Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam khi nào sẽ kết thúc?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam có thể luôn tồn tại những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nhưng không được phát hiện.

Sau 20 ngày kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong cộng đồng ngày 27/4, Việt Nam đã vượt mốc 1.000 trường hợp mắc Covid-19. Các ca nhiễm xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với những ổ dịch khác nhau.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam khi nào sẽ kết thúc?

Trong đợt bùng phát dịch lần này, Việt Nam cũng xuất hiện các ca bệnh ở nhiều địa điểm như bệnh viện, khu công nghiệp, quán bar hay khu dân cư... Điều này dấy lên những lo ngại về thời điểm dịch kết thúc.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã có những nhận định về một số vấn đề còn hiện hữu trong tình hình dịch Covid-19 ở nước ta lúc này.

Khó xác định đỉnh dịch

- Thưa ông, đến lúc nào Việt Nam sẽ có đỉnh dịch?

- Vấn đề hiện nay của Việt Nam là không chỉ có một ổ dịch. Với một ổ dịch, chúng ta có thể xác định được đỉnh dịch. Tuy nhiên, Việt Nam đang xuất hiện liên tiếp các ổ dịch khác nhau với một số chuỗi lây truyền riêng biệt như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Lúc này, tôi nghĩ chúng ta cũng không cần thiết phải tính đỉnh dịch. Thay vào đó, Việt Nam nên tập trung cho việc phòng vệ, cắt đứt chuỗi lây nhiễm để không xuất hiện thêm các ổ dịch nữa.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam khi nào sẽ kết thúc?

Theo PGS Trần Đắc Phu, Việt Nam có thể vẫn luôn tồn tại ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: Hoàng Hà .

Thực tế về mặt dịch tễ, dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể chưa bao giờ kết thúc. Ở những khoảng trống không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng thời gian qua, bệnh nhân có thể vẫn xuất hiện nhưng chúng ta không biết. Nếu chúng ta không phát hiện ra bác sĩ dương tính với nCoV ở Lào, có lẽ Việt Nam cũng sẽ không xác định được sớm ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Do đó, dịch sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta xác định vào lúc nào và kết quả xét nghiệm nhiều hay ít. Xét nghiệm sàng lọc rộng có chỉ định, chúng ta sẽ sớm phát hiện được các ca bệnh hơn.

Lo lắng từ khu công nghiệp, bệnh viện và tình trạng gian dối trong khai báo

- Ông đánh giá như thế nào về sự nguy hiểm ở các ổ dịch trong khu công nghiệp?

- Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, Anh hay Nam Phi. Đặc điểm của các biến chủng này là lây lan rất nhanh. Do đó, chúng ta thấy các ca bệnh mới đã xuất hiện ở rất nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các khu công nghiệp. Điển hình như khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang hay Đà Nẵng.

Tại khu công nghiệp Bắc Ninh và Bắc Giang, các bệnh nhân lây nhiễm virus do liên quan ổ dịch tại Thuận Thành (Bắc Ninh). Chủng virus tại Thuận Thành lại đến từ các ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện K (Hà Nội). Về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm tại đây.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam khi nào sẽ kết thúc?

Việt lây nhiễm trong khu công nghiệp mang đến nguy cơ rất cao. Ảnh: Hoàng Hà .

Tuy nhiên, chuỗi lây nhiễm ở khu công nghiệp Đà Nẵng mới được phát hiện ngày 1/5 vẫn cho thấy những nguy cơ nhất định. Tôi hy vọng ổ dịch này chưa lan rộng và chúng ta có thể kiểm soát được.

Dù vậy, chúng ta vẫn phải tuyệt đối cảnh giác vì những ca bệnh khi xuất hiện trong khu công nghiệp sẽ lây lan rất nhanh và rộng. Đây là môi trường làm việc kín, đông người nên nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, virus có thể nhanh chóng lây cho hàng chục nghìn công nhân. Bên cạnh đó, các công nhân này lại trở về cộng đồng dẫn đến lây lan ra bên ngoài.

- Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn đã phải tạm thời phòng tỏa do xuất hiện những ca mắc Covid-19. Liệu ngành y tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh quá tải tương tự Ấn Độ?

- Điều đầu tiên, tôi cho rằng chúng ta phải chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống cơ sở y tế trên cả nước. Hiện chúng ta ghi nhận 9 bệnh viện bị ảnh hưởng bởi dịch. Số lượng này không được phép gia tăng nữa. Chúng ta phải có những biện pháp nhằm tránh để kịch bản này lặp lại.

Những ngày qua, Bộ Y tế đã có những động thái rất quyết liệt trong vấn đề này. Bộ yêu cầu các bệnh viện cần nhanh chóng chấn chỉnh quy trình chống nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh nhân... Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện xét nghiệm cho toàn bộ bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân. Đây là những biện pháp để chúng ta can thiệp kịp thời trước tình hình này.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam khi nào sẽ kết thúc?

Quân đội phun khử khuẩn tại ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Việt Linh .

Trong trường hợp các cơ sở y tế quá tải, số người mắc tăng lên nhiều, chúng ta hoàn toàn có thể không còn khả năng chữa bệnh. Lúc này, bên cạnh người bệnh không được can thiệp y tế, chúng ta thậm chí khó có thể kiểm soát tình hình khi tình trạng nhiễm khuẩn chéo xảy ra, dẫn đến suy sụp hệ thống y tế.

Bởi vậy, Việt Nam vẫn phải tuyệt đối tập trung, không lơ là, chủ quan để khống chế số lượng ca mắc không tăng lên quá cao. Các cơ sở y tế cũng phải thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch, tránh tình trạng lặp lại sai lầm, gây quá tải y tế.

- Chúng ta vừa ghi nhận một số trường hợp không trung thực trong khai báo y tế cũng như không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Liệu Việt Nam có cần thêm những biện pháp cứng rắn hơn để răn đe?

- Tôi nghĩ hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có những chế tài tương đối cứng rắn để xử lý các trường hợp này.

Thực tế, Hà Nội cũng từng phải kiểm soát số lượng người rất lớn từ Đà Nẵng trở về ở đợt bùng phát dịch trước đó với khoảng 70.000 trường hợp. Lần này, làn sóng của dịch liên quan kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Hà Nội đã yêu cầu tất cả người dân trở về từ địa phương khác phải khai báo y tế bắt buộc. Ngoài ra, những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở hay nghi ngờ mắc Covid-19 cũng phải đi xét nghiệm.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam khi nào sẽ kết thúc?

Chung cư tại Hà Nội bị phong tỏa sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm nCoV nhưng không trung thực trong khai báo. Ảnh: Duy Anh .

Trong những trường hợp mới đây, họ đã vi phạm quy định về vấn đề khai báo. Ngoài ra, khi có triệu chứng, các bệnh nhân cũng không báo cáo kịp thời cho chính quyền.

Tôi nghĩ khi có mối liên quan dịch tễ với những khu vực xuất hiện dịch đã được cảnh báo từ trước cho những người đi du lịch dịp 30/4-1/5, kết hợp những triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân phải cố gắng hạn chế tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, những trường hợp mới ghi nhận gần đây lại giao tiếp với rất nhiều người, khiến việc truy vết trở nên khó khăn.

Cơ quan chức năng vừa qua cũng đã có các quyết định đình chỉ, yêu cầu kiểm điểm liên quan vụ việc. Tôi nghĩ đó là những biện pháp rất nghiêm. Trong quá trình kiểm điểm sắp tới, các vi phạm ở mức độ nào sẽ tiếp tục bị xử lý theo quy định. Việt Nam đã có những quy định rất rõ về vấn đề này.

Theo Zing.vn

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast