Sớm giải quyết vướng mắc về chế độ ưu đãi đối với cựu thanh niên xung phong

(Baohatinh.vn) - Nhiều văn bản điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đã được ban hành nhưng nhiều cựu thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa được nâng mức hỗ trợ do vướng mắc các điều kiện, tiêu chuẩn.

Thực hiện Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong (TNXP) đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về địa phương, Hà Tĩnh có gần 1.300 cựu TNXP được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức 120 ngàn đồng/người/tháng từ nguồn ngân sách địa phương chi trả.

Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg (ngày 27/7/2011) về quy định chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Theo đó, các đối tượng cựu TNXP ở Hà Tĩnh đang hưởng trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh mức hưởng từ 120 ngàn đồng/người/tháng lên 360 ngàn đồng/người/tháng.

z5405387810357-13a25a70d32aaeda9299e3178d3001db-copy-8082.jpg
Lãnh đạo huyện Vũ Quang, Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng quà cựu thanh niên xung phong Hoàng Vũ Thường ở xã Đức Giang (Vũ Quang).

Ngày 5/7/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 29/2016/QĐ-TTg điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Theo đó, quyết định điều chỉnh trợ cấp đối với TNXP đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg từ 360 ngàn đồng/người/tháng lên 540 ngàn đồng/người/tháng kể từ ngày 1/1/2016.

Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, điều kiện TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về địa phương được hưởng trợ cấp hàng tháng là người không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, đối với điều kiện, tiêu chuẩn “không có khả năng lao động” thì đa số TNXP đáp ứng được yêu cầu, nhưng điều kiện về “sống cô đơn, không nơi nương tựa” thì có đến hơn 50% đối tượng không đáp ứng được (do đối tượng có chồng, có con). Đồng thời, tại thời điểm Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành thì Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH chưa chỉ đạo quyết liệt việc chấm dứt hưởng trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng không đáp ứng điều kiện này, vì vậy các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng mức trợ cấp 120 ngàn đồng/người/tháng.

Năm 2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH về việc rà soát, hoàn thành dứt điểm việc điều chỉnh chế độ, chính sách cho đối tượng TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương sang hưởng chính sách theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, Sở LĐ-TB&XH, Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát 1.261 TNXP được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, trong số 1.261 TNXP hưởng trợ cấp theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg chỉ có 49 TNXP đủ điều kiện chuyển sang hưởng chính sách theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg với mức trợ cấp 540.000 đồng/tháng; 651 TNXP không đủ điều kiện chuyển hưởng chính sách theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg nhưng đã được chuyển sang hưởng chính sách người cao tuổi, chính sách trợ cấp người khuyết tật hoặc các chính sách khác; 561 TNXP không đủ điều kiện chuyển sang hưởng chính sách theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg nhưng các địa phương vẫn tiếp tục cho hưởng với mức trợ cấp 120 ngàn đồng/người/tháng.

Mặc dù Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB&XH đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung các chính sách trợ cấp hàng tháng cho TNXP, tuy vậy, đến nay vẫn chưa thay đổi.

bqbht_br_dt-c13aa0c9c71.jpg
Cán bộ xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) thường xuyên thăm hỏi động viên gia đình bà Trần Thị Phước.

Tham gia TNXP từ năm 1969 đến năm 1974, bà Trần Thị Phước (SN 1950, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) trở về địa địa phương. Năm 1999, bà Phước được xét trợ cấp hàng tháng với mức 120 ngàn đồng theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, quy định TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa được xét trợ cấp hàng tháng nâng lên mức 360.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay bà Phước chưa được điều chỉnh mức trợ cấp mới bởi bà còn có một người con gái nên không được xác định là “sống cô đơn, không nơi nương tựa”, dù người con của bà sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm, không có nghề nghiệp ổn định.

bqbht_br_dt-dsc5030.jpg
Tuổi cao, sức yếu, cuộc sống hàng ngày của bà Trần Thị Phước đều phụ thuộc vào người có gái.

Hiện gia đình bà Trần Thị Phước thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Bà Phước chia sẻ: “Tôi đang nhận mức trợ cấp 120 ngàn đồng/tháng, sức khoẻ yếu, thường xuyên đau ốm, không còn khả năng lao động, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào người con gái. Tôi mong muốn được điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng để có cuộc sống ổn định hơn”.

Trường hợp bà Cao Thị Thuận (SN 1943 – cựu TNXP ở xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) cũng tương tự. Bà Thuận có chồng và một người con gái nhưng chồng đã mất cách đây nhiều năm. Người con gái của bà Thuận lấy chồng ở xa, gia đình lại thuộc hộ nghèo nên không có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ mẹ khi tuổi già. Bản thân bà Thuận già yếu phải sống một mình và thường xuyên đau ốm không còn khả năng lao động. Do không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg, hiện bà Thuận đang hưởng mức trợ cấp 120 ngàn đồng/tháng.

Không chỉ riêng trường hợp bà Trần Thị Phước, bà Cao Thị Thuận mà trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên còn 150 TNXP không đủ điều kiện chuyển sang hưởng chính sách theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg mà đang hưởng mức trợ cấp 120 ngàn đồng/tháng. Chủ yếu là những TNXP tuổi cao, hoàn cảnh gặp khó khăn, không còn sức lao động, thường xuyên ốm đau, bệnh tật.

Ông Lê Văn Liêm – Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh đề nghị: “Đối với TNXP đã hoàn hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến không đủ điều kiện hưởng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, rất mong tỉnh và Trung ương sớm có chính sách hỗ trợ hàng tháng nhằm giúp họ vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống".

Theo kết quả rà soát đến ngày 20/9/2024, toàn tỉnh có 525 TNXP đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, có 72 TNXP đã được điều chỉnh sang hưởng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, với mức 540 ngàn đồng/tháng; số còn lại 453 TNXP không đủ điều kiện để điều chỉnh vẫn được các huyện, thành phố, thị xã vẫn thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng.

Ông Đặng Công Nam - Phó Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, thống kê chính xác đối tượng. Đồng thời, phối hợp với các Sở: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Hội Cựu TNXP tỉnh và các địa phương nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách hỗ trợ đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong hưởng trợ cấp hàng tháng cho UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp giữa năm 2025".

Chủ đề Người có công với cách mạng

Đọc thêm

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

Ấm áp “Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm 2025

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ và “Hội chợ Tết nhân ái” 2025 là chương trình khởi đầu cho chuỗi hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Tĩnh chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...