Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo khỏi các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài, nắm trong tay lực lượng biệt kích Quds cộng thêm binh lực đông đảo. Khả năng chiến đấu điêu luyện, vũ khí khí tài hùng mạnh, IRGC luôn là một cái gai nhọn đâm liên tục vào lợi ích của nước Mỹ ở Trung Đông
Lực lượng IRGC được thành lập sau cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran
Trong khi Quân đội Iran tuyên thệ bảo vệ Chính phủ Iran, IRGC được hình thành như một tổ chức “quân đội nhân dân”, với mục đích bảo vệ lý tưởng của cuộc cách mạng và chống lại những cuộc nội chiến
Khi mục đích ban đầu đã hoàn thành, IRGC đã nắm bắt cuộc chiến tranh Iran-Iraq đang diễn ra vào thời điểm những năm 1980 như một cơ hội để đổi “thương hiệu” thành một “thế lực” trong khu vực
Không một lực lượng nào khác của quân đội Iran có thể sánh ngang với sự khét tiếng mà IRGC đã tạo dựng trong nhiều thập kỷ qua
Hiện nay, lực lượng này là một tổ chức độc lập hoạt động trong quân đội Iran. Các hoạt động của IRGC được mở rộng, bao gồm cả hải quân, không quân, bán quân sự, lực lượng đặc biệt và chiến tranh không gian mạng
Có một sự phân công nhiệm vụ rò ràng giữa Vệ binh và lực lượng quân sự thông thường của Iran. Ví dụ: Không quân Iran (IRIAF) vận hành tất cả các máy bay chiến đấu phản lực của Iran, trong khi IRGC kiểm soát hầu hết các tên lửa đạn đạo
Theo DW, cơ sở quyền lực của IRGC vươn tới các góc xa nhất của Nhà nước Iran, với một mạng lưới điều hành hiệu quả các tổ hợp quân sự và tình báo. Mạng lưới tình báo của IRGC được cho là đứng đằng sau các vụ bắt giữ và kết án những người có quan hệ với phương Tây về tội gián điệp
Tuy nhiên, hồi tháng 4-2019, lực lượng khét tiếng và hùng mạnh nhất Iran bị chính phủ Mỹ gán mác “khủng bố”. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ liệt lực lượng quân sự của một quốc gia vào danh sách khủng bố. Động thái này của Mỹ đã góp phần khiến mâu thuẫn giữa Mỹ - Iran ngày càng sâu sắc hơn
IRGC sở hữu lực lượng gồm 125.000 quân nhân, nắm quyền kiểm soát lực lượng dân quân Basij bán quân sự với khoảng 90.000 thành viên thường trực và điều hành cả lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Quds Force
IRGC nắm giữ vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Iran: Lực lượng Quds Force, một đơn vị biệt kích ưu tú dẫn đầu trong các hoạt động tình báo và quân sự của Iran trên khắp Trung Đông
Quds Force trực thuộc IRGC, được thành lập từ những năm 80 ở thế kỷ trước nhằm hỗ trợ các hoạt động của Cách mạng Hồi giáo
Tuy có rất ít thông tin được tiết lộ, song nhiều nguồn tin cho hay, Quds Force hiện có khoảng 15.000 quân, hoạt động bí mật, và là đối thủ đáng gờm của lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq
Lực lượng Quds Force luôn là một cái gai nhọn đâm liên tục vào lợi ích của nước Mỹ ở Trung Đông, lực lượng này cung cấp viện trợ quân sự cũng như hỗ trợ chiến đấu trực tiếp với các chiến binh chống Mỹ tại các điểm nóng như Iraq và Afghanistan
Lực lượng này ra đời nhằm trở thành một đối trọng quan trọng với quân đội truyền thống của Iran, vốn được cho là còn trung thành với các Shah (vua Ba Tư) đang chịu lưu đày sau khi bị Cách mạng lật đổ
Mới đây, vụ việc tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds Force, bị ám sát đã khiến chính quyền Iran vô cùng phẫn nộ và “thề báo thù bằng mọi giá”.
Bên cạnh lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, Iran còn nổi tiếng với nhiều khí tài quân sự hiện đại
Hồi tháng 6-2019, Iran công bố tên lửa chống hạm Nasir do nước này tự phát triển
Chia sẻ về tên lửa chiến đấu của nước mình, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami từng cho biết: “Công nghệ tên lửa nội địa Iran đã thay đổi cán cân sức mạnh ở Trung Đông. Các loại tên lửa này đủ sức đánh trúng tàu sân bay trên biển với độ chính xác cao. Tất cả đều được chế tạo trong nước và rất khó bị đối phương đánh chặn”
Iran hiện có 12 loại tên lửa chiến đấu, phần lớn là tầm ngắn và tầm trung. Bên cạnh đó, Iran cũng đang tiếp tục phát triển và chế tạo thêm nhiều loại tên lửa mới để nâng cao sức mạnh quân sự
Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ), Iran có lực lượng tên lửa mạnh nhất, đa dạng nhất Trung Đông. Một số tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Iran có khả năng tấn công Israel ở khoảng cách hơn 2.000 km, và có thể vươn tới một phần Đông Nam châu Âu
Gần đây, Iran cũng đang đạt được nhiều tiến bộ về khả năng phát triển máy bay không người lái, trong đó Raad 85 có thể mang đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia Anthony Cordesman ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược cho rằng, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có thể trở thành loại vũ khí đáng sợ nhất của Iran
Bên cạnh đó, sức mạnh lục quân Iran còn nằm ở 8.577 xe tăng chiến đấu, hệ thống phóng rocket, pháo tự hành, pháo kéo và xe thiết giáp
Đoàn xe tên lửa của Iran khiến nhiều đối thủ phải dè chừng
Iran còn sở hữu 512 máy bay (tính cả máy bay trực thăng), 398 tàu nổi và tàu ngầm.