Sâu nặng ân tình Việt - Nga

(Baohatinh.vn) - Mỗi chặng đường đi lên của dân tộc Việt Nam đều có người bạn lớn là Liên bang Xô-viết, sau này là Liên bang Nga. Hàng triệu người Việt Nam đã có tình cảm sâu nặng với đất nước và con người xứ sở Bạch Dương.

Điện Kremlin - biểu tượng của nước Nga. Ảnh: Internet

Từ tình cảm của hai dân tộc

Nếu lấy mốc thời gian từ năm 1920, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Pa-ri và đọc được “Bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin” (gọi tắt là Luận cương Lê-nin) đăng trên tờ báo L’Humanité (Nhân đạo), đến nay đã hơn 100 năm. Người đã sung sướng muốn phát khóc lên vì tìm thấy con đường đi của dân tộc, từ đó Người hoàn toàn tin tưởng Lê-nin, đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920. Ảnh: tư liệu.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, Người đã được đặt chân đến đất nước Xô-viết vào tháng 6/1923 và ở lại đó đến tháng 10/1924. Trong những ngày giá buốt của Matxcơva, Người đã đến viếng và đưa tang Lê-nin, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới. “Lê-nin mất rồi, nhưng Bác chẳng dừng chân”, Người đã cùng giai cấp vô sản chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, hạnh phúc của nhân loại. Cho đến những ngày cuối đời, tình cảm của Người với Lê-nin và đất nước Xô-viết vẫn sâu sắc, cao cả, mặn nồng. Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản là nơi những người cộng sản Việt Nam ưu tú được học tập, đào tạo, sau này trở thành những người lãnh đạo Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập v.v…

“Mối cơ duyên” đó của hai dân tộc đã được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trong những ngày cả dân tộc ta căng mình với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn, chí tình chí nghĩa. Hàng vạn nhà khoa học, sinh viên, kỹ thuật viên, công nhân lao động Việt Nam đã được gửi đi đào tạo tại xứ sở Bạch Dương.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái hàng phía trước) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản của tại Matxcơva, năm 1924. Ảnh: Tư liệu

Hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm… cùng với hàng nghìn chuyên gia trên các lĩnh vực của Liên Xô đã được gửi sang Việt Nam nhằm giúp đỡ cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Khi đất nước kết thúc chiến tranh, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, Liên Xô cũ, nước Nga sau này vẫn tiếp tục gắn bó son sắt, giúp đỡ Việt Nam chí tình chí nghĩa.

Biểu tượng cao đẹp, ngời sáng nhất của mối tình Việt - Nga là công trình thủy điện Sông Đà được xây dựng từ năm 1982-1994. Nơi đó, 168 người con đã ngã xuống vì dòng điện của Tổ quốc, trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô. Đài tưởng niệm đã khắc ghi tên tuổi họ để đời sau nhớ đến công lao to lớn của họ.

Một biểu tượng khác ghi dấu bước trưởng thành của khoa học vũ trụ Việt Nam từ sự giúp đỡ của Liên Xô. Đó là chuyến bay vào vũ trụ của Trung tướng Phạm Tuân cùng Nhà du hành vũ trụ, Anh hùng V.Gorbatko từ sân bay vũ trụ Baikonur trêu tàu Soyuz 37 vào ngày 23/8/1980. Với sự hướng dẫn của người lái chính Gorbatko, Phạm Tuân đã trở thành người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Chuyến bay cũng thể hiện sự gắn bó, giúp đỡ to lớn về khoa học của Liên Xô với đất nước Việt Nam bên bờ biển Thái Bình Dương.

Công trình thủy điện Hòa Bình xây dựng trên sông Đà là dấu ấn đẹp đẽ về tình hữu nghị Việt - Nga. Ảnh: Internet

Nhiều và rất nhiều công trình ghi dấu tình cảm sâu nặng của hai đất nước, hai dân tộc. Đó là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Công viên Lê-nin, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro)... Hình tượng Các Mác, Lê-nin, sống mãi cùng với màu cờ đỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời gian là nhân chứng đẹp đẽ cho mối tình Việt Nam - Liên Xô, sau này là Việt - Nga. Khi Việt Nam đã có bước phát triển vững vàng, những người bạn Nga vẫn luôn ở bên ủng hộ, sẻ chia, khích lệ. Các chuyến thăm giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước của hai bên đã làm bền chặt thêm mối tình hữu nghị trong sáng, thủy chung. Tại nước Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở các quảng trường, công viên lớn. Các khu trung tâm thương mại như Hà Nội - Matxcơva khu nhà ở của người Việt Nam, chùa Việt… sôi động, góp phần làm phong phú thêm mối tình Nga - Việt.

Đến ân tình sâu nặng của những con người

Đối với hàng vạn người Việt Nam khắp đất nước, dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 7/11 hằng năm là một cột mốc khó quên. Đó là lúc những xúc cảm đẹp đẽ về quê hương thứ 2, nơi họ đã gắn bó một quãng đời tuổi trẻ ùa về. Những kỷ niệm êm đềm và chất chứa yêu thương với con người và đất nước Nga mãi mãi sưởi ấm tâm hồn họ.

Chị Đào Thu Hương - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Tĩnh bồi hồi nhớ lại: “Mùa hè năm 1987, tôi và gần 200 công nhân ở Nghệ An, Hà Tĩnh đặt chân lên thành phố U-li-a-nốp của Liên bang Nga. Ngay khi đến xứ sở Bạch Dương, chúng tôi đã được đón nhận tình cảm nồng hậu của những người bạn Nga. Tôi làm việc trong nhà máy sản xuất xe U-oát. Các bà mẹ Nga trong nhà máy vừa là người thầy chỉ dẫn cho chúng tôi, vừa là người mẹ đôn hậu, dịu dàng.

Chị Đào Thu Hương - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Tĩnh nói về tình hữu nghị Việt-Nga.

Tôi nhớ mãi bà Va-xi-li Va-lia, người quản lý của tôi. Bà luôn gần gũi, động viên chúng tôi mỗi khi nhớ nhà, chăm sóc khi chúng tôi đau ốm. Ngày nghỉ, bà thường đến nông trại hái các thứ quả làm mứt cho chúng tôi ăn. Năm 1988, lần đầu tiên tôi kỷ niệm sinh nhật ở nước Nga, buổi sáng ấy đến nơi làm việc, tôi vỡ òa hạnh phúc vì thấy một băng rôn giăng chỗ mình làm với hàng chữ bằng tiếng Nga: “Chúc mừng sinh nhật Đào!”

Có lẽ, cũng vì yêu mến đất nước và con người Nga mà chị Hương đã chọn cho mình công việc ở Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, trong đó có Hội Hữu nghị Việt - Nga. Năm 2011, chị đã được mời sang lại Nga để thay mặt lãnh đạo tỉnh tham dự lễ ra mắt của tổ chức “Cộng đồng người Hà Tĩnh tại Matxcơva”. Chị cũng cho biết: Hiện nay, Hội Hữu nghị Việt - Nga tại Hà Tĩnh có 1.000 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội: Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và TP Hà Tĩnh. Hằng năm, đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, các hội viên lại gặp gỡ giao lưu, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống.

Từ hàng chục năm nay, bà con người Việt luôn gắn bó, yêu thương nhau, tôn trọng luật pháp nước sở tại, chắt chiu, gom góp gửi tiền và các nhu yếu phẩm về khi quê nhà gặp thiên tai, dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp người Hà Tĩnh thành đạt ở Liên Xô cũ và nước Nga sau này, nổi bật là Phạm Nhật Vượng, Hoàng Văn Vinh, Hồ Sĩ Huy... luôn hướng về quê nhà, đầu tư tại quê hương. Mỗi thành phố ở Nga đều có các tổ chức hữu nghị Nga - Việt với nhiều tên gọi khác nhau.

Du khách tham quan triển lãm "Nơi ấy nước Nga" tổ chức tại Hà Nội, tháng 11/2019. Ảnh: Tư liệu của TTXVN

Anh Trịnh Văn Quế, một người con Nghệ An hiện là Chủ tịch Hội Việt Nam đoàn kết tại thành phố U-lia-nốp chia sẻ, anh thường xuyên đi về kết nối tình hữu nghị giữa hai nước Nga - Việt. Bằng sự nỗ lực của anh, cộng đồng người Việt tại đây đã đóng góp xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Quảng trường thành phố, khánh thành vào năm 2019. Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người con của quê hương Can Lộc đã kết nối để dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga, ủng hộ xây dựng Văn Miếu Hà Tĩnh, vận động doanh nhân Nguyễn Hoàng Viết tặng khẩu trang chống dịch cho cán bộ y tế và máy điện thoại thông minh cho học sinh ở TX Hồng Lĩnh.

Kiều bào Việt Nam tại Liên bang Nga cũng như người Việt đã từng sinh sống ở Nga đang âm thầm vun đắp cho mối tình keo sơn giữa hai dân tộc với tất cả những tình cảm cao đẹp, đáng trân quý.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói