Phạm Ngọc Công tại phiên xử sơ thẩm.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Ngọc Công (SN 1992, tạm trú thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, Nghi Xuân) về tội trộm cắp tài sản tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Nghi Xuân chỉ có duy nhất một người đến dự - là mẹ bị cáo.
Từ sáng sớm, bà C. (mẹ Công) đã có mặt tại hội trường xét xử; trên tay mang theo túi đồ gồm hoa quả, nước uống… được gói ghém cẩn thận để làm “hành trang” cho con. Gần sát thời gian mở phiên tòa, song vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng con trai, bà C. cứ thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Thế rồi, tiếng bước chân của các chiến sỹ công an lẫn bị cáo bước dần về phía hội trường xóa tan không khí tĩnh lặng chốn công đường. Vừa nhìn thấy mẹ, Phạm Ngọc Công biểu lộ sự mừng rỡ qua ánh mắt.
Theo cáo trạng được đại diện viện kiểm sát công bố tại phiên xử, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, Công đã đột nhập các nhà dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân, thực hiện 8 vụ trộm cắp tài sản với tổng giá trị hơn 48,5 triệu đồng; trong đó, chủ yếu là điện thoại di động và một số tiền mặt.
Trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, bằng thái độ thành khẩn, hối lỗi, Phạm Ngọc Công thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Giờ nghị án, mẹ bị cáo lo lắng hỏi các đồng chí công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa về đồ đạc được mang vào trại giam để sắm sửa cho con. “Những việc gì đã qua, mẹ không muốn nhắc lại, chỉ mong con vào đó nghe lời cán bộ, quyết tâm, phấn đấu cải tạo tốt. Mẹ khuyên bảo, động viên con nhiều nhưng con đâu có nghe lời. Mẹ đã bất lực nên giờ đành phải để xã hội giáo dục con thành người” - bà C. cay đắng.
Việc kinh doanh không được như mong muốn cộng với hàng loạt chi phí điện, nước, tiền thuê nhân công… đã đẩy Công vào vòng tội lỗi: Trộm cắp tài sản.
Nghe những lời gan ruột của mẹ, Công rơm rớm nước mắt. Câu hỏi về gia cảnh như chạm vào lòng trắc ẩn của Công, bị cáo nghẹn ngào: “Bố mẹ ly hôn từ khi em còn rất nhỏ, kể từ đó, bố chẳng một lần về thăm, chẳng bao giờ hỏi han, quan tâm. Hình ảnh về người cha cứ thế mờ dần trong ký ức của em. Em lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và chỉ có duy nhất mẹ là chỗ dựa tinh thần”.
Đến lớp 9, Công bỏ học, sang Thái Lan học làm đầu bếp. 4 năm sinh sống, lăn lộn nơi xứ người, Công học được một số kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực ẩm thực. Sau khi về nước, Công vay mượn anh em, họ hàng một số tiền làm vốn rồi ra Hà Nội mở quán ốc. Trong 2 năm hoạt động, quán ốc của ông chủ Phạm Ngọc Công vẫn luôn duy trì được lượng khách ổn định. Cũng trong thời gian này, Công đã gặp được mối lương duyên của đời mình.
Thế nhưng, nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình, nhà neo người, một mình mẹ ở quê nhà, Công chẳng thể nào yên tâm. Sau 2 năm lập nghiệp tại Hà Nội, Công đành bỏ lại tất cả, trở về Nghi Xuân làm lại với hai bàn tay trắng. Nhờ kinh nghiệm trong thời gian làm việc nơi đất khách, may mắn, việc kinh doanh quán ốc tại Nghi Xuân của Công ngày càng khấm khá. Lúc này, ông chủ trẻ tuổi phải thuê đến 4 nhân công mới có thể đáp ứng nhu cầu. Công việc đã tạm ổn, lượng khách ổn định, Công và người yêu đã tính đến chuyện về chung một nhà.
Bà C. hy vọng cú vấp đầu đời sẽ là bài học đắt giá để con trai trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Thế nhưng, trời không chiều lòng người. Giữa năm 2020, quán ốc ngày càng thưa thớt. Lượng khách ít cộng với hàng loạt chi phí điện, nước, tiền thuê nhân công… đã đẩy Công vào vòng tội lỗi: Trộm cắp tài sản.
“Lúc quyết định hành động như vậy, em đã bị dồn vào đường cùng, ngõ cụt. Ngày nào cũng vậy, em bị ám ảnh, quẩn quanh trong suy nghĩ làm thế nào để duy trì quán, để có tiền lo cho gia đình. Thêm vào đó, các chủ nợ giục trả tiền liên hồi khiến em chẳng còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ thấu đáo” - Công chua xót.
24 tháng tù giam, đó là hình phạt cuối cùng TAND huyện Nghi Xuân đưa ra đối với Phạm Ngọc Công. Sự nông nổi đã đẩy ông chủ trẻ với nhiều hoài bão, khát vọng vào chốn lao lý.
Phiên tòa kết thúc, Công nói với tôi cũng như tự răn mình: “Ai chẳng có lúc vấp ngã, nhưng cần phải biết đứng lên và bước tiếp. Sau khi ra tù, em quyết tâm gây dựng lại quán ốc của mình, chắc chắn như vậy! Đó là tâm huyết của bản thân, là niềm hy vọng cả đời của mẹ em”.