Thành công của những dự án hợp tác hữu nghị

Hợp tác quốc tế về chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật với các nước trong khu vực đã trở thành truyền thống trong quá trình hoạt động của ngành KH&CN Hà Tĩnh. Với các tỉnh sử dụng chung đường 8 và đường 12 của Thái Lan và Lào, mối quan hệ này đã vượt khỏi ranh giới xã giao hữu nghị để phát triển lên một tầm cao mới trên tình thần hai bên cùng có lợi.

Dự án chăn nuôi lợn siêu nạc theo công nghệ Thái Lan do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh triển khai. Đây là mô hình chăn nuôi theo quy mô công nghiệp với quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống đến nuôi lợn thương phẩm thông qua hệ thống phân tích chất lượng, phát hiện và xử lý các mầm bệnh kịp thời. Với quy trình đồng bộ, hiện đại đã giúp Công ty cổ phần chăn nuôi MITRACO không những chọn được bộ giống có năng suất sinh sản cao, tăng trọng nhanh mà còn kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua hệ thống Biogas dùng nguồn khí để chạy máy phát điện công suất 128 kw/h, đáp ứng 1/3 sản lượng điện trong khu vực chăn nuôi.

Bò giống chất lượng cao công nghệ Thái Lan nuôi tại trang trại Công ty CP thương mại dịch vụ Tùng Châu.
Bò giống chất lượng cao công nghệ Thái Lan nuôi tại trang trại Công ty CP thương mại dịch vụ Tùng Châu.

Ông Nguyễn Văn Nhị – Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi MITRACO, cho biết, từ 459 con giống được nhập từ Thái Lan vào tháng 7–2005, đến nay, trang trại chăn nuôi của đơn vị đã tăng quy mô lên 1.250 con giống, sinh sản 28.500 lợn con, nuôi thương phẩm 26.000 con (tương đường với sản lượng 2.470 tấn). Nhờ tính ưu việt của dự án này, đơn vị đã kiểm soát được dịch bệnh bằng hệ thống khử trùng tự động và thiết lập vành đai an toàn dịch bệnh cho 6 xã lân cận như: Thạch Vĩnh, Thạch Lưu, Thạch Đài, Ngọc Sơn và Bắc Sơn.

Dự án thu hút thêm 14 hộ nuôi lợn thương phẩm tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh, với quy mô mỗi năm ba lứa, mỗi lứa từ 300 – 500 con, góp phần gia tăng thu nhập từ 45 – 70 triệu đồng/hộ/năm. Thành công của dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa bỏ tình trạng chăn nuôi manh mún không đảm bảo môi trường sang chăn nuôi tập trung. Điều này càng chứng minh thêm việc lựa chọn đúng công nghệ, thiết bị, con giống, quy mô đầu tư phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh ta.

Ông Nguyễn Huy Trọng – Phó Chánh văn phòng Sở KH&CN Hà Tĩnh phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế cho biết thêm, ngoài thành công của dự án chăn nuôi lợn siêu nạc, từ năm 2004 đến nay, Thái Lan còn hợp tác chuyển giao cho các đối tác của ta nhiều chương trình, dự án tiên tiến như: Công nghệ sản xuất ống cống bê tông li tâm bằng rung ép (Công ty Fresh Way Part Co.Ltd chuyển giao cho Công ty CP đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh); Công nghệ chăn nuôi bò giống năng suất, chất lượng cao (HTX nông nghiệp Noọng Xủng – tỉnh Mục Đa Hán chuyển giao cho Công ty CP thương mại và dịch vụ Tùng Châu). Ngoài các dự án quy mô lớn đó, các đối tác Thái Lan còn giúp một số doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất tỉnh ta ứng dụng quy trình sản xuất giống baba (Công ty TNHH Lý – Thanh – Sắc), quy trình sản xuất các giống hoa, cây cảnh… Nhiều sản phẩm trong số đó đã nhanh chóng phát huy hiệu quả nhờ được thị trường trong tỉnh đón nhận.

Sở KH&CN Hà Tĩnh chuyển giao công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời cho tỉnh Bôlykhămxay - Lào.
Sở KH&CN Hà Tĩnh chuyển giao công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời cho tỉnh Bôlykhămxay - Lào.

Các lĩnh vực hợp tác KH&CN giữa Hà Tĩnh với CHDCND Lào được mở rộng hơn. Tiêu biểu trong số các chương trình, dự án mà Hà Tĩnh chuyển giao cho bạn thời gian gần đây phải kể đến “Công nghệ xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt và năng lượng mới cho hai tỉnh Bô ly khăm xay và Khăm muộn”.

Sau hơn một năm rưỡi triển khai (từ tháng 1 – 2006 đến tháng 8 – 2007), Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã xây dựng thành công 3 mô hình trình diễn cho mỗi tỉnh (mô hình xử lý cấp nước sạch, mô hình hầm khí Biogas, mô hình hệ thống Pin năng lượng mặt trời; đồng thời chuyển giao các tài liệu, quy trình vận hành cũng như các biện pháp bảo dưỡng, xử lý hỏng hóc trong quá trình hoạt động.

Thông qua các mô hình đó, Hà Tĩnh không chỉ giúp nhân dân hai tỉnh Bô ly khăm xay và Khăm Muộn nâng cao chất lượng môi trường sống, tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu loại thải từ chăn nuôi động vật mà còn giúp người dân hưởng lợi thay thế dần nguồn chất đốt truyền thống (gỗ củi, than củi). Thành công từ chương trình, dự án này đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quốc tế giữa hai dân tộc, hai tỉnh biên giới của Lào với Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Không dừng lại ở đó, ngành KH&CN Hà Tĩnh có kế hoạch tiếp tục giúp đỡ bạn về mặt chuyên gia trong việc nhân rộng các mô hình, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý KH&CN cho hai tỉnh về những kinh nghiệm xây dựng mạng lưới, tổ chức hoạt động KH&CN cấp tỉnh, huyện; đặc biệt là giúp bạn ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình thủy điện nhỏ cho các bản làng vùng sâu, vùng xa không có điện lưới quốc gia và chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao (dó trầm, keo lai, bạch đàn)…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast