Thu phí tự động: Dẹp tư tưởng nhập nhèm trong thu phí BOT

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Nhà đầu tư BOT phải dẹp ngay suy nghĩ không áp dụng thu phí không dừng để “nhập nhèm”, ăn chênh lệch.

thu phi tu dong dep tu tuong nhap nhem trong thu phi bot

Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng xe rất lớn. Nếu áp dụng thu phí không dừng sẽ giảm được lượng ùn ứ xe tại đầu vào trạm thu phí.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ xây dựng trạm thu phí không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được Bộ GTVT tổ chức mới đây, theo báo cáo tiến độ vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trước đây đã có Quyết định 07 về thu phí không dừng trên địa bàn cả nước với lộ trình đến cuối năm 2018 phải triển khai xong các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Từ 1/1/2019 sẽ không còn thu phí một dừng mà 100% các trạm sẽ áp dụng thu phí không dừng.

Cho biết 30/6 là thời điểm cuối cùng để hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn I) áp dụng với 28 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Thời gian còn lại của dự án là rất ngắn nhưng việc ký kết hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thu phí còn nhiều lúng túng. Hiện, còn nhiều nhà đầu tư BOT chưa triển khai như: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, BOT Hà Nội - Bắc Giang, Cần Thơ - Phụng Hiệp, Phú Gia - Phước Tượng”...

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác công-tư (PPP) cho biết, quá trình đàm phán về mức phí giữ lại cho nhà đầu tư BOT, một số nhà đầu tư thống nhất giữ lại 30% trong tổng số chi phí quản lý thu phí mà nhà đầu tư thu phí được hưởng, trong khi đó một số nhà đầu tư khác lại muốn giữ lại 50% chi phí.

thu phi tu dong dep tu tuong nhap nhem trong thu phi bot

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Nhà đầu tư BOT phải dẹp ngay suy nghĩ không áp dụng thu phí không dừng để “nhập nhèm”, ăn chênh lệch...

“Nếu thống nhất được mức này, cơ bản các nhà đầu tư BOT sẽ ký hợp đồng dịch vụ thu phí với VETC”, ông Huy nói và cho biết thêm, một nguyên nhân khác là một số dự án do VietinBank tài trợ vốn vay như trạm Đồng Nai, Hà Nội - Bắc Giang, BOT đường tránh Thanh Hóa nên nhà đầu tư không ký với VETC mà chỉ ký với dự án của ngân hàng này.

Ở góc độ nhà đầu tư BOT, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, hiện nay công ty đang sử dụng công nghệ thu phí không dừng của một đơn vị khác nên có sự không đồng bộ với công nghệ của Tasco. Bên cạnh đó, công nghệ của Tasco đã triển khai ở các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều lỗi. Với các tuyến đường có lưu lượng thấp, không bị ảnh hưởng nhiều nhưng đối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ lưu lượng thời gian vừa rồi có ngày lên đến trên 70 nghìn lượt xe/ngày đêm mà xảy ra lỗi sẽ gây ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của nhà đầu tư BOT.

“Hiện, Tasco mới chỉ áp dụng công nghệ này cho thu phí hở, trong khi tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ lại là thu phí kín bằng công nghệ tự động sẽ phức tạp hơn nhiều”, ông Khôi khẳng định.

thu phi tu dong dep tu tuong nhap nhem trong thu phi bot

Công nghệ thu phí không dừng đang triển khai trên tuyến đường QL1 tại trạm thu phí Quảng Đông, Quảng Bình.

Trong khi đó, đại diện nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết đã đàm phán với hai nhà đầu tư thu phí không dừng là VETC và VietinBank. Khi có kết quả, sẽ thương thảo hợp đồng với VETC, cố gắng trước ngày 30/6 sẽ lắp xong hai cửa thu phí mỗi chiều đường theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Là nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Tasco lý giải DN này không thể tự ý và muốn đặt ra mức phí bao nhiêu cũng được.

“Chúng tôi cũng như các nhà đầu tư BOT là chỉ được hưởng 11% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Dù có thu về bao nhiêu, chúng tôi cũng không được hưởng hết mà ất cả các chi phí đầu tư như, chi phí vận hành, bảo trì đều phải giải trình, lập dự toán và được nhà nước phê duyệt, thậm chí phải kiểm toán mới quyết toán được. Mức phí cao hay thấp là do nhà nước quyết định nên nguyện vọng của các nhà đầu tư BOT được giữ lại 50% hay 70% cũng nên “chiều” họ. Nếu nhà đầu tư hợp tác với chúng tôi ngay từ thời điểm này, chúng tôi cam kết đến 30/6 sẽ đưa hết các trạm vào vận hành”, ông Dũng cho hay.

Khẳng định việc thực hiện thu phí không dừng sẽ giúp minh bạch, tránh thất thoát trong thu phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường gay gắt: “Nhà đầu tư BOT phải dẹp ngay suy nghĩ không áp dụng thu phí không dừng để “nhập nhèm”, ăn chênh lệch”.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, Thứ trưởng Trường yêu cầu, đối với các trạm đã ký phụ lục hợp đồng, trên cơ sở tạm tính mỗi bên hưởng 50% chi phí tổ chức thu phí, Tasco khẩn trương ký hợp đồng với nhà đầu tư để lắp đặt thiết bị để không chậm dù chỉ một ngày so với mốc đã định.

“Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông rà soát, thẩm định tổng mức đầu tư của dự án để phục vụ cho công tác quyết toán. Dự toán của Tasco đầu tư 1.500 tỷ đồng phải được kiểm toán độc lập ngay từ bước đầu và công bố công khai với nhà đầu tư. Ngày 25/6, Bộ sẽ tổ chức các đoàn nghiệm thu 28 trạm để đánh giá hoạt động của các trạm này”, ông Trường chỉ đạo.

Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên theo hình thức hợp đồng BOO, có 28 trạm thu phí (không bao gồm 9 trạm do VietinBank cung cấp tín dụng), nhà đầu tư thực hiện dự án là liên doanh Công ty CP TASCO và Công ty CP VETC. Trong đó, dự kiến từ 2016 - 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 - 2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

Theo VOV

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast