Người dân thiếu thông tin khi chính sách thay đổi

(Baohatinh.vn) - Vừa qua, một số người dân xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phản ánh việc họ bị cắt, giảm hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay vốn mà không rõ nguyên nhân. Tiếp nhận ý kiến bạn đọc, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã tiếp cận địa bàn để làm rõ.

nguoi dan thieu thong tin khi chinh sach thay doi

Ngoài việc làm hồ sơ, thu tiền lãi thì cán bộ ngân hàng cần phải thông tin, tuyên truyền, giải thích đầy đủ, kịp thời cho khách hàng biết khi các chính sách vay vốn thay đổi.

Theo phản ánh của chị Hà Thị Oanh (thôn Thiên Nhẫn), vào tháng 10/2015, gia đình chị thế chấp nhà, 21.159 m2 đất vườn và một số tài sản khác tại Ngân hàng No&PTNT huyện Hương Sơn (Phòng Giao dịch Nầm) vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để chăn nuôi. Khi làm hồ sơ vay vốn, gia đình chị được cam kết sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất và phải trả nợ trong 3 năm.

Tuy nhiên, trong thực tế thì chị chỉ được hỗ trợ tiền lãi từ khi vay đến tháng 12/2016, còn năm 2017 thì bị cắt. Vấn đề này, chị đã nhiều lần thắc mắc với lãnh đạo xã, ngân hàng nhưng không được trả lời rõ ràng, thỏa đáng. Vì vậy, chị không biết vì sao lại bị cắt hỗ trợ.

Chị Đinh Thị Mại (cùng thôn) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chị cho biết: “Tháng 10/2015, tôi làm thủ tục vay 100 triệu đồng tại Ngân hàng No&PTNT với lãi suất 9,5%/năm, hỗ trợ 50% lãi suất và số tiền hỗ trợ được nhận lại theo từng quý. Thế nhưng, khi mới thụ hưởng lãi suất được hơn 1 năm thì bị dừng mà gia đình không nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào từ chính quyền cũng như ngân hàng. Chúng tôi càng băn khoăn hơn vì có một số hộ trong xóm, trong xã vẫn có người đang được nhận hỗ trợ, nhưng chỉ ở mức 30% lãi suất”.

nguoi dan thieu thong tin khi chinh sach thay doi

Các hộ bị cắt lãi suất vay vốn sản xuất ở Sơn Hòa phản ánh sự việc với phóng viên Báo Hà Tĩnh

Trả lời về vấn đề này, bà Cao Thị Ngân Bích - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT huyện Hương Sơn cho rằng: “Sở dĩ có tình trạng như các hộ phản ánh là do chính sách của tỉnh thay đổi! Theo đó, tại thời điểm các hộ này vay thì được HTLS theo Quyết định 23/2014/QĐ-UBND với mức hỗ trợ 50% lãi suất hàng tháng. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay thì chỉ được hỗ trợ 30% hoặc bị cắt tùy thuộc vào thời gian đã được hưởng hỗ trợ của từng đối tượng. Điều này được thực hiện theo Nghị quyết 32/2016 của HĐND tỉnh về ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và chỉnh trang đô thị”.

Về việc vì sao người dân thiếu thông tin khi chính sách thay đổi thì bà Bích cho rằng: “Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho khách hàng vay vốn là trách nhiệm của UBND xã”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Học Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn Hòa thẳng thắn và cầu thị: “Tôi đã giao cho chuyên môn thông tin đến các hộ vay vốn khi tỉnh thay đổi chủ trương, nhưng có thể vì lý do nào đó nên chưa sâu rộng. Việc người dân chưa nghe, chưa hiểu đầy đủ, kịp thời về những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của họ có một phần lỗi của địa phương. Sắp tới, tôi sẽ cho thông báo đầy đủ, cụ thể về tận các hộ vay vốn để họ biết và chấp hành...”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc thay đổi HTLS vay vốn sản xuất là thực hiện theo chủ trương của tỉnh, không phải do sai sót hay tắc trách của các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, việc người dân “đói” thông tin dẫn đến nhiều băn khoăn, lo lắng, chờ đợi là lỗi của ngân hàng và chính quyền địa phương.

Vấn đề là khi chính sách thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho bên vay thì ai là người chịu trách nhiệm? Câu hỏi này dành cho phía ngân hàng và cơ quan chức năng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast