Quản lý thị trường VLXD: “Hàng rào” pháp lý chưa đủ mạnh!

(Baohatinh.vn) - Không thể phủ nhận, mặt hàng gạch ốp lát, vật tư ngành điện có xuất xứ từ Trung Quốc nhái các thương hiệu lớn đang chiếm lĩnh thị trường Việt. Vật tư, vật liệu xây dựng (gọi tắt là VLXD) kém chất lượng tràn vào thị trường bằng con đường chính ngạch có, không chính ngạch cũng không ít. “Hàng rào” pháp lý đối với các mặt hàng “không tem” này tuy có nhưng thực hiện được không phải là chuyện giản đơn...

>> Thị trường VLXD: Hàng nhái tràn lan, giá cả nhiễu loạn!

quan ly thi truong vlxd hang rao phap ly chua du manh

Gạch Trung Quốc bày bán công khai

Theo cơ quan quản lý thị trường Hà Tĩnh, các loại VLXD như gạch tráng men và không tráng men, gạch ốp tường, gạch lát nền (ceramic và granite); các loại sứ, thiết bị vệ sinh (bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... ống nhựa PVC, đồ điện nội thất… là loại vật tư, VLXD rất dễ làm giả, làm nhái. Với hình thức, kiểu dáng (hàng Trung Quốc giả hàng thật) “một chín một mười” trong khi giá cả lại vênh nhau 50/50, thậm chí, 40/60 nên một số nhà buôn hám lợi có thể trà trộn hàng thật - hàng nhái lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi mà người mua không hay biết.

quan ly thi truong vlxd hang rao phap ly chua du manh

Anh Nam, một người đang tìm kiếm sản phẩm vật tư, vật liệu để lắp đặt cho công trình đang xây dựng của mình tại TP Hà Tĩnh cho biết, anh rất phân vân khi phải đứng trước hàng loạt nhãn hiệu trong và ngoài nước. Cũng là bộ vòi tắm Toto, Inax, American có nơi thì “hô” 20-25 triệu đồng, song cũng có nơi chỉ bán 7-10 triệu đồng. Khi thắc mắc thì các chủ hiệu này lý giải các sản phẩm đó cũng tùy loại (?!).

Được biết, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã tăng cường quản lý mặt hàng này với việc tập trung kiểm tra đăng ký kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, về quyền sở hữu công nghiệp, các quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, việc ghi nhãn sản phẩm, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Tuy nhiên, đối với thị trường nhỏ lẻ như ở Hà Tĩnh, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu không phải dễ dàng.

quan ly thi truong vlxd hang rao phap ly chua du manh

Hiện nay, một số mặt hàng đèn trang trí nội thất Trung Quốc có hóa đơn, xuất xứ rõ ràng nhưng chất lượng vẫn là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Hiện nay, chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu do 2 đơn vị Sở Công thương và Sở Xây dựng phụ trách. Trong khi Sở Xây dựng chỉ chủ yếu kiểm tra, đánh giá chất lượng vật liệu sau khi nghiệm thu công trình thì đơn vị quản lý thị trường lại kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý chỉ là số ít bởi để “bắt quả tang” những hành vi vi phạm này không hề đơn giản. Sở Xây dựng chỉ lập biên bản xử lý các nhà thầu trong các trường hợp vi phạm về chất lượng các loại vật liệu như cát, đá, xi măng, gạch ốp lát, thiết bị điện, nước... Còn nếu muốn kiểm tra, xử lý “từ phần ngọn” thì phải thành lập đội liên ngành, trong khi đó, người kinh doanh lại có nhiều “mánh khóe” để che đậy hành vi. Hơn nữa, các văn bản quy định mức xử phạt thấp lại có nhiều “lỗ hổng” để người kinh doanh lợi dụng.

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: “So với các địa bàn khác thì TP Hà Tĩnh sôi động nhất về thị trường VLXD. Hiện tại, ngoài hàng hóa sản xuất trong nước thì một số mặt hàng nhập khẩu liên quan đến tôn, thép đã cơ bản đảm bảo đầy đủ hồ sơ chứng thực. Riêng về thị trường gạch ốp lát và thiết bị nội thất nói chung thì vẫn khó quản lý. Chính vì mẫu mã thay đổi thường xuyên, trong khi các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, thường họ không tập trung số lượng lớn dự trữ mà chỉ trưng bày mẫu (1 hộp, thậm chí là 1 viên - PV) tại cửa hàng. Khi có khách đặt thì xe sẽ vận chuyển từ cửa khẩu hoặc cảng đường thủy về tận nhà dân. Như vậy, vừa không mất quá nhiều vốn, vừa tránh được sự kiểm soát của cơ quan chức năng”.

Cũng theo ông Khoa, đối với lượng hàng được trưng bày như thế, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về mức xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng thì mức xử phạt chỉ mấy trăm nghìn đồng. Còn đối với hàng giả được chở từ địa bàn khác đến thì có khi phải theo dõi hàng tháng trời mới “đánh úp” được. Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 1 đã bắt quả tang, xử lý 2 vụ với 8 thùng bóng đèn “nhái” nhãn hiệu Rạng Đông chở từ Nghệ An vào, xử lý Doanh nghiệp tư nhân Đức Thủy 7 triệu đồng vi phạm nhãn mác hàng hóa... Cơ quan quản lý nhà nước đã tịch thu, tiêu hủy tang vật và xử phạt, xử lý hành chính đối với người vi phạm. Chừng đó vụ việc đủ để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thói quen mua hàng không kiểm chứng của đại đa số người tiêu dùng hiện nay.

Việc hàng giả, hàng nhái có thể tồn tại được trong thời gian dài không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn có nguyên nhân từ chính các chủ đầu tư, chủ nhà. Trong quá trình xây dựng, họ đã phó thác việc chọn vật liệu cho nhà thầu và thợ thi công, tạo điều kiện cho người kinh doanh và thợ thi công chạy theo lợi nhuận, bất chấp chất lượng. Khi mua VLXD, người tiêu dùng nên tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, chế độ bảo hành của cửa hàng. Bên cạnh đó, khi mua thiết bị vệ sinh, cần chú ý đến các linh kiện kèm theo đề phòng linh kiện đi kèm không đúng chủng loại, không đồng bộ. Các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa vấn đề quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu các loại VLXD trên thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast