Khi đàn ông làm cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong tổng số hơn 2.400 cộng tác viên dân số trên địa bàn Hà Tĩnh, có 78 người là nam giới.

Kiên trì, nhẫn nại

Nhiều năm gắn bó với công tác y tế thôn bản, lại có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, ông Võ Quang Tuyến đã trở thành một địa chỉ chăm sóc sức khỏe của người dân tổ dân phố 19, thị trấn Hương Khê.

Khi đàn ông làm cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh

Sổ tay theo dõi từng cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn luôn được ông Tuyến cập nhật đầy đủ, kịp thời...

Điều mọi người ghi nhận ở người đàn ông này là sự nhiệt tình, bởi ông có mặt mọi lúc, mọi nơi khi người dân cần. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, ông cũng thường tư vấn kiến thức về sức khỏe sinh sản KHHGĐ - một lĩnh vực đối với người dân miền núi ít nhiều còn bỡ ngỡ.

Ông Tuyến cho biết: “Người làm công tác dân số, mỗi khi đã nhận nhiệm vụ thì phải luôn hết mình cho công việc và phải có sự kiên trì, nhẫn nại mới đạt được thành quả. Cách nói chuyện, tuyên truyền cũng phải “đánh” trúng tâm lý từng người, từng hoàn cảnh”.

Khi đàn ông làm cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh

...để từ đó kịp thời đưa dịch vụ KHHGĐ đến tận người dân

Với lợi thế gia đình là tấm gương sáng về mô hình nuôi dạy con ngoan, học giỏi, nên trong mỗi lần đi tuyên truyền, nói chuyện ông Tuyến đều thuyết phục được mọi người nghe theo. Đặc biệt, với địa bàn khá rộng và phức tạp, dân số thường xuyên có những biến động nên ông luôn theo dõi, bám nắm cập nhật, ghi vào sổ sách, do đó công tác “quản lý” con người liên quan đến vấn đề dân số luôn được thực hiện rất hiệu quả, bài bản.

Cứ như vậy, bằng lòng nhiệt huyết, say nghề và cách làm sáng tạo, nỗ lực của ông Võ Quang Tuyến đã góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi

Trong số 78 cộng tác viên dân số là nam giới, có lẽ anh Nguyễn Đình Linh, ở xã Hương Giang (Hương Khê) là người có tuổi đời trẻ nhất. 4 năm gắn bó với công tác dân số, với việc tuyên truyền các biện pháp tránh thai, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch ở thôn 5, xã Hương Giang, anh thanh niên 24 tuổi đã xóa bỏ được những rụt rè, tâm lý ngại ngùng khi gặp gỡ chị em để chia sẻ những điều khó nói.

Học hỏi những người đi trước, với sự năng nổ, linh hoạt của 1 cán bộ làm công tác đoàn, Linh đã có sự sáng tạo, lồng ghép trong mọi phong trào để hoạt động dân số mang lại kết quả tốt hơn.

Khi đàn ông làm cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh

Sau 4 năm gắn bó với nhiệm vụ, Linh đã không còn e ngại khi giải đáp những băn khoăn về KHHGĐ cho chị em phụ nữ

Linh cho biết: “Việc tuyên truyền, vận động được tôi thực hiện mọi lúc mọi nơi. Từ bàn nhậu với các ông chồng, đến kiên trì nói chuyện với các chị vợ. Ngoài ra, tôi còn thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ 3, sinh hoạt mỗi tháng 1 lần theo chủ đề. Cứ như thế, công tác dân số dần thấm vào suy nghĩ của các cặp vợ chồng...”.

“Nam giới nhiều người cũng độc đoán lắm, có không ít người trẻ mong muốn sinh thật nhiều con, sinh cho có trai có gái, thế nên với cộng tác viên là đàn ông như chúng tôi cũng có nhiều lợi thế của mình. Đó cũng là yếu tố quan trọng để những năm gần đây xã Hương Giang đã duy trì ổn định mức sinh con thứ 3 ở mức thấp. Năm 2019 là 21% và 6 tháng đầu năm nay là 20%”, Linh chia sẻ.

Dí dỏm, hài hước

Tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Lộc (Can Lộc) từ 6 năm nay, bà con nhân dân đã quen với hình ảnh người đàn ông gầy gò, với mái tóc hoa râm và nụ cười hóm hỉnh thường xuyên “la cà” hết làng trên, xóm dưới nói chuyện “sinh đẻ”.

Bước qua tuổi 60 với 6 năm làm cộng tác viên dân số, ông Đậu Xuân Sinh được bà con trìu mến goi là: “Ông kế hoạch hóa gia đình”. Từng là một người lính có nhiều năm gắn bó trong quân ngũ, nên tinh thần trách nhiệm với công việc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao luôn là điều mà người cựu binh hướng tới.

Khi đàn ông làm cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh

Hơn 60 tuổi, ông Sinh vẫn luôn miệt mài đến từng ngõ, gõ từng nhà để nói chuyện "sinh đẻ có kế hoạch"

Ông Sinh cho biết: “Chủ trương về công tác dân số KHHGĐ vốn khô khan, khó nói. Với nhiều người, việc sinh đẻ lại được xem là chuyện riêng của gia đình. Chính vì thế, để tác động đến suy nghĩ, hành động của họ, người làm công tác dân số phải có khiếu hài hước, tạo không khí thoải mái, gần gũi, hấp dẫn người nghe”.

Bà Phạm Thị Hoài Thu, thôn Đồng Tiến, xã Phú Lộc chia sẻ: “Thôn chúng tôi đất rộng, người thưa nhưng ông Sinh luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Với lối nói chuyện dí dỏm, hài hước mà sâu sắc nên mỗi lần ông Sinh “học chuyện” thì mọi người đều rất chăm chú lắng nghe..."

“Dù tỷ lệ cán bộ nam giới làm công tác dân số không nhiều, nhưng sự tham gia của họ phần nào đã cho thấy sự bình đẳng trong công việc. Họ, mỗi người một độ tuổi, một phương pháp, một cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu đó là trở thành cầu nối đưa chủ trương, chính sách về công tác DS-KHHGĐ vào đời sống....”, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng phòng Truyên thông (Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh) nhận xét.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast