Chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy
Trao đổi tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; chú trọng dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh.
Các trường học đang tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy
Thực tế, hoạt động đổi mới này đã được ngành giáo dục Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Sự đổi mới trong các hoạt động dạy học đã được Thạch Hà khởi động từ năm học 2017-2018 bằng việc thực hiện Công văn 4612/BGDĐT ngày 3/10/2017 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh”.
Theo đó, các trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà đã rà soát nội dung sách giáo khoa để tinh giản nội dung dạy học, điều chỉnh tránh trùng lặp giữa các môn học, bổ sung cập nhật những thông tin mới thay cho những thông tin cũ trong sách giáo khoa.
Cùng với đó, thực hiện dạy học tích hợp liên môn theo chủ đề, chú trọng lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử, giá trị sống và rèn kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm.
Để phát huy năng lực của học sinh, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ
Hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy cũng đã tạo khí thế, phong trào thi đua ở nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Thời gian qua, trường đã đổi mới hoạt động dạy học theo hướng tinh giản nhưng vẫn bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Nhiều tiết học chính khóa được chuyển sang dạy học theo hướng trải nghiệm. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, việc duy trì các câu lạc bộ theo năng khiếu, sở trường của học sinh đã là cách để nhà trường vừa truyền thụ kiến thức, vừa “truyền lửa” cảm hứng, giúp các em học sinh phát huy năng khiếu, sở trường”.
Chuẩn bị đội ngũ, rà soát cơ sở vật chất
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung đội ngũ giáo viên, sở cũng đã yêu cầu các phòng GD&ĐT khẩn trương tuyển đủ giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, đồng thời chỉ đạo tập trung bồi dưỡng hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán. Ngay sau hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương cũng đã triển khai các hoạt động bồi dưỡng đại trà cho đội ngũ giáo viên”.
Cán bộ, giáo viên nghiên cứu tài liệu chương trình giáo dục phổ thông 2018
Từ tinh thần chỉ đạo của sở, các phòng GD&ĐT cũng đã khẩn trương lựa chọn đội ngũ cán bộ cốt cán để tiến hành tập huấn, bồi dưỡng.
Bà Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Để chuẩn bị cho 83 lớp với gần 2.500 học sinh lớp 1 trong năm học tới thực hiện chương trình giáo dục 2018, chúng tôi đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán gồm 45 người ở bậc tiểu học và THCS để cùng với phòng thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ. Trong số đó có 16 giáo viên cốt cán và tổ trưởng chuyên môn được Sở GD&ĐT cử đi tập huấn. Sắp tới, Can Lộc sẽ có gần 190 giáo viên lớp 1, giáo viên dự phòng lớp 1, tổ trưởng chuyên môn được tập huấn đại trà”.
Từ sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương, cơ sở vật chất trường lớp ở Hà Tĩnh ngày càng được củng cố, đáp ứng yêu cầu dạy học
Về cơ sở vật chất, theo ông Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: "Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc củng cố, xây dựng cơ sở vật chất. Dẫu chưa đảm bảo 100% phòng học được kiên cố hóa nhưng đã cơ bản đáp ứng việc triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.