Phải cần đến một chiến dịch vận động ráo riết từ Tổng thống Donald Trump, một đêm không ngủ và một cuộc bỏ phiếu với một dự luật mà nhiều người còn chưa nắm rõ hết các thay đổi cuối cùng, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện cuối cùng cũng đã thông qua được dự luật này trong tuần qua. Họ đã phê chuẩn cho cái gọi là “Một Dự luật Lớn, Đẹp đẽ” (One Big Beautiful Bill Act), một đạo luật khổng lồ kết hợp cắt giảm thuế với các điều khoản mới sẽ khiến nhiều người Mỹ bị loại khỏi chương trình Medicaid và trợ cấp thực phẩm.
CNN cho biết, theo nhiều đánh giá khác nhau, người thu nhập thấp sẽ cảm nhận rõ tác động từ các thay đổi trong các chương trình hỗ trợ, trong khi giới giàu sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế.
Đảng Dân chủ cho rằng sự đánh đổi này là tàn nhẫn, nhưng phe Cộng hòa lập luận rằng điều đó là cần thiết để thực hiện chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Trump và loại bỏ lãng phí, gian lận – qua đó bảo vệ các chương trình hỗ trợ cho những người thực sự cần.
Những gì Hạ viện vừa thông qua mới chỉ là lời đề nghị mở đầu, khi quá trình lập pháp giờ đây chuyển sang Thượng viện, nơi sẽ phải thông qua phiên bản riêng của mình đối với dự luật chi tiêu và thuế này.
Các thượng nghị sĩ sẽ đánh giá phản ứng của công chúng đối với dự luật của Hạ viện – một dự luật mà giới phê bình mô tả là một cuộc chuyển giao ngược về tài sản.
Theo CNN, dưới đây là cách mà "siêu dự luật" này lấy đi quyền lợi từ người thu nhập thấp để cắt giảm thuế, chủ yếu cho người giàu:
Những con số cơ bản của dự luật
Ước tính ban đầu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho thấy các biện pháp thuế trong gói này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 3.800 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong khi các điều khoản khác sẽ cắt giảm gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ liên bang cho Medicaid và tem phiếu thực phẩm trong cùng giai đoạn đó.
Medicaid – chương trình cung cấp bảo hiểm y tế cho người thu nhập thấp – sẽ chịu mức cắt giảm lớn nhất, với dự báo giảm gần 700 tỷ USD chi tiêu liên bang. Trong khi đó, chương trình trợ cấp thực phẩm (SNAP) sẽ bị cắt 267 tỷ USD.
Dự luật cũng sẽ tăng chi cho quốc phòng, thực thi di trú và an ninh nội địa, trong khi giảm chi ở một số lĩnh vực khác.
Dự luật sẽ làm tăng nợ công bao nhiêu?
Hiện nợ công của Mỹ đã vượt 37.000 tỷ USD. Theo phân tích độc lập sơ bộ từ Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB), dự luật sẽ làm tăng thêm 3.100 tỷ USD vào khoản nợ đó, bao gồm cả tiền lãi, trong vòng 10 năm tới.
Dự báo ngân sách dài hạn vốn nổi tiếng là khó chính xác, và phe Cộng hòa tại Hạ viện vẫn thay đổi các điều khoản cho đến sát giờ thông qua. Ngoài ra, dự luật có thể sẽ còn thay đổi khi Thượng viện bắt đầu xây dựng phiên bản riêng.
Người dân có cảm nhận được việc cắt giảm thuế không?
Phần lớn các khoản cắt giảm thuế trong dự luật thực chất là gia hạn các chính sách thuế từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Nếu không có hành động nào từ Quốc hội, hầu hết người Mỹ sẽ thấy thuế của họ tăng lên vì các điều khoản giảm thuế cá nhân trong đạo luật năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, nhiều người có thể sẽ không nhận ra điều này vì như Howard Gleckman, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Thuế, nói: “Tất cả những gì nó làm chỉ là duy trì hệ thống thuế mà người dân đã quen, và ghét”.
Giới có thu nhập cao sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất: 60% khoản giảm thuế sẽ thuộc về nhóm 20% người có thu nhập cao nhất – tức những người có thu nhập từ 217.000 USD trở lên. Hơn 1/3 sẽ rơi vào tay nhóm 5% giàu nhất – những người kiếm được từ 460.000 USD trở lên.
Cụ thể, nhóm 20% thu nhập cao nhất sẽ được giảm thuế trung bình 12.660 USD vào năm tới, tăng 3,4% thu nhập sau thuế; Nhóm trung lưu (thu nhập từ 67.000–119.000 USD) sẽ được giảm thuế 1.840 USD, tăng 2,4% thu nhập; Nhóm thu nhập thấp nhất (dưới 35.000 USD) chỉ được giảm 160 USD, tức tăng 0,8% thu nhập sau thuế.
Còn tác động của các khoản cắt giảm chi tiêu thì sao?
Đây là yếu tố then chốt để hiểu tác động tổng thể của dự luật lên túi tiền người dân – đặc biệt là những người ở tầng lớp thu nhập thấp.
Các khoản cắt giảm sâu vào Medicaid và tem phiếu thực phẩm sẽ khiến hàng triệu người mất quyền tiếp cận bảo hiểm y tế và hỗ trợ lương thực – đẩy họ vào tình cảnh tài chính tồi tệ hơn. Những quy định mới, đặc biệt là yêu cầu lao động bắt buộc trong Medicaid và mở rộng trong SNAP, không chỉ ảnh hưởng đến người trưởng thành nghèo – mục tiêu chính của phe Cộng hòa – mà còn tác động tới cả trẻ em, người già, người khuyết tật và những nhóm dễ tổn thương khác.
Mô hình ngân sách Penn Wharton đã phân tích tổng hợp cả việc giảm thuế, cắt giảm Medicaid và SNAP, và các thay đổi với chương trình cho vay sinh viên liên bang (nhằm hạn chế vai trò chính phủ trong cấp vốn học phí).
Kết quả: Nhóm thu nhập thấp nhất (dưới 17.000 USD/năm) sẽ bị giảm thu nhập ròng trung bình 820 USD – tức giảm 14,6%; Nhóm tiếp theo (17.000–51.000 USD) sẽ mất trung bình 430 USD – tức giảm 1,1%; Nhóm trung lưu (51.000–93.000 USD) được tăng 840 USD – tương đương tăng 1,1%; Nhóm thu nhập cao nhất (trên 174.000 USD) sẽ được tăng hơn 12.000 USD – tương đương 2,6%.
“Đối với người thu nhập thấp, những gì họ mất từ Medicaid, trợ cấp mua bảo hiểm theo Obamacare và tem phiếu thực phẩm vượt xa bất kỳ lợi ích nào từ việc miễn thuế cho tiền tip hay các cắt giảm thuế khác”, Giáo sư Kent Smetters, Giám đốc Penn Wharton Budget Model, nói. “Và họ sẽ không thể bù đắp lại từ tăng trưởng kinh tế".
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Dự luật này khó có khả năng được Thượng viện thông qua nguyên vẹn như hiện tại.
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu mạnh hơn nữa. Số khác lại lo ngại về các thay đổi với Medicaid. Có người muốn tín dụng thuế cho trẻ em hào phóng hơn. Ngoài ra, các điều khoản không liên quan đến ngân sách có thể bị loại bỏ bởi nghị sĩ phụ trách quy tắc Thượng viện.
Nếu Thượng viện thông qua một phiên bản khác, nó sẽ phải được đưa trở lại Hạ viện. Trump và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng chứng tỏ khả năng chốt được các dự luật, nhưng lần này sẽ là một thử thách lập pháp lớn cho tân Lãnh đạo Đa số Thượng viện John Thune.
Có ai thực sự bàn về giải pháp cho khủng hoảng nợ quốc gia?
Dù có cắt giảm chi tiêu, dự luật này vẫn làm tăng nợ quốc gia – chủ yếu vì số tiền cắt thuế lớn hơn mức chi tiêu bị cắt.
Vấn đề chính khiến nợ tiếp tục phình to là sự gia tăng chi phí Medicare và An sinh xã hội khi thế hệ bùng nổ dân số (baby boomer) già đi. Quỹ tín thác của cả hai chương trình có thể cạn tiền để trả đầy đủ quyền lợi chỉ trong vòng một thập niên nữa.
Thế nhưng hiện không đảng nào thực sự ưu tiên cải tổ những chương trình này – phần lớn vì đó là vùng cấm kỵ chính trị.
Các giải pháp thì không thiếu – như nâng dần tuổi nghỉ hưu hoặc tăng thuế lương với người giàu – nhưng hiện không được nghiêm túc thảo luận. Với Medicaid, câu trả lời của Cộng hòa là cắt giảm, nhưng đi kèm với đó là các khoản cắt thuế còn lớn hơn nhiều.