Để người tàn tật không còn là gánh nặng của xã hội

Thành lập tháng 7-2004, đến nay, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu - GQVL cho người tàn tật Hà Tĩnh đã đào tạo hơn 700 học sinh với các ngành nghề chính như cắt may dân dụng và công nghiệp, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, mây tre đan xuất khẩu... Theo thống kê, Trung tâm đã giới thiệu cho hơn 350 học sinh vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, các công ty trong và ngoài tỉnh. Riêng năm 2011, Trung tâm tiếp nhận và đào tạo cho 227 người khuyết tật.

Chi nhánh Prudential Hà Tĩnh trao quà cho Trung tâm.
Chi nhánh Prudential Hà Tĩnh trao quà cho Trung tâm.

Đến mái ấm tình thương của những người khuyết tật mới thấu hiểu nỗi vất vả của các thầy, cô giáo đứng lớp cũng như cảm thương với những mảnh đời bất hạnh. Những con người không may mắn trong cuộc sống, đã tìm về đây với mong ước thật giản đơn, được học nghề và tìm kiếm việc làm để có thể nuôi sống bản thân và cố gắng để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong số hơn 200 người tàn tật, khuyết tật đang học tập tại Trung tâm, có người do bẩm sinh, có người bị nhiễm chất độc màu da cam, có người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông… nhưng tất cả đều được tư vấn nghề và học những nghề phù hợp với thể trạng của bản thân và nhu cầu xã hội. Sau khi học xong, kiểm tra tay nghề, các học viên được Trung tâm giới thiệu việc làm phù hợp, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân, ngoài ra, nhiều người còn có thể dành dụm được một phần.

Khi được học tập và sinh sống dưới mái trường này, đa phần họ không còn tự ti, mặc cảm nhờ tham gia vào hoạt động của Trung tâm. Ở đó, họ tìm thấy được sự chia sẻ, niềm vui, sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Và đây cũng là mái ấm tình thương đã bồi đắp tâm hồn, thắp niềm hy vọng, ươm mầm sáng cho những ai không may mắn.

Em Nguyễn Xuân Hùng, một học viên khóa 9 tâm sự: “Trước đây, em thậm chí còn không muốn ra khỏi nhà, sợ bạn bè chê cười, trêu chọc trước sự khiếm khuyết của bản thân. Nhưng khi đến với Trung tâm, được các thầy cô dạy bảo, bạn bè chia sẻ, em mới thấy cuộc sống này còn nhiều ý nghĩa. Em sẽ cố gắng học nghề, kiếm việc làm để sau này không phải phụ thuộc vào gia đình và không còn là gánh nặng của xã hội”.

Song song với các hoạt động dạy nghề, Trung tâm cũng chú trọng đến công tác giới thiệu và GQVL cho người tàn tật. Trung tâm thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để tìm kiếm việc làm cho các học viên sau khi ra trường. Ngoài ra, hiện nay, Trung tâm đang tổ chức các cơ sở in ấn, photocopy, đan mây tre để cho các học viên vừa học nghề, vừa làm việc để có thêm thu nhập. Trung tâm cũng là nơi giúp các học viên phục hồi chức năng, có cơ hội giao tiếp với xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Ông Lê Đình Ý - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu, GQVL người tàn tật Hà Tĩnh cho biết: “Để làm được công tác này, trước hết phải yêu nghề và có tấm lòng sẻ chia trước những mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần của người tàn tật. Những thầy cô đứng lớp ở Trung tâm phải thực sự là người cha, người mẹ thứ 2 của các em. Giúp các em học nghề là nhiệm vụ chính, nhưng giúp các em vượt qua sự tự ti, mặc cảm và tái hòa nhập cộng đồng là điều quan trọng nhất của Trung tâm”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast