Sáng 28/7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đoạn Bãi Vọt – Kỳ Anh (gọi tắt là dự án) tổ chức họp để rà soát, nghe báo cáo tiến độ và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, 6 địa phương liên quan và chủ đầu tư thực hiện dự án cùng dự. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam với 3 dự án thành phần có chiều dài 102,38 km, tổng mức đầu tư 29.926 tỷ đồng.
Dự án qua Hà Tĩnh có quy mô thiết kế giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, mặt đường 32,25m.
Ngoài ra, còn có 3 tuyến kết nối với tổng chiều dài 12,18km, gồm: đường nối Ngô Quyền – ĐT.550 (dài 5,05km), đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài (dài 3,93km) và đường Cẩm Quan – QL1 (dài 3,2km).
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn báo cáo tiến độ thực hiện dự án.
Tới thời điểm này, chủ đầu tư đã bàn giao hồ sơ và mốc GPMB tuyến chính cao tốc 102,38km/102,38km (đạt 100%), tuyến kết nối được 3,2km/12,18km (đạt 26,27%). Việc kiểm đếm bồi thường GPMB toàn tỉnh đạt 79,94%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu: Đề nghị Ban QLDA Thăng Long sớm thống nhất phương án thiết kế, cắm mốc GPMB đường Ngô Quyền - ĐT.550 và đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài để địa phương triển khai các bước tiếp theo.
UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương khảo sát các khu tái định cư cho 6/6 địa phương. Hiện nay mới chỉ có UBND thị xã Kỳ Anh trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, các địa phương còn lại đang thực hiện công tác khảo sát.
Tỉnh cũng đã có văn bản về việc chấp thuận vị trí bãi chứa vật liệu thải phục vụ dự án. Về khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD), tỉnh đã báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo, triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định.
Thượng tá Hoàng Anh Tú - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh: Đơn vị đang phối hợp với ban ngành liên quan để thống nhất phương án GPMB, tái định cư khu đất kho vũ khí, trang bị và khu đất trường bắn nằm trong phạm vi GPMB Dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của dự án đoạn qua Hà Tĩnh.
Đối với việc di dời công trình quốc phòng, công trình đường dây điện từ 220kV trở lên, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đang phối hợp với ban, ngành Trung ương để rà soát, thống nhất các nội dung triển khai…
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Điện: Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã có đường cao tốc đi qua đã được Sở TNMT thẩm định, đề nghị các địa phương thông qua HĐND cấp huyện và trình phê duyệt.
Tại cuộc làm việc, các sở, ngành, địa phương đã báo cáo tiến độ triển khai từng nội dung liên quan đến dự án; nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và bàn các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.
Ông Hồ Ngọc Loan - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long: Để thuận lợi cho việc di dời các công trình kỹ thuật trên tuyến cao tốc, chủ đầu tư sẽ tính toán kinh phí rồi bàn giao cho đơn vị có công trình để di dời GPMB.
Các đại biểu đề nghị chủ đầu tư đảm bảo nguồn kinh phí kịp thời để chi trả cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng; đẩy nhanh việc di dời các công trình như đường điện, xây dựng các khu tái định cư.
Cần có cơ chế chỉ định thầu các gói thầu lập quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; sớm hoàn thành việc bàn giao mốc GPMB các tuyến kết nối; hướng dẫn về thẩm quyền, xác định nguồn kinh phí và trình tự thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn trích đo, trích lục, chỉnh lý bản đồ địa chính và đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể phục vụ GPMB dự án...
Thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các phần việc, nhất là kiểm đếm GPMB, nên kết quả chung đạt được khá tốt. Do đây là dự án trọng điểm quốc gia nên khối lượng công việc thời gian tới vẫn còn rất nặng nề, đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện phần việc được giao, phối hợp tốt với chủ đầu tư trong kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; di dời các công trình, hạ tầng kỹ thuật trên tuyến...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ghi nhận và biểu dương các sở, ban, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện công việc được giao.
Để đảm bảo quá trình thực hiện có hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dự án, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác GPMB, trong đó phải xác định rõ mốc thời gian hoàn thành các công việc (công tác kiểm đếm, áp giá và phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp, đất vườn, đất ở, nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả; bàn giao mặt bằng đất nông nghiêp; xây dựng khu tái định cư...).
“Các đơn vị, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị, địa phương nào không vào cuộc, để chậm tiến độ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Quá trình triển khai phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và ban, ngành Trung ương để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đối với GPMB các công trình trên đất quốc phòng, di dời đường điện 220kV và 500kV..., Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, Bộ CHQS tỉnh, Điện lực Hà Tĩnh và địa phương có liên quan lập phương án GPMB, tái định cư khảo sát, tiến hành kiểm đếm công trình ảnh hưởng, lựa chọn tư vấn khảo sát, lập phương án di dời. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến của Trung ương.
Về hệ thống công trình viễn thông, giao Sở TT&TT chủ trì, hương dẫn và chỉ đạo Viettel Hà Tĩnh, Viễn thông Hà Tĩnh phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí công trình bị ảnh hưởng, lập và đề xuất phương án di dời cũng như giải pháp kỹ thuật khi đi qua tuyến đường cao tốc .
Công an tỉnh cần thường xuyên nắm tình hình, đảm bảo ANTT trong quá trình thực hiện bồi thường GPMB, công tác bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoảng sản, thi công xây dựng công trình.