Học đi đôi với hành, bước đệm thực hiện chương trình phổ thông mới ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cũng như nhiều bậc học khác, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc THPT trên địa bàn Hà Tĩnh được khởi động từ nhiều năm nay. Đây được xem là bước đệm trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học gắn với trải nghiệm

Tại Trường THPT Nguyễn Đổng Chi (Lộc Hà), sự năng động của giáo viên công nghệ qua những giờ học thực tế đã góp phần nâng tầm môn học.

Học đi đôi với hành, bước đệm thực hiện chương trình phổ thông mới ở Hà Tĩnh

Giờ công nghệ của học sinh Trường THPT Nguyễn Đổng Chi (Lộc Hà) trở nên hấp dẫn hơn bởi những giờ trải nghiệm thực tế

Thầy Nguyễn Doãn Hoàng - giáo viên công nghệ Trường THPT Nguyễn Đổng Chi cho biết: “Chuyên ngành công nghệ gắn với thực tế địa phương nên ngoài việc tổ chức các sân chơi, hoạt động ngoại khóa, vài năm trở lại đây, tôi đã tổ chức cho các em những giờ học trải nghiệm thực tế.

Cùng với chương trình lý thuyết, tôi còn đưa đưa học sinh ra ngoài đồng ruộng, tham quan công ty giống cây trồng. Một số lớp tham gia trực tiếp sản xuất qua việc ươm cây”.

Học đi đôi với hành, bước đệm thực hiện chương trình phổ thông mới ở Hà Tĩnh

Việc học đi đôi với hành giúp học sinh nắm vững kiến thức bài giảng

Từ sự hướng dẫn trực tiếp của những người nông dân, học sinh được hiểu hơn về giống, quy trình sản xuất, kỹ thuật dâm cành, chiết cành, cải tạo đất, hiểu biết về một loại sâu bệnh và cách phòng trừ…

Không riêng ở Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở thành phong trào thi đua sổi nổi giữa các giáo viên, nhà trường, được áp dụng ở hầu hết các môn học.

Ứng dụng CNTT hướng đi tất yếu

Với mục tiêu nâng cao chất lượng trong từng giờ học, thời gian qua, cô Phạm Thị Ngọc Mai, giáo viên Địa lý của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) đã nghiên cứu, tìm hiểu và mạnh dạn ứng dụng công nghệ Augmented Reality (công nghệ thực tế ảo tăng cường) để tạo nên sự hấp dẫn, hiệu quả trong các giờ dạy của mình.

Hiện tại, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã và đang ứng dụng công nghệ này vào dạy học cho khối 10 và khối 11.

Học đi đôi với hành, bước đệm thực hiện chương trình phổ thông mới ở Hà Tĩnh

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) vận dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường

Cô Ngọc Mai cho biết: “Phần Địa lí tự nhiên lớp 10 có nhiều kiến thức khó và mang tính trừu tượng đối với học sinh. Giáo viên dạy kiến thức này thường sử dụng các mô hình trong sách giáo khoa, một số video clip đơn giản có sẵn trên mạng Internet để mô tả về các hiện tượng tự nhiên nên chưa tạo được hứng thú học tập cho học sinh”.

Vì thế, việc ứng dựng công nghệ Augmented Reality vào dạy học phần này sẽ giúp đưa nội dung học lý thuyết vào thực hành, cho phép học sinh trải nghiệm kiến thức mọi lúc, mọi nơi thông qua tương tác một cách sinh động. Các hình ảnh thực tế trước mắt học sinh hoặc bổ sung thêm các thông tin ảo giúp học sinh kết nối với bạn bè và học hỏi theo cách dễ dàng hơn; học sinh tiếp nhận các kiến thức về khoa học tự nhiên hiệu quả hơn, phát triển năng lực tự học, năng lực công nghệ thông tin từ đó tạo hứng thú học tập và nâng cao hiệu quả quá trình dạy học.

Học đi đôi với hành, bước đệm thực hiện chương trình phổ thông mới ở Hà Tĩnh

Chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng, giáo viên, học sinh đã có một giờ học sinh động bằng cách kết hợp giữa tài liệu trên giấy với các mô phỏng 3D mà học sinh có thể tương tác

Chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng, giáo viên đã có một bài giảng sinh động bằng cách kết hợp giữa tài liệu trên giấy với các mô phỏng 3D mà học sinh có thể tương tác.

Đây được dự báo sẽ là phương thức giảng dạy phổ biến trên các quốc gia tiên tiến nhằm tiến đến việc thay thế hoàn toàn sách vở truyền thống, giúp học sinh tiếp nhận các kiến thức về khoa học tự nhiên hiệu quả hơn.

Em Nguyễn Hải Đăng, lớp 11A6 cho biết “Em và cả lớp rất hào hứng khi học những giờ địa lý ứng dụng công nghệ Augmented Reality bởi từ ứng dụng này, những nội dung khô khan trong sách đã thành những mô hình thực tế ảo có khả năng tương tác với người sử dụng một cách hấp dẫn, giúp chúng em hiểu rõ, hiểu nhanh về vấn đề. Ngoài ra, chúng em còn được học tập để thiết kế các Augmented Reality cho riêng mình”.

Học đi đôi với hành, bước đệm thực hiện chương trình phổ thông mới ở Hà Tĩnh

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng đã trở thành phong trào thi đua trong các trường học

Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, việc tăng cường ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong công tác tổ chức quản lý cũng được nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh đẩy mạnh.

Đó là quản lý giáo án, khai thác hiệu quả phần mềm kiểm tra đánh giá inteft, Exam; tính năng thông minh của ứng dụng Kahoot, Google drive, Google trang tính (cập nhập biểu mẫu, thông tin).

“Tiện lợi đối với công tác quản lý khi ứng dụng CNTT là nắm được tình hình cụ thể, kịp thời, khách quan trong quá trình kiểm tra, đánh giá" - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn Hoàng Quốc Quyết chia sẻ.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast