Toàn cảnh kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4. Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, dự án đã có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài ngành y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Dự án được tiếp tục thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; phương thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục; quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; lộ trình thực hiện và điều khoản thi hành Luật...
Nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và có lộ trình chuyển tiếp một số nội dung cụ thể.
Thiết lập cơ sở để triển khai các quy hoạch
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham dự kỳ họp.
Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước.
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ góp phần hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa - xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch
Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những quyền hạn đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV
Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về bối cảnh ban hành, kết quả thực hiện nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời khẳng định Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu đã cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động chính sách để xem xét thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Giải quyết một số vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước
Một số nội dung tài chính, ngân sách nhà nước được xem xét, quyết định tại Kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023 đã được đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, góp ý kiến cụ thể về từng vấn đề; hoàn thiện các nội dung trong dự thảo nghị quyết bảo đảm tính chính xác, hợp lý, khả thi, rõ trách nhiệm gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội.
Qua đó, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ. Cuối giờ chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành trọng thể phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2.