Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chỉ ra những nguyên nhân khiến dịch Bắc Giang bùng phát mạnh

Tại cuộc họp giữa Bộ Y tế và UBND tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đêm 15/5, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, truy vết người tiếp xúc tại Bắc Giang thực hiện chưa tốt.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chỉ ra những nguyên nhân khiến dịch Bắc Giang bùng phát mạnh

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Theo TS. Tấn, đội truy vết của Bộ Y tế đã chọn ngẫu nhiên 60 số điện thoại của người tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh tại Bắc Giang để “kiểm tra” thì các số được gọi cho biết, họ chưa được quan tâm, chưa được địa phương quản lý chặt chẽ.

Do đó, TS Tấn cho rằng, nếu không nắm được danh sách những người có liên quan này sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ lớn. Bởi, Bắc Giang có mật độ và số lượng công nhân rất đông. Khi công nhân về nơi lưu trú mà không được quản lý kịp nếu chẳng may họ dương tính sẽ lây nhiễm cho người khác.

Vì thế, theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bắc Giang cần nhanh chóng chuyển danh sách F1 cho huyện, xã để phối hợp truy vết chống dịch. Bắc Giang dồn sức dập dịch ở KCN nhưng không được bỏ quên các khu vực cộng đồng.

“Nếu trong cộng đồng vẫn còn người mang mầm bệnh thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng tôi đề nghị tỉnh triển khai giám sát toàn bộ người có biểu hiện ho, sốt, quản lý khai báo y tế, đưa cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở khu vực nguy cơ cao”, Cục trưởng Tấn đề nghị.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến đợt dịch bùng phát lần này tại Bắc Giang vẫn từ 2 nguồn lây chính.

Thứ nhất là liên quan 2 vợ chồng mắc COVID-19 ở Lạng Sơn. Hai người này là công nhân ở khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang. Người chồng có liên quan đến dịch tễ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, từ đó lây nhiễm hầu hết công nhân, công ty ở đây.

Nguồn lây thứ 2 cũng liên quan trường hợp làm việc tại KCN Vân Trung. Sau đó, từ F0 này dẫn đến sự lây nhiễm cho công nhân tại KCN Quang Châu.

“Có thể thấy, mức độ lây nhiễm ở Bắc Giang rất phức tạp. Chúng tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu trong đó là vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài. Việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến dịch lây lan”, TS Tấn nói.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng lo ngại, hiện tại, dịch chỉ mới được ghi nhận trong khỏang 1-2 ngày đầu. Rất có thể vài ngày tới, khi hết chu kỳ ủ bệnh, số lượng F0, F1 tăng lên rất nhiều.

Theo đó, TS. Tấn đề xuất tỉnh khẩn trương rà soát khu cách ly để chủ động truy vết, cách ly được hết số lượng F1. Để thực hiện thành công việc truy vết thần tốc, Bắc Giang cần huy động toàn bộ lực lượng từ các hệ thống tổ dân phố, công an, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng.

Theo H.Nguyên/SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.