Sáng tạo trong gây quỹ hoạt động của chi hội nông dân ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, các chi hội nông dân ở Hà Tĩnh đã sáng tạo xây dựng nhiều mô hình gây quỹ hoạt động, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Kinh phí không phải là yếu tố quyết định nhưng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt cũng như tổ chức các hoạt động của các chi hội nông dân cơ sở. Thực tế cho thấy, việc huy động hội viên đóng quỹ còn khó khăn, đặc biệt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa khi thu nhập người nông dân còn chưa ổn định. Trong điều kiện đó, nhiều chi hội nông dân ở Hà Tĩnh có nhiều cách gây quỹ sáng tạo, góp phần chủ động hơn trong việc tổ chức các hoạt động như giúp hội viên vay vốn, thăm hỏi, tặng quà hội viên đau ốm, khó khăn…

Sáng tạo trong gây quỹ hoạt động của chi hội nông dân ở Hà Tĩnh

Chi hội Thượng Tứ (xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) thu về 16 triệu đồng làm quỹ hội từ mô hình mượn đất sản xuất trong vụ hè thu 2023.

Tại huyện Đức Thọ, vụ thu hoạch lúa hè thu 2023, hội viên nông dân Chi hội Thượng Tứ (xã Bùi La Nhân) đón niềm vui nhân đôi khi lúa được mùa, giá cả ổn định. Hơn nữa, mô hình sản xuất 1ha trên xứ đồng Trọt Cháy để gây quỹ hoạt động của chi hội đã thu về 16 triệu đồng từ việc bán lúa thương phẩm.

Ông Phan Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bùi La Nhân chia sẻ, vụ hè thu năm 2023, Hội Nông dân xã nhận thấy nhiều gia đình có ruộng trên đồng Trọt Cháy có ý định bỏ hoang do đặc thu thấp trũng, khó sản xuất nên đã vận động, hướng dẫn Chi hội Thượng Tứ đứng ra mượn đất của các hộ dân trồng lúa nhằm gây quỹ hoạt động. Chủ trương này được lãnh đạo xã đồng tình cao và khuyến khích bằng việc hỗ trợ một phần lúa giống. Việc sản xuất không chỉ giúp tổ chức hội có thêm kinh phí mà còn hạn chế được tình trạng bỏ hoang đất, lãng phí tài nguyên. Mô hình còn là hình thức làm mẫu để tạo phong trào cho người dân trên địa bàn mạnh dạn sản xuất.

“Về phía hội viên nông dân, bà con hăng hái tham gia sản xuất, mỗi đợt lao động như: đắp bờ, gieo hạt, dặm lúa, bón phân… đều thu hút hàng chục người tham gia. Nhờ chăm sóc tốt, vụ lúa được mùa, được giá, trừ các khoản chi phí, chi hội thu về 16 triệu đồng làm quỹ hội. Qua đánh giá thấy cách làm gây quỹ này rất hiệu quả. Hội Nông dân xã đang tìm thêm mô hình để hướng dẫn các chi hội khác triển khai, đặc biệt là sẽ nhân rộng mô hình mượn đất sản xuất trong những mùa vụ tới” – ông Hùng nói.

Sáng tạo trong gây quỹ hoạt động của chi hội nông dân ở Hà Tĩnh

Mô hình nạo vét kênh mương gây quỹ hội ở xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ.

Tại xã Hòa Hải (Hương Khê), Chi hội Nông dân thôn 11 đã gây quỹ bằng cách đảm nhận công việc tháo, dựng và lợp căn nhà gỗ 3 gian, 12 thước cho một hội viên khác trên địa bàn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hải Nguyễn Xuân Trường cho hay, hầu hết hội viên của thôn đều nhiệt tình tham gia, mỗi người một phần việc nên nhiệm vụ nhanh chóng được hoàn thành. Đặc biệt, mặc dù hợp đồng khoán là 12 triệu đồng song bà con thống nhất ủng hộ cho chủ nhà 4 triệu, chỉ lấy 8 triệu đồng tiền công. Hoạt động này không chỉ giúp chi hội có nguồn quỹ hoạt động mà còn góp phần xây dựng tổ chức hội đoàn kết hơn, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức và thu hút người dân tham gia hoạt động hội nhiều hơn.

Sáng tạo trong gây quỹ hoạt động của chi hội nông dân ở Hà Tĩnh

Chi hội Nông dân thôn 11, xã Hòa Hải (Hương Khê) nhận tháo, lợp nhà cho một hộ hội viên khác để gây quỹ.

Ngoài thôn 11 thì tất cả các chi hội khác của xã Hòa Hải đều có các mô hình gây quỹ sáng tạo ngoài việc đóng nộp định kỳ như: lao động đổ mương bê tông, trồng keo, nạo vét kênh mương nội đồng…

Sáng tạo trong gây quỹ hoạt động của chi hội nông dân ở Hà Tĩnh

Tất cả các chi hội ở xã Hòa Hải đều có cách làm sáng tạo gây quỹ hội.

Những mô hình gây quỹ sáng tạo kể trên đã giúp cho các hội, chi hội có nguồn quỹ ổn định, từ đó tự tin, chủ động tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hải chia sẻ thêm, nguồn quỹ hàng năm sẽ được trích để tổ chức thăm hỏi, tặng quà hội viên đau ốm, khó khăn; tổ chức các hoạt động giao lưu… Đặc biệt, các chi hội cũng sẽ dành một phần quỹ để hỗ trợ các hội viên khó khăn vay vốn sản xuất, mua cây giống, con giống. Mặc dù mỗi suất vay chỉ từ 5 - 8 triệu đồng nhưng đã thực sự tạo động lực cho nhiều nông dân nghèo trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống.

Sáng tạo trong gây quỹ hoạt động của chi hội nông dân ở Hà Tĩnh

Trong mô hình sản xuất 3 mẫu lúa hè thu gây quỹ tại Chi hội 6, phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh), khi cây vào kỳ tỉa dặm đã có hơn 60 hội viên tham gia chăm sóc.

Ông Trần Trung Thành – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, do thu nhập chung của hội viên nông dân còn khó khăn nên nhiều chi hội cơ sở ở Hà Tĩnh đã có cách làm hay, sáng tạo để gây quỹ. Trong đó, phổ biến là hình thức mượn đất sản xuất, đảm nhận thực hiện một số hạng mục trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, giao thông; thu gom phế liệu; trồng rừng… Tỉnh hội khuyến khích các tổ chức hội cơ sở nhân rộng các mô hình, cách làm gây quỹ sáng tạo, hiệu quả; đồng thời chỉ đạo hội nông dân các cấp hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy chế quản lý, sử dụng quỹ dựa trên cơ sở thống nhất ý kiến của hội viên, từ đó khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội ở cơ sở.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh, ngành chung vui ngày hội đại đoàn kết ở cơ sở

Lãnh đạo tỉnh, ngành chung vui ngày hội đại đoàn kết ở cơ sở

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành mong muốn bà con nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
“Thủ lĩnh” đoàn góp sức trẻ tô điểm quê hương

“Thủ lĩnh” đoàn góp sức trẻ tô điểm quê hương

Bằng sự gương mẫu, tâm huyết của bản thân, anh Nguyễn Tiến Hoàng - Bí thư Đoàn xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã tập hợp được lực lượng thanh niên ra sức xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế.
Nữ thủ lĩnh đoàn năng động, giàu sáng kiến

Nữ thủ lĩnh đoàn năng động, giàu sáng kiến

Trần Thị Duyên - Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là 1 trong 85 cán bộ hội được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.
Thăm nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng

Thăm nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng

Nhà thờ liệt sĩ Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng

Ý chí tự lực, tự cường của đồng chí Lý Tự Trọng

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã truyền thụ tinh thần tự học, sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng đến với toàn Đảng, toàn dân và trực tiếp đến những người học trò của mình, trong đó có đồng chí Lý Tự Trọng.