùng phẩm cấp. Trên thực tế, IR1820 là giống lúa có truyền thống sản xuất lâu nhất trên mảnh đất Hà Tĩnh. Hơn 30 năm cùng “chung lưng đấu cật” với mảnh đất nhiều nắng gió, có thể nói giống IR1820 đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân nơi đây. Bởi vậy, để thay đổi cả bề dày nhận thức đâu thể một sớm một chiều. Điều quan trọng, muốn thay đổi một tập quán canh tác thì việc làm trước hết cần quản lý tốt nguồn cung trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Vụ đông xuân này, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn tuyệt đối không được mở rộng sản xuất giống IR1820 ở các địa phương, nhằm đảm bảo hạn chế mức thấp nhất nguồn cung trên thị trường cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền đến từng hộ sản xuất, nhằm giúp họ hiểu và nhận thức rõ việc chuyển đổi sản xuất phù hợp với thời kỳ hội nhập. Kèm theo đó là các chính sách ưu đãi, tạo kích cầu mạnh mẽ để bà con nông dân tiếp cận và chuyển mình”.

Bao giờ cũng thế, không có cuộc cách mạng nào là không phải trả giá. Dẫu vậy, muộn vẫn còn hơn không. Hơn lúc nào hết ngành chuyên môn, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng hành cùng bà con nông dân để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng ngày càng hiện đại và chất lượng.

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast