Xây dựng chiến lược cho sản xuất lúa hàng hóa (Bài 3): Cởi “nút thắt” cho chiến lược tích tụ ruộng đất

Muốn sản xuất lúa hàng hóa thì con đường tất yếu là tích tụ ruộng đất, vươn tới “giấc mơ đại điền”. Hai nút thắt đặt ra, tích tụ ruộng đất bằng cách nào và xử lý như thế nào với lao động nông thôn khi họ rút chân ra khỏi thị trường này?!

> Bài 1: Nguồn lực chưa đủ mạnh

> Bài 2: Điểm nghẽn trong cân đối cung - cầu

Tập trung ruộng, tăng diện tích

Chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Danh Khanh (xóm My Châu, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) vào thời điểm vừa kết thúc đợt bón thúc đòng lúa hè thu. Nhìn ông có vẻ thanh thản hơn so với một nông dân sản xuất trên diện tích 2,5 ha. Ông chia sẻ: “Vụ xuân vừa rồi, gia đình tôi làm đến 4 ha. Tuy chưa được liền một vùng nhưng diện tích mỗi vùng khá lớn nên phải đầu tư máy móc. Từ máy sạ, máy cày đến máy gặt đập liên hợp, tôi đều có cả. Ngày mùa, ngoài máy móc, tôi thuê thêm ít công người phụ, chỉ 10 ngày là xong hết. Hong phơi khô khén là bán 1 lần cho thương lái vào cuối vụ luôn”.

Mạnh dạn mượn ruộng sản xuất, vụ xuân vừa rồi, ông Nguyễn Danh Khanh sản xuất 4 ha lúa, thu lãi 86 triệu đồng

Mạnh dạn mượn ruộng sản xuất, vụ xuân vừa rồi, ông Nguyễn Danh Khanh sản xuất 4 ha lúa, thu lãi 86 triệu đồng

Riêng vụ xuân vừa rồi, ông thu hoạch 20 tấn lúa, trừ lại phần để ăn và chăn nuôi, còn thu về 86 triệu đồng từ bán lúa, 35 triệu đồng từ cho thuê máy móc. Cách làm sáng tạo của ông là đứng ra mượn lại ruộng của anh em, bà con hay nhận thầu vùng đất xa, xấu của xã để cải tạo sản xuất. Vụ hè thu này, ông Khanh còn quy hoạch đồng sản xuất cỏ chất lượng cao để chăn nuôi bò, nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp duy nhất ở xã Thạch Ngọc. Ông Lê Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 375 ha lúa thì khoảng chục hộ sản xuất từ 1,7 - 2 ha trở lên. Nguyên nhân chính là một lực lượng lớn lao động đi làm ăn ở miền Nam và các nước Lào, Thái Lan. Ruộng đất bỏ hoang, những người có nhu cầu mượn lại để canh tác”.

Câu chuyện này cũng xảy ra tương tự tại xã Thiên Lộc (Can Lộc) và một số địa phương có tỷ lệ người xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn hoặc nơi có làng nghề phát triển. Rõ ràng, tư tưởng sản xuất hàng hóa đã “manh nha” từ những “nông dân lớn” này. Tuy vậy, hình thức chưa mang tính bền vững vì thực tế bình quân thửa ruộng trên đầu người vẫn bị chia nhỏ. Biết đâu, một ngày lực lượng lao động phi nông nghiệp lại quay về với ruộng, giấc mơ đại điền của những nông dân tiên phong cũng vụt tan?!. Đây cũng là lý do khiến họ “dè chừng” trong việc đầu tư hạ tầng sản xuất.

Theo ông Bùi Đức Hạnh - Bí thư Huyện ủy Can Lộc thì: “1 nông dân nếu chỉ làm 1 sào bằng thủ công thì chỉ lãi cao nhất 2 triệu đồng/năm. Nhưng nếu nông dân đó có 1 ha thì sẽ có 40 triệu đồng và 10 ha sẽ lãi 400 triệu đồng, từ đó họ mới có thể gắn bó với ruộng đồng. Có thể hiện thực của câu chuyện này phải cần 5 năm hay 10 năm nữa nhưng nó phải được bắt đầu từ bây giờ. Cần có một tổ chuyên gia khảo sát, nghiên cứu thực tiễn và xây dựng một số mô hình thí điểm về tích tụ ruộng đất - ở đó nông dân sản xuất quy mô lớn, hàng hóa và mang lại giá trị thu nhập cao trên đồng ruộng”.

Cùng chung quan điểm này, một số ý kiến từ cơ sở cho rằng tỉnh cần hình thành cơ chế thị trường đất nông nghiệp ở nông thôn, người nông dân nếu không có nhu cầu sử dụng có thể bán, cho thuê hoặc góp vốn để tích tụ ruộng đất. Từ đó sẽ mở lối cho tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, nhằm thu lãi cao. Những “ông chủ” tích tụ này có thể là một doanh nghiệp (DN), nhưng cũng có thể là người nông dân có đủ tầm ở ngay tại địa phương. Vấn đề là, “gom đất” thế nào để bớt “tổn thương” người nông dân mà vẫn “kích cầu” được sự đầu tư thì chính sách pháp luật phải thể hiện. Đó cũng là cách Nhà nước đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, bước qua khỏi thời hạn mô hình, đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo nhìn lại, không phải vùng đất nào cũng là “miền đất hứa” để sản xuất hàng hóa. Tích tụ ruộng đất sản xuất lúa cần được sàng lọc, lựa chọn để tập trung đầu tư, thu hút chính sách vào “điểm lớn” nhằm tăng tối đa hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Còn ở những vùng diện tích nhỏ, manh mún thì hoặc chuyển hướng theo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hoặc chấp nhận sản xuất vì an ninh lương thực. Đó cũng là quy luật hàng hóa sản xuất lúa gạo trong thời hiện đại!

Giải bài toán cơ cấu lao động

Lâu nay, người ta vẫn cho rằng sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp. Sự thực là, có quá nhiều người cùng sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đã kéo lùi sự phát triển. Và, tích tụ ruộng đất với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp trở thành mối quan hệ biện chứng, tích tụ ruộng đất mở ra cơ hội giải phóng lao động nông thôn ra khỏi thị trường nông nghiệp nhưng có sự chuyển dịch này thì mới tích tụ được ruộng đất.

Chuyển dịch lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp là hướng mở cho tích tụ ruộng đất.

Chuyển dịch lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp là hướng mở cho tích tụ ruộng đất.

Ông Đặng Phúc Vượng - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: “Cơ cấu lao động của xã là 34,8% lao động nông nghiệp, còn 65,2% là lao động phi nông nghiệp. Phần lớn, lực lượng này tham gia vào thị trường XKLĐ, hàng năm đưa về cho địa phương hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, xã tiếp tục tuyên truyền nhân dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn kết hợp với khuyến khích lao động nông thôn “lấn” sang các thị trường khác, đặc biệt là XKLĐ”.

Nói là vậy, song số lao động ở nước ngoài của địa phương vẫn đang phải chịu cảnh bấp bênh, rủi ro do hình thành theo lối “tự phát”. Nếu lấy những địa phương như Thiên Lộc là nhân tố điểm cho chuyển dịch cơ cấu lao động thì thiết nghĩ tỉnh và cơ quan hữu quan cần có chiến lược dài hơi hơn. Nên chăng, cần tạo cho người lao động một “lá bùa” bảo trợ vững chắc bằng các hợp đồng liên kết trách nhiệm giữa các bên nhằm khai thác tiềm năng thị trường lao động nước ngoài, vừa tạo động lực để “tự chuyển dịch”.

Trên sân nhà, sự vận động mạnh mẽ của KKT Vũng Áng trong thời gian qua đang tạo ra cơ hội “vàng” cho lao động địa phương. Theo báo cáo từ hội nghị sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng hồi đầu tháng 7, đến năm 2015, KKT Vũng Áng sẽ cần 67.777 lao động, chia đều cho các ngành nghề đào tạo. Đây là lúc chất lượng đào tạo của tỉnh ta cần được quan tâm cao nhất và cần có sự kết nối hiệu quả nhất giữa đầu vào và đầu ra cho lao động. “Hút” lao động nông thôn về các lĩnh vực CN, TTCN, TM-DV một cách bền vững là bước đi song song với tích tụ ruộng đất và cơ giới hóa để tìm đáp số cho bài toán sản xuất lúa hàng hóa tỉnh nhà.

Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp Cẩm Xuyên: Cẩm Xuyên có chính sách riêng thu hút doanh nghiệp

Nhằm nhân rộng mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ vụ hè thu 2013, huyện Cẩm Xuyên đã ban hành Quyết định 4711/QĐ-UBND ngày 15/7/2013 của UBND huyện về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM. Riêng đối với lúa hàng hóa, huyện chủ trương hỗ trợ 30 triệu đồng cho DN khi tổ chức liên kết cung ứng, tiêu thụ theo cánh đồng mẫu trong 2 năm với diện tích từ 200 ha trở lên ở mỗi xã. Đối với các DN chủ động thuê đất để tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng với quy mô từ 10 ha trở lên. Nguồn hỗ trợ tuy không lớn nhưng sẽ là nguồn động viên, đồng hành của địa phương nhằm thu hút DN vào “sân chơi” sôi động này

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast