Cái thời học bộ môn Địa lý phổ thông, tôi và bạn bè đã tròn xoe mắt khi nghe thầy giáo say sưa giảng về dãy núi Bà Mụ (Sơn Hồng) cao tới 1.351m, một dãy núi cao nhất miền Trung của đất Việt. Đây là khu vực có nhiều cây cổ thụ và ở trong thăm thẳm rừng dày này chứa nhiều gỗ quý như lim, gõ, vàng tâm, pơmu... Rồi còn bao nhiêu loại thực vật phong phú khác, bao nhiêu loại động vật rừng hoang dã, nào voi, gấu, hoẵng, nhím, lợn rừng...
Sơn Hồng có một ngọn thác rất đẹp gọi là thác Xai Phố. Nhìn từ xa, người ta cứ ngỡ như một đàn ngựa trắng đang tung bờm, giương vó phi nước đại. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngọn thác này chảy không bao giờ ngưng nghỉ. Ngọn thác vắt qua năm tháng, đang chờ đợi một khu du lịch sinh thái lý tưởng...
Thác Xai Phố.
Tôi bần thần nhớ lại ký ức xưa và không khỏi bồi hồi, xao xuyến khi hôm nay được đặt chân lên những tảng đá trầm tư, nghe tiếng thác reo như bản tình ca núi rừng. Không nói chuyện xa xôi, chỉ mới cách đây 2 thập kỷ, nhắc đến Sơn Hồng là nhiều người ái ngại bởi xa xôi, hun hút và buồn tẻ lắm. Hồi đó, nhiều giáo viên mới ra trường được phân về đây dạy chỉ biết ôm mặt khóc. Đấy là xã vùng sâu, cực nhất về đường sá giao thông, nghèo nhất về lương thực, nghèo nhất về dân trí. Ba cái nghèo cố hữu này cộng thêm những biến cố bất thường về thiên tai khiến những người không đủ sức khỏe, không đủ nghị lực khó trụ vững với mảnh đất Sơn Hồng.
Bây giờ đến Sơn Hồng, đất ấy đã mến người lắm. Không ít giáo viên đã xây tổ ấm và coi đây là quê hương thứ hai. Chuyện “xóa đói giảm nghèo” thay đổi cục diện nông thôn ngày càng xuất hiện những điều hay. Chuyện mở đường xuyên núi để dân tiếp cận với các xã miền xuôi thực sự là bước đột phá. Từ cầu Hà Tân rẽ thẳng về Sơn Hồng, con đường dài đã được láng nhựa. Đường tới đâu, dân như “mở cờ trong bụng” tới đó.
Chủ tịch UBND xã Phan Ngọc Nam bảo tôi: “Xã được hưởng Chương trình 135 của Nhà nước, nhưng nguồn vốn còn quá nhỏ bé so với công việc địa phương cần làm. Chính vì thế, chúng tôi phải huy động sức dân”. Hiện tại, Sơn Hồng đã có 6 km đường nhựa, 5 km đường cấp phối. Ai đã từng sống chung với “những con đường đau khổ” mới thấm thía hạnh phúc trên những con đường mới thênh thênh. Lúc đang rong ruổi trên đường, chúng tôi gặp một cô gái trẻ, dáng thắt đáy lưng ong, cưỡi chiếc xe máy đi ngược chiều. Qua mấy câu chào hỏi xã giao với khách lạ, cô gái trẻ cười vui rồi nói: “Không có con đường này thì tụi em đâu dám đưa cháu đi học, bởi từ nhà tới Trường Tiểu học Sơn Hồng khá xa. Em phải ngày 2 bận đèo cháu đi về”.
Tôi lại gặp một người đàn ông đã đứng tuổi, quê Diễn Châu (Nghệ An), khuôn mặt gân guốc đến miền sơn cước hành nghề buôn trái cây. Ông tâm sự rằng, sẽ chọn Sơn Hồng làm nơi mưu sinh lâu dài, bởi nơi đây lắm hàng hóa nông sản và thực phẩm.
Trưa hôm đó, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ bên đường để “điểm tâm” bát phở bò. Phở ngon nên người ăn rất đông. Tôi hỏi ông chủ quán: “Hàng phở của bác mở tự bao giờ?”. Ông bảo: “Từ khi xã có đường mới”. Những tình tiết rất thật này đủ cho tôi suy ngẫm, mọi lợi ích của dân bản xứ đều xuất phát từ con đường.
Bình yên Sơn Hồng
Gặp Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hùng, tôi hỏi: “Bây giờ, đường ngon rồi, vậy tình hình điện sinh hoạt cho dân thế nào chú?”. Ông Hùng cho biết: “Xã có tới 10 xóm, xóm nào cũng có điện. Dân đã no đủ, khấm khá. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xây dựng HTX kiểu mới. Những HTX kiểu mới sẽ trở thành trung tâm đầu mối các dịch vụ, lo “đầu vào” về vật tư để bà con yên tâm sản xuất, rồi lại lo “đầu ra” để hàng hóa không bị ế ẩm”.
Đất Sơn Hồng là đất đỏ màu mỡ, diện tích đất vườn trong dân người ít nhất cũng một vài sào, người nhiều lên tới cả héc-ta. Chính nhờ tiềm năng đó, người dân Sơn Hồng đã tạo nên những “gam màu xanh” từ nhà ra đồng, từ đồng lên đồi núi. Hơn một tiếng đồng hồ, tôi đi mỏi cả chân, từ xóm 1 đến xóm 10, ở đâu cũng thấy đồng lúa xanh rì, ngô xanh biếc. Ngước lên trên những ngọn đồi lô xô bát úp, ngợp mắt với những cánh rừng tràm, keo, cao su xanh tốt. Khi đi qua một đường hẻm ở xóm 9, bất ngờ tôi gặp bác Lịch đang nhổ cỏ ngô. Bác Lịch hồ hởi: “Dân ở đây trước thường sống dựa vào tài nguyên rừng nên sao nhãng chuyện đồng áng. Không ít người hay vào rừng chặt gỗ, đốt ong, săn bắt động vật rừng sống đắp đổi qua ngày. Nhưng bây giờ, họ đã bỏ tập tục lạc hậu, Nhà nước có những cơ chế cho dân vùng được hưởng lợi nên dân rất phấn khởi”.
Cán bộ xã, thôn tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về pháp luật và lợi ích từ môi trường để mọi người tham gia bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND xã Phan Ngọc Nam cho biết thêm: Sơn Hồng đã phát triển được hơn 160 ha rừng tái sinh, chủ yếu rừng mỡ, rừng nang, rừng vạng, de... Không ít gia đình đã đổi đời khi được chính quyền địa phương giao đất, khoán rừng. Đến nay, “nhịp điệu kinh tế” ở xứ sở xa nhất huyện Hương Sơn khá lạc quan: Năng suất lúa đạt hơn 5,4 tấn/ha, năng suất ngô hơn 3,7 tấn/ha. Toàn xã nuôi gần 1.350 con trâu bò, hơn 500 con hươu. Thế mạnh của Sơn Hồng đã vượt trội so với nhiều nơi khác, khi nhiều gia đình đã tự vun xới cho mình những vườn cam bù, cam chanh, rồi na, ổi, bưởi, khế, đu đủ và cây tắt, cây quýt... Cam bù, cam chanh và tắt ở Sơn Hồng có vị ngon ngọt, thơm riêng. Đây là “duyên đất” gắn với “duyên người” trồng trọt.
Tôi hỏi anh Nam: “Bây giờ, cuộc sống thay đổi nhiều, bộ mặt của rừng núi đã tươi tắn, liệu tương lai đây có thể là địa chỉ xanh của du khách không?”.
Nghe nhắc đến chuyện du lịch, ánh mắt anh Nam bỗng sáng lên: “Ngân sách xã đang nghèo quá. Nhưng em tin là khi huyện Hương Sơn có “chiến lược du lịch” thì Sơn Hồng sẽ là điểm xanh trong quy hoạch. Bởi Sơn Hồng có thác nước Xai Phố kỳ vĩ, lại có khe Đá Gân sẽ hấp dẫn du khách”.
Nghe đến khe Đá Gân, tôi thấy tò mò, bèn nhờ anh Nam dẫn lối để chiêm ngưỡng trước lúc ra về. Tôi như muốn vỡ òa cảm xúc thành thơ khi tận mắt thấy 2 tảng đá xám đứng sát nhau như một cặp uyên ương tình tứ. Trước mặt tôi là dòng nước trong xanh như ngọc đang dào lên khúc nhạc mới, trông lên điệp trùng rừng xanh rộn lên tiếng chim gọi bầy. Tôi hy vọng, chỗ tôi đặt chân hôm nay, một ngày không xa nữa sẽ đón thêm dấu chân nhiều khách lạ.
Tháng 3/2017