Tiến độ xây dựng các khu Tái định cư Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê quá chậm

Để triển khai Dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, phải giải phóng mặt bằng 3.898 ha, tổ chức tái định cư cho gần 4.000 hộ dân thuộc 6 xã vùng biển ngang của huyện Thạch Hà tại 19 điểm tái định cư. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai dự án, chỉ mới 2 điểm tái định cư được xây dựng và đang dừng ở mức… “tiếp tục hoàn thiện…”

Chậm trễ “an cư”, khó khăn "lạc nghiệp"

Điểm tái định cư (TĐC) số 1, phía Nam xã Thạch Khê, được khởi công vào tháng 11/2009, có diện tích 9,7 ha, bố trí cho 235 hộ dân xã Thạch Khê đến định cư. Mỗi hộ ở đây được cấp đất từ 200-300m2, được hỗ trợ đời sống, hỗ trợ ổn định sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp theo chính sách đặc thù của dự án. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cho khu tái định cư này hơn 28 tỷ đồng. Theo cam kết, sau 6 tháng sẽ bàn giao cho các hộ dân lên tái định cư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau 11 tháng kể từ ngày khởi công, khu tái định cư này vẫn chỉ mới san lấp xong phần nền, còn lại hạ tầng điện, đường, hệ thống thoát nước đang ở mức "tiếp tục hoàn thiện” và đặc biệt nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng TĐC này chưa có.

Điểm tái định cư (TĐC) số 1, phía Nam, xã Thạch Khê sau 1 năm khởi công vẫn chưa hoàn thành
Điểm tái định cư (TĐC) số 1, phía Nam, xã Thạch Khê sau 1 năm khởi công vẫn chưa hoàn thành

Anh Nguyễn Xuân Tú (xã Thạch Khê) một trong những hộ dân nằm trong kế hoạch tái định cư đợt đầu, cho biết: “Gia đình tôi nằm sát moong mỏ nên mấy lâu nay phải sống chung với bụi bẩn, tiếng ồn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của gia đình nhất là việc học tập của con cái. Đặc biệt, nguồn nước mặt bị cạn kiệt, không thể sản xuất hay chăn nuôi được... Chúng tôi rất muốn đến khu TĐC càng sớm càng tốt để ổn định sinh hoạt”

Thạch Hải là xã bị ảnh hưởng nhiều nhất với 100% số hộ dân phải di dời (gần 1.000 hộ) đến 3 điểm tái định cư gồm: Nam Quỳnh Viên, Cẩm Hòa và Thạch Hội. Điểm TĐC Nam Quỳnh Viên có diện tích 54 ha, sẽ xây dựng trung tâm hành chính xã và bố trí khoảng 500 hộ dân định cư. Đến nay, điểm TĐC này mới “trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư”.

Tại buổi làm việc với Ban QLDA bồi thường, GPMB, hỗ trợ, TĐC Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh, huyện Thạch Hà, các xóm trưởng và chính quyền xã Thạch Hải đều bày tỏ sự nhất trí, đồng tình cao về chủ trương di dời, nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, người dân nơi đây đều băn khoăn, lo lắng về nơi ở mới của mình. Ông Võ Trí Tú – Trưởng thôn Bắc Hải (Thạch Hải), bày tỏ: “Người dân chúng tôi rất muốn được tận mắt chứng kiến khu TĐC, để biết nơi đây có thực sự “an cư, lạc nghiệp” được không”. Lo lắng của người không phải không có cơ sở, bởi cho đến nay, sau 3 năm triển khai dự án, người dân chưa hề nhìn thấy một khu TĐC nào được hoàn thiện.

Trách nhiệm của các bên liên quan

Dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê có 3 bên chịu trách nhiệm chính, gồm: Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư, có trách nhiệm quan lý, khai thác mỏ và chi trả tiền đền bù, GPMB, xây dựng các khu TĐC; Ban QLDA tỉnh có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các điểm tái định cư và triển khai công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các đối tượng lao động bị ảnh hưởng trong vùng Dự án; huyện Thạch Hà có nhiệm vụ bồi thường, GPMB.

Công ty CP Sắt Thạch Khê quá chú trọng trong việc bốc tầng đất phủ, "bỏ quên" việc việc ứng trước theo qui chế phối hợp đã ban hành năm 2009 Trong ảnh: Trên công trường bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê
Công ty CP Sắt Thạch Khê quá chú trọng trong việc bốc tầng đất phủ, "bỏ quên" việc việc ứng trước theo qui chế phối hợp đã ban hành năm 2009

Trong ảnh: Trên công trường bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê

Tổng chi phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là 3.478 tỷ đồng (theo QĐ số 2820/QĐ-UBND tỉnh) trong đó 1.504 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, 1.186 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật các điểm tái định cư, 45 tỷ đồng phục vụ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các đối tượng lao động bị ảnh hưởng trong vùng Dự án. Nếu áp giá theo Nghị định 69 thì cần khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban QLDA bồi thường, GPMB, hỗ trợ và tái định cư Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, trong số 19 điểm tái định cư và các cơ sở hạ tầng thì mới có 1 điểm TĐC đã khởi công và 1 điểm TĐC đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. 5 trong số 17 điểm tái định cư còn lại chỉ mới xong phần GPMB và đang lập kế hoạch đấu thầu các công trình hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và hoàn thành công tác thẩm tra phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Đào tạo nghề trồng nấm cho người dân các xã thuộc vùng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê
Đào tạo nghề trồng nấm cho người dân các xã thuộc vùng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Theo ông Hoàng Văn Quảng – Trưởng BQL DA bồi thường, GPMB, hỗ trợ, TĐC, nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc xây dựng các khu tái định cư là do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê khó khăn trong huy động nguồn vốn và chưa thực hiện việc ứng trước theo qui chế phối hợp đã ban hành năm 2009, khi xong các hồ sơ, thủ tục lại giải ngân không kịp thời gây khó khăn và lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ của Ban QLDA và Hội đồng bồi thường, GPMB, huyện Thạch Hà; thứ nữa là việc quản lý đất đai ở các xã trong vùng dự án không theo qui định nên khi thực hiện bồi thường, GPMB mất nhiều thời gian xác định nguồn gốc sử dụng đất và sự phối hợp xử lý của các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan chưa tốt.

Tuy nhiên theo chúng tôi, mấu chốt của vấn đề là do sự chống chéo trong điều hành giữa Ban GPMB huyện và Ban GPMB tỉnh nên cả hai đều chưa hoàn thành công việc của mình. Ngoài ra, còn do các doanh nghịệp tham gia xây dựng các khu TĐC chưa đủ mạnh để trong một thời gian ngắn có thể thi công và hoàn thành nhiều khu TĐC; Công ty CP Sắt Thạch Khê quá chú trọng trong việc bốc tầng đất phủ; tỉnh đang tập trung vào công tác GPMB dự án Formosa, nên chưa dồn sức cho dự án; huyện Thạch Hà chưa quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể vào cuộc phục vụ cho công tác GPMB, hỗ trợ di dời, TĐC. Chúng ta cần học tập cách GPMB, hỗ trợ, di dời TĐC như dự án Formosa. Công ty CP sắt Thạch Khê tái cấu trúc các cổ đông và phải có cổ động “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thì mới hy vọng công tác tái định cư này đạt kế hoạch đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast