Người thứ hai được chữa khỏi HIV trên thế giới

Các bác sĩ ngày 11/3 cho biết bệnh nhân thứ hai trên thế giới khỏi HIV đã không còn dấu vết của bệnh suốt 30 tháng nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc kể từ lúc ngừng uống thuốc kháng virus.

Người thứ hai được chữa khỏi HIV trên thế giới

Ảnh minh họa - Hiptoro.com

Hãng thông tấn AFP đưa tin “Bệnh nhân London” kể trên vốn là một người Venezuela mắc ung thư. Năm ngoái, ông ta trở thành tâm điểm trên các mặt báo khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) thông báo họ không tìm thấy dấu vết của virus HIV trong máu của người này trong 18 tháng.

Nhà virus học Ravindra Gupta, tác giả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet HIV, cho biết các kết quả xét nghiệm mới “thậm chí còn đáng chú ý hơn” và có khả năng chứng minh bệnh nhân này đã khỏi HIV. Ông Gupta nói: “Chúng tôi đã kiểm tra một loạt vị trí mà HIV thích ẩn nấp và tất cả đều âm tính với virus”.

Bệnh nhân trên, người vừa tiết lộ danh tính tuần qua là Adam Castillejo 40 tuổi, nhiễm HIV năm 2003 và dùng thuốc để kiểm soát bệnh từ năm 2012. Cuối năm đó, ông được chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết Lymphoma nguy hiểm.

Năm 2016, ông Castillejo trải qua ca phẫu thuật ghép tủy xương để điều trị ung thư máu, nhận tế bào gốc của những người hiến tặng có loại đột biến gien ngăn chặn HIV sinh sôi. Chưa đầy 1% dân số châu Âu sở hữu loại gen đặc biệt này.

Ông trở thành người thứ hai trên thế giới được chữa khỏi HIV sau bệnh nhân người Mỹ Timothy Brown – hay còn gọi là “Bệnh nhân Berlin” – năm 2011 nhờ phương pháp điều trị tương tự.

Kết quả kiểm tra virus trong dịch não, mô ruột và mô bạch huyết của Castillejo trong hơn 2 năm sau khi uống thuốc kháng virus cho thấy không còn dấu hiệu hoạt động của nhiễm trùng. Theo chuyên gia Ravindra Gupta, xét nghiệm còn phát hiện các “hóa thạch” HIV – những mảnh virus hiện mất khả năng sinh sản và trở nên an toàn.

"Chúng tôi đã mong chờ điều đó. Thật khó để tưởng tượng rằng toàn bộ dấu vết của một loại virus từng xâm chiếm hàng tỷ tế bào đã bị loại khỏi cơ thể”, ông Gupta nói.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo đột phá trên không tạo nên một phương pháp chữa trị tổng quát cho HIV – căn bệnh dẫn đến gần một triệu ca tử vong mỗi năm. Theo nhà virus học Gupta, sơ đồ điều trị cho Adam Castillejo là “phương sách cuối cùng” vì căn bệnh ung thư máu có thể giết chết bệnh nhân này nếu không can thiệp.

Ông cho biết “một vài” bệnh nhân khác đã trải qua điều trị tương tự nhưng họ chưa thuyên giảm rõ rệt. Các nhà nghiên cứu đang cân nhắc liệu bệnh nhân mắc các dạng HIV kháng thuốc có thể đủ điều kiện để cấy ghép tế bào gốc trong tương lai hay không - điều mà ông Gupta cho rằng đòi hỏi cần xem xét yếu tố đạo đức kỹ lưỡng. “Bạn phải cân nhắc thực tế rằng có 10% nguy cơ tử vong khi cấy ghép tế bào cùng với nguy cơ tử vong nếu hoàn toàn không can thiệp”, chuyên gia này nói.

Ông Sharon Lewin, chuyên gia về bệnh lây nhiễm tại Đại học Melbourne và là thành viên của Hội AIDS Quốc tế, đánh giá trường hợp của “Bệnh nhân London” rất thú vị. Tuy nhiên, theo ông, xét theo hoàn cảnh thực tế, chữa HIV bằng cách ghép tế bào tủy xương không phải phương án khả thi trên bất kỳ quy mô nào.

"Chúng ta cần liên tục nhắc lại tầm quan trọng của việc phòng ngừa, xét nghiệm sớm và tuân thủ điều trị như là trụ cột của phản ứng toàn cầu hiện nay đối với HIV/AIDS”, ông Lewin khẳng định.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast