Mối nguy từ các loại rượu ‘thuốc’

Theo chuyên gia, trong cả trường hợp uống rượu ngâm thảo dược là thuốc thực sự, được bác sĩ đông y kê đơn, việc sử dụng quá nhiều cũng mang đến những hậu quả khôn lường.

Tết Nguyên đán là thời điểm để nhiều gia đình sum họp, quây quần bên những mâm cơm ngày lễ. Từ đây, nhu cầu sử dụng rượu, bia hay đồ uống có cồn cũng tăng lên đột biến.

Đáng nói hơn, đây cũng là thời điểm nhiều người tự hào mang ra các loại rượu “thuốc” do tự mình ngâm với một số loại thảo dược quý hoặc mua từ những nơi bản thân đã đi qua trong năm.

Theo lời giới thiệu, việc uống rượu ngâm các sản phẩm như nhân sâm, ba kích, táo mèo, chuối hột,... sẽ mang lại lợi ích bồi bổ sức khỏe, trị đau lưng, tăng cường sinh lý,...

Mối nguy từ các loại rượu ‘thuốc’

Thực hư về tác dụng của thảo dược

Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), cho biết mỗi vị thuốc đều có tác dụng, tính, vị, quy, kinh khác nhau. Khi vào lục phủ ngũ tạng, chúng cũng tác động theo cách khác nhau.

Đa phần người dân tự ngâm rượu không qua đào tạo về y khoa. Thực tế, trong quá trình bào chế, các lương y, bác sĩ thường phải chọn lựa rất kỹ lưỡng, rửa sạch, sấy diêm sinh,… cùng nhiều công đoạn khác nhau. Tỷ lệ ngâm cũng cần đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Mối nguy từ các loại rượu ‘thuốc’

Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiệp

Một số người bán hàng thậm chí phóng đại tác dụng của chúng. Tuy nhiên, tính năng, tác dụng của từng vị thuốc thường được quảng cáo thường chỉ đúng một phần và rất khó tin tưởng.

“Khi tự mua thảo dược ngâm rượu, chúng ta khó có thể chắc chắn về nguồn gốc. Chất lượng không đảm bảo, tỷ lệ ngâm cũng không đúng có thể gây phản ứng tiêu cực với cơ thể. Bên cạnh đó, liều lượng trong quá trình ngâm tẩm các loại cây cũng khác nhau, nhiều vị thuốc còn có độc tính cao. Một số trường hợp dùng không đúng liều lượng, uống nhầm loại thảo dược chứa độc tính gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong”, lương y Minh khuyến cáo.

Nguy cơ với sức khỏe

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhận định: “Khi chúng ta uống rượu ngâm thảo dược, dù là thuốc thực sự, được các bác sĩ y học cổ truyền chính thống kê đơn, rủi ro vẫn rất lớn”.

Nguyên nhân là rượu có tính chất gây nghiện. Người uống rượu thuốc rất dễ tăng liều, dẫn đến lạm dụng và nghiện. Việc sử dụng rượu thuốc có thể biến một người bình thường thành nghiện rượu, bất kể loại rượu đó ngâm thảo dược hay loại thuốc nào.

Mối nguy từ các loại rượu ‘thuốc’

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quốc Vương

Vấn đề thứ 2 đến từ các thành phần thảo dược ngâm rượu. Theo tiến sĩ Nguyên, người uống thuốc phải có bệnh. Bệnh nhân dù uống rượu thuốc để chữa bệnh cũng phải được thăm khám, bắt mạch, chẩn đoán, từ đó sử dụng theo đơn với liều lượng, loại thảo dược phù hợp.

Bên cạnh đó, các loại thuốc này cũng chỉ dùng trong một khoảng thời gian nhất định, không thể uống kéo dài. Nguyên nhân là bất cứ loại thuốc nào dùng lâu cũng sẽ gây tác dụng phụ.

Một rủi ro khác là thói quen mời rượu của người dân. Rượu ngâm thảo dược, rượu thuốc chỉ dành cho người bị bệnh, phác đồ điều trị nêu rõ liều lượng uống bao nhiêu chén mỗi ngày, vào thời điểm nào.

Tuy nhiên, chúng ta lại mang rượu cho mọi người uống. Thói quen này gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe như dị ứng, tác dụng phụ không mong muốn.

“Rõ ràng, người dân đang tự ý ngâm và uống rượu thuốc sai cách. Việc sử dụng một hợp chất như vậy, dù đúng là thuốc, mang đến nguy cơ về sức khỏe rất lớn do không đúng bệnh, đúng liều”, bác sĩ Nguyên khẳng định.

Vị chuyên gia này nêu một số ví dụ về trường hợp ngâm rượu với mã tiền, củ ấu tàu, thậm chí hoa anh túc,… Những sản phẩm này mang đến cảm giác lạ, thôi thúc con người uống thử.

Tại Trung tâm Chống độc, rất nhiều trường hợp uống rượu ngâm thảo dược đã ngộ độc, nhập viện trong tình trạng loạn nhịp tim, co giật, mờ mắt, kích thích, hoang tưởng, ảo giác, nặng hơn là viêm gan, suy thận, thậm chí tử vong.

Đồng tình với quan điểm này, lương y Minh cho hay: “Việc ngâm rượu với thảo dược phải có bài thuốc, tỷ lệ nhất định chứ không thể pha trộn tùy tiện. Tôi từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân uống rượu tự ngâm với liều lượng quá nhiều gây dị ứng, mẩn ngứa, thậm chí co giật và phải ngay lập tức chuyển tới bệnh viện cấp cứu”.

Chuyên gia này nhận định việc uống rượu thuốc đúng liều lượng có thể mang tới một số tác dụng tốt như khí huyết lưu thông, giảm căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều người hiện uống quá nhiều, lạm dụng và gây những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast