Sức mạnh của tình yêu thương

(Baohatinh.vn) - Tình thương vô bờ với những mảnh đời tật nguyền, bất hạnh là động lực thôi thúc các sơ và thầy cô đến với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục - hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh. Với các cô thì sự tiến bộ, hòa nhập từng ngày của bé là niềm hạnh phúc khôn tả.

suc manh cua tinh yeu thuong

Giáo viên lớp phục hồi chức năng đang tập vận động cho trẻ.

Đón chúng tôi giữa nắng hè oi ả là cái bắt tay thật chặt, nụ cười ấm áp và khuôn mặt hiền từ của sơ Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc trung tâm. Sơ Hạnh cho biết: “Mong muốn sẻ chia, bù đắp phần nào mất mát cho trẻ khuyết tật, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tòa Giám mục Giáo phận Vinh sáng lập và xây dựng trung tâm với cơ ngơi khang trang, sạch đẹp trên 10.000 m2. Sau gần 1 năm hoạt động, trung tâm đã trở thành ngôi nhà bình yên cho trẻ kém may mắn. Chúng tôi yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc các cháu như con đẻ”.

Đến với trung tâm, mỗi em một hoàn cảnh nhưng tất cả đều khiến chúng tôi động lòng trắc ẩn. Chịu một phần khiếm khuyết nhưng các em luôn nở nụ cười vì có những “người mẹ hiền” đang từng bước giúp các em hòa nhập. Chứng kiến cảnh sinh hoạt, học tập mới thấu hiểu nỗi vất vả của các sơ và cô thầy. “Trẻ bình thường dạy dỗ đã vất vả, với trẻ tật nguyền càng khó khăn bội phần. Nhìn thấy các em trưởng thành từng ngày và mạnh dạn hòa nhập, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Có lúc chỉ cần nghe một tiếng “chào cô” đã mừng thầm vì được đền đáp xứng đáng” - sơ Hạnh xúc động.

suc manh cua tinh yeu thuong

Thầy Phạm Xuân Hùng kiên trì tập giao tiếp cho em Đinh văn Thái.

Hiện, trung tâm dạy dỗ, chăm sóc 66 trẻ khuyết tật với 3 lớp khiếm thính, 1 lớp tự kỷ, 1 lớp phục hồi chức năng và 1 lớp chậm phát triển. Không chỉ con em lương, giáo Hà Tĩnh mà từ Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An)… cũng tìm đến. Với 13 giáo viên trẻ, tâm huyết, đã tạo niềm tin cho phụ huynh và sự cảm mến cho con trẻ. Thầy cô sau khi học xong các trường chuyên nghiệp đã tình nguyện đến với trung tâm và được cử đi đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt tại trường chuyên biệt Thanh Tâm (TP Đà Nẵng). Không chỉ dạy văn hóa, giúp các em tiếp cận từng con số, đọc bài thơ hay kể những câu chuyện cổ tích.., thầy cô còn vận dụng mọi phương pháp nhằm can thiệp, giúp phát triển nhận thức, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng sống, sinh hoạt…

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với thầy giáo trẻ Phạm Xuân Hùng. Thầy về trung tâm sau khi tốt nghiệp khoa sư phạm âm nhạc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. “Càng gần gũi, yêu thương các em càng thôi thúc tôi tìm tòi, nghiên cứu phương pháp để điều trị hiệu quả dành riêng cho mỗi em. Trong lớp chậm phát triển, tôi dành nhiều thời gian cho em Đinh Văn Thái (6 tuổi, ở Đức Thọ). Bố mẹ Thái ly hôn, lên 2 tuổi em bắt đầu có triệu chứng của bệnh đao với những hành động phá phách, đánh và giật tóc bạn… Lúc mới vào trung tâm, em thường xuyên trèo lên lan can tầng 2 nghịch ngợm, la hét nhưng sau 3 tháng điều trị đã ổn định tâm lý, lễ phép và nghe lời thầy cô. Đó là thành công lớn nhất và là món quà vô giá dành cho tôi” - thầy Hùng chia sẻ.

suc manh cua tinh yeu thuong

Dạy trẻ tự kỷ càng đòi hỏi ở giáo viên sự kiên nhẫn.

Mỗi đối tượng cần những biện pháp hỗ trợ khác nhau và có sự kiểm tra, đánh giá qua từng thời kỳ. Trong đó, trẻ câm điếc là một trong những đối tượng khá khó khăn trong tiếp cận. Để quá trình dưỡng trị đạt hiệu quả cao nhất, trung tâm đã phối hợp với đơn vị chuyên bán máy trợ thính ở TP Đà Nẵng, hàng tháng, cử nhân viên ra kiểm tra thính lực cho trẻ và bảo hành hệ thống máy móc tại trung tâm. Nhờ đó, các em tiến triển rõ rệt.

Một phụ huynh xúc động nói: “Con tôi không may bị câm điếc, gia đình lại khó khăn. May được trung tâm hỗ trợ, các xơ yêu thương và thầy cô nhiệt tình dạy dỗ nên cháu đã tiến bộ rất nhiều, biết hòa nhập, vui chơi cùng bạn. Gia đình tôi mừng và biết ơn lắm!”.

Được biết, trong quá trình hoạt động, trung tâm phải lo mọi chi phí, vị giám đốc giàu tình yêu thương đã san sẻ gánh nặng với các gia đình. Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có em không còn cha mẹ, có em cha mẹ ly hôn, thậm chí, nhà nghèo nhưng cả 3 chị em đều câm điếc… Do vậy, học phí và tiền ăn của các em trung tâm chỉ thu trên sự tùy tâm của các gia đình, thậm chí, với những hộ quá éo le thì đều do trung tâm giúp đỡ. Quỹ học bổng được thành lập để lo cho bữa cơm của trẻ được đủ đầy hơn. Đặc biệt, thầy cô còn tranh thủ thời gian làm đất, trồng rau để vừa tiết kiệm chi phí, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho nhà bếp.

Để chăm lo tốt hơn cho con trẻ, trung tâm mạnh dạn đầu tư hệ thống máy lọc, sản xuất nước tinh khiết đóng chai. Sơ Hạnh kỳ vọng: “Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để đưa thiết bị đi vào hoạt động và lấy thương hiệu “Nước khoáng Tiên Hồng”. Với nguồn nước tự nhiên, qua hệ thống xử lý đảm bảo chất lượng, hy vọng sản phẩm sẽ được người tiêu dùng đón nhận…”.

Chúng tôi ra về khi trời đã nhá nhem tối. Tiếng nói cười rộn rã, từng câu chào dễ thương và những cái vẫy tay vụng về của các em vẫn đọng mãi trong tâm trí.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.