Cống hiến thầm lặng của thư ký tòa án...

(Baohatinh.vn) - Thư ký tại các Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tố tụng tại “khâu” xét xử, góp phần giúp Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết chính xác, đúng người, đúng tội, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Cống hiến thầm lặng của thư ký tòa án...

Chị Nguyễn Huyền Trang (Thư ký tòa hành chính, TAND tỉnh Hà Tĩnh) đang miệt mài xử lý công việc bên “núi” hồ sơ, tài liệu.

Chiều muộn, chị Nguyễn Huyền Trang - Thư ký tòa hành chính, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh vẫn miệt mài xử lý công việc bên “núi” hồ sơ, tài liệu. “Mỗi ngày, các thẩm phán phải giải quyết, xét xử rất nhiều vụ, việc với mức độ nghiêm trọng từ thấp đến cao.

Chính vì vậy, thư ký tòa án chính là cánh tay đắc lực, là người giúp việc cho thẩm phán. Nhiệm vụ của chúng tôi là ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp, chuyển hồ sơ, hướng dẫn cho các đương sự và thực hiện một số công việc khác theo quy định của pháp luật” - chị Trang chia sẻ.

Cống hiến thầm lặng của thư ký tòa án...

Thư ký tòa án chính là cánh tay đắc lực, là người giúp việc cho thẩm phán. (Ảnh tư liệu).

Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà nhiều vụ án có đến hàng trăm người tham gia tố tụng dù đã được ấn định ngày xét xử nhưng buộc phải hoãn. Đối với các trường hợp này, thư ký phải tiến hành xác minh, tìm hiểu lý do và báo cáo lại cho thẩm phán để có phương án giải quyết. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết một số vụ án, do đương sự tìm mọi cách kéo dài thời gian đưa ra xét xử nên việc xác minh của thư ký khó khăn hơn gấp bội.

Ngoài ra, do xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật, một số đương sự đã có lời lẽ thiếu chuẩn mực. Trong khi, số khác lại suy nghĩ rằng thư ký tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên không chịu lắng nghe. Các tình huống đó đòi hỏi thư ký phải có kỹ năng xử lý tinh tế, mềm dẻo. Bằng sự bình tĩnh, kiên trì, nhẫn nại của mình, các thư ký đã giải thích cho đương sự về quy định của pháp luật để từ đó, họ hiểu, nhận thức đúng đắn và hợp tác trong quá trình làm việc.

Cống hiến thầm lặng của thư ký tòa án...

Thư ký Nguyễn Văn Sơn (Thư ký TAND TP. Hà Tĩnh) trong phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Định(SN 1963, trú thôn Bình, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Thông thường, khi phiên tòa được mở, thư ký phiên tòa phải có mặt trước để thực hiện khá nhiều công việc. “Trong ngày mở phiên tòa, tôi thường có mặt trước 30 phút để kiểm tra trật tự, thiết bị phòng xử án nhằm kịp thời xử lý, khắc phục các sai sót, đảm bảo quá trình xét xử được diễn ra thuận lợi…”, anh Nguyễn Văn Sơn - Thư ký TAND thành phố Hà Tĩnh chia sẻ.

Cũng theo anh Sơn, trước khi Hội đồng xét xử bước vào hội trường, thư ký phiên tòa phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập, phổ biến nội quy và báo cáo danh sách có mặt, lý do vắng mặt với thẩm phán. Quá trình xét xử, thư ký phải ghi chép, phản ánh đầy đủ mọi diễn biến vào biên bản phiên tòa, các hoạt động của người tham gia tố tụng từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Sau khi phiên xử kết thúc, thư ký còn có nhiệm vụ hoàn chỉnh hồ sơ vụ án, lưu trữ hồ sơ hay chuyển các vụ án trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị...

Cống hiến thầm lặng của thư ký tòa án...

Thư ký TAND huyện Thạch Hà đang ghi chép lại quá trình xét hỏi của đại diện viện kiểm sát đối với bị cáo vào biên bản phiên tòa.

Sau quá trình công tác, phấn đấu, các thư ký sẽ được xem xét, cử tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành thẩm phán.

Là 1 trong 2 thẩm phán vừa được bổ nhiệm (năm 2021), chị Lê Thị Thanh Huệ - Thẩm phán TAND huyện Thạch Hà cho biết: “Sau 15 năm công tác và lần lượt trải qua các vị trí như: thư ký tổng hợp, thư ký tòa dân sự, thư ký tòa hình sự, thư ký tổ hành chính tư pháp của TAND tỉnh Hà Tĩnh, tôi chính thức trở thành thẩm phán sơ cấp. Chính quá trình cọ xát khi làm thư ký đã giúp tôi có thêm cơ hội trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng sống và nhanh chóng trưởng thành”.

Cống hiến thầm lặng của thư ký tòa án...

Thư ký TAND huyện Nghi Xuân trong một phiên xét xử sơ thẩm.

Chánh án TAND thành phố Hà Tĩnh Trần Đức Chính khẳng định: “Sự hỗ trợ đắc lực của thư ký đã giúp công việc của thẩm phán diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Nhờ công tác tham mưu giúp việc của thư ký đã giúp thẩm phán có được cách nhìn đa chiều, đánh giá khái quát, khách quan, toàn diện về vụ án để từ đó đưa ra các phán quyết chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của chiến lược cải cách tư pháp, đội ngũ thư ký nói riêng cũng như toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành tòa án nói chung rèn luyện để hoàn thiện bản thân, xứng đáng với tiêu chí “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast