Năm Ngọ nói chuyện giao thông ở Moskva

Giao thông luôn là chuyện nóng ở các thành phố lớn trên thế giới. Với Moskva, thành phố có tới 20 triệu dân, gần 5 triệu chiếc ô tô, giao thông cũng là câu chuyện thường xuyên được cư dân di chuyển trên “con ngựa sắt 4 bánh” đề cập tới.

Sau 19 năm quay trở lại, tôi không khỏi ngạc nhiên trước tình hình giao thông của thủ đô nước Nga. Nếu như trước đây, trên đường phố ta chỉ thấy phần lớn xe do Nga sản xuất, thì nay ở Moskva chủ yếu là xe thương hiệu nước ngoài - Đức, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, hay thậm chí là những chiếc limousine thân dài, xe thể thao nước ngoài bóng bẩy gầm rú, gây chú ý trên đường.

Tắc đường ở thủ đô Moskva
Tắc đường ở thủ đô Moskva

So với trước đây, thành phố cũng đã xây mới và mở rộng hàng loạt tuyến đường. Moskva có thêm đường vành đai 3, nằm giữa đường vành đai 2 (sadovoi) và MKAD, hàng loạt cầu vượt được xây dựng. Hệ thống Metro thuận tiện phục vụ 7 triệu lượt hành khách/ngày cũng được mở rộng nhiều để giảm tải cho đường bộ. Tuy nhiên, tham gia giao thông ở Moskva, ta không thể không chú ý tới văn hóa giao thông của thành phố này.


Phạt nặng để răn đe


Do thành phố quá lớn (đường kính Moskva là 50 km) nên lời khuyên chân thành với những lái xe mới đến thành phố này là nên sắm ngay một “chú định vị” (navigator) thật tươm, bởi có nó, bạn có thể đi tới hầu như bất cứ địa chỉ nào mình muốn vừa tiết kiệm thời gian vừa đồng thời tránh được “ống kính” của hệ thống camera tự động do nhà chức trách lắp đặt để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật. Có thể nói không một người Việt nào, dù ở Moskva hàng chục năm, dám chắc biết thành phố này trong lòng bàn tay.

Nói tới cái sự phạt, dường như không một lái xe nào ở Moskva không “dính” trát phạt của camera tự động, vì tắc đường ở thành phố này là chuyện “cơm bữa”. Mức phạt qua camera rất khác nhau, nếu như chạy quá tốc độ chỉ 500 rúp (16 USD) thì đi vào đường ưu tiên dành cho xe công cộng (để tránh bị tắc đường) sẽ bị phạt tới 3.000 rúp (gần 100 USD). Một anh bạn của tôi cho biết, đó là do nhà chức trách quan niệm rằng đi vào đường ưu tiên, xe của bạn cản trở giao thông của hàng chục người đi xe công cộng, vì thế mức phạt phải cao. Có nhân viên đại sứ quán một ngày bị phạt tới 6.000 rúp do không nhận thức được qui định này, đi vào đường ưu tiên dành cho xe công cộng cả chiều đi lẫn chiều về.

Tuy nhiên, mức phạt cao cũng có tác dụng răn đe rất tốt. Ví dụ, nếu điều khiển xe mà uống rượu quá nồng độ cho phép, có thể bị phạt tới 100.000 rúp và tước bằng lái. Mức phạt cao cũng giúp lái xe phải tuân thủ quy định nhường đường cho người đi bộ, tức là nếu qua đường đúng phần đường dành cho mình, người điều khiển ô tô phải dừng cho người đi bộ đi qua trước. Theo tôi được biết, nét đẹp trong tham gia giao thông này ở Moskva có được là nhờ chính quyền áp dụng qui định phạt lỗi không nhường đường cho người đi bộ rất cao.


Văn hóa nhường nhịn


Văn hóa giao thông ở Moskva cũng có nhiều điều thú vị khác. Đó là nhường nhịn phụ nữ điều khiển ô tô. Có thể nói chị em, khi lái xe, đều được những người tham gia giao thông trên đường nhường nhịn. Chính tôi lúc đầu cũng từng bị một cô Nga “cắt mặt” mà chẳng hiểu sao như vậy. Các lái xe cũng nhường nhau trong các tình huống đường đông hay tắc đường. Từ đường nhỏ đi ra, trong trường hợp đường chính quá đông xe hay bị tắc, bạn có thể giơ tay xin và thể nào cũng có lái xe nhường đường cho bạn, hay nếu một lái xe quan sát thấy bạn chờ để hòa vào làn xe quá lâu, họ sẽ đi chậm lại, nhường cho bạn đánh xe vào.

Ấy vậy nhưng sau đó, bạn đừng nên quên bật nhanh công tắc đèn khẩn cấp để nháy cám ơn người đã nhường đường cho mình ở phía sau. Một lưu ý nữa khi tham gia giao thông ở Moskva là bạn phải tập trung quan sát tốt các biển hiệu trên đường để biết đâu là đường ưu tiên hay đường rẽ. Tại Moskva, người tham gia giao thông tuân thủ khá nghiêm các quy định trên đường, vì thế nếu không nắm rõ biển hiệu, bạn sẽ bị lái xe bấm còi phàn nàn, hay có thể gây ách tắc cho các xe phía sau.

Tắc đường ở Moskva là điều đáng để nói. Theo cuộc khảo sát tại 169 thành phố trong quí II/2013 của nhà sản xuất thiết bị định vị nổi tiếng TomTom thì Moskva là thành phố đứng đầu về tình trạng tắc đường. Tính trung bình, các lái xe mất thêm 74 phút do tắc đường trong mỗi chặng đi lại dài 1 tiếng. MKAD là đường vành đai hiện đại ở Moskva với 5 làn đường mỗi chiều mà trong ngày làm việc vẫn thường xuyên tắc. Một người bạn tôi lái chiếc Toyota Prado đi đường MKAD khi tắc đã ghi nhận kỷ lục tiêu thụ xăng tới 31 lít/100 km.

Thế mới thấy tắc đường không chỉ làm mất thời giờ, mà thiệt hại kinh tế là vô cùng lớn. Để tránh tắc đường, chính quyền Moskva đã áp dụng biện pháp thu tiền đỗ xe cao ở trung tâm, nhằm hạn chế xe đi vào trung tâm trong giờ cao điểm. Điểm đỗ xe cũng là vấn đề khó khăn với cánh lái xe. Trong ngày thường, nếu không biết rõ điểm cần đến ở trung tâm thì lời khuyên là nên chuyển sang đi metro (tàu điện ngầm) thay ô tô vì rất có thể bạn không có chỗ đỗ xe. Có lẽ do trước đây đường phố Moskva khá thoáng nên ngày nay lái xe thường hay đỗ xe lộn xộn, đỗ cả dưới lòng đường và trên vỉa hè, gây ách tắc đi lại. Tuy nhiên, họ cũng cần coi chừng bởi nếu đỗ xe không đúng nơi qui định, họ có thể bị cẩu xe và phải trả tiền phí cẩu ít nhất là 5.000 rúp.

Chính quyền thủ đô Moskva chi rất nhiều tiền để cải thiện giao thông thành phố. Hàng năm, khoản ngân sách lớn được chi cho xây dựng và cải tạo đường sá, làm cầu vượt mới, làm mới nền đường sau mùa đông... Chỉ tính trong một ngày tuyết rơi nhiều, tại Moskva có tới 9.000 xe chuyên dụng dọn tuyết trên đường để đảm bảo giao thông thông suốt, nếu không tuyết có thể rơi dày đến 10 cm. Trao đổi với tôi, nhà Việt Nam học A. Sokolov sau khi từ Việt Nam trở về cho rằng, đường sá ở thủ đô Hà Nội quá nhỏ và kém xa Moskva. Ông bày tỏ lo ngại khi ngày càng nhiều người dân có tiền tậu “ngựa 4 bánh”, khi đó không hiểu giao thông ở Hà Nội sẽ như thế nào.

Rõ ràng, đây là vấn đề nhà chức trách thành phố Hà Nội phải nghĩ tới để định hình một thành phố văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, điều cần nhất với người tham gia giao thông ở Thủ đô có lẽ là văn hóa giao thông, những hành động ứng xử tốt, ứng xử đẹp trong tham gia giao thông, mà nền tảng trên hết là luật giao thông.

Duy Trinh (từ Moskva)

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast