Từ những năm 1975, các lực lượng đặc nhiệm người nhái Liên xô được trang bị súng tiểu liên bắn dưới nước. Tiểu liên đặc chủng này có tên APS, thiết kế của kỹ sư Vladimir Simonov thuộc Viện nghiên cứu phát triển máy thiết bị chính xác "TSNIITOCHMASH").
Năm 1968, TSNIITOCHMASH nhận nhiệm vụ phát triển hệ thống vũ khí bắn dưới nước, bao gồm súng tiểu liên và súng ngắn. Các kỹ sư trong một cuộc thi đua quyết liệt đã phát triển các mẫu súng tiểu liên và súng máy bắn dưới nước, các loại súng này phải trở thành súng cá nhân của mỗi binh sĩ đặc nhiệm hải quân. Súng phải diệt được các mục tiêu dưới nước trong khoảng cách đảm bảo an toàn chiến đấu và trên mặt nước.
Súng APS. |
Súng APS được phát triển loại đạn có đầu đạn hình mũi nhọn dài, hình dáng này nhằm giải quyết vấn đề ổn định quỹ đạo đường đạn trong nước và đạn không quay quanh trục của nó. Trong các viên đạn MPS để bắn dưới nước, được phát triển bởi các kỹ sư Sazonov và Kravchenko có sử dụng vỏ đạn tiêu chuẩn 5,45 mm 7N6 lắp đầu đạn hình mũi nhọn dài 120 mm.
Đầu năm 1970, sau khi đã thiết kế thành công đạn súng tiểu liên Vladimir Simonov bắt đầu chế tạo súng tiểu liên dưới nước AG -022, cỡ nòng 5,56mm. Súng có khổi lượng và kích thước nhỏ hơn nếu so với AK - 74, sử dụng đạn 5,56mm mạnh hơn gấp 1,5 lần và dài gấp đôi đạn 7N6 5,45mm.
Năm 1975 sau khi hoàn thiện và thử nghiệm thành công súng tiểu liên dưới nước Simonov được biên chế vào lực lượng Hải quân Liên xô với định danh “súng tiểu liên dưới nước 5,56mm APS”. Sự xuất hiện loại vũ khí đặc biệt, được sử dụng để chiến đấu với các người nhái dưới nước của đối phương, không có loại súng nào tương đương trên thế giới. Lần đầu tiên quân đội Liên xô đã đặt nền tảng cho vũ khí tự động có thể hoạt động hiệu quả ở môi trường nước”.
Đạn sử dụng cho súng dưới nước khá đặc biệt. Tốc độ đạn trong nước là 250m/s, trên không là 365m/s. Khoảng cách sát thương hiệu quả dưới nước là 25m, thước ngắm hiệu quả dưới nước là 15 m. Xuống sâu dưới 10 m nước do áp suất, các thông số kỹ thuật sẽ giảm xuống.
Tầm bắn hiệu quả của APS đã vượt xa tầm nhìn trong nước, còn trên mặt nước đạn có khả năng sát thương ở khoảng cách 100 m. Do các lực lượng đặc nhiệm người nhái hoạt động trong cả hai môi trường chiến đấu, tầm bắn của súng trên đất liền không đạt yêu cầu.
Thực tế tầm bắn của súng Kalasnhicov trên đất liền hơn 500 m, tiểu liên Mỹ M16A1 là 400m. Hầu như tất cả các loại súng trường cá nhân của NATO đều có tầm bắn tương đương, do đó không thể sử dụng súng bắn dưới nước cho súng bắn trên cạn. Để thực hiện tác chiến, các chiến sĩ đặc nhiệm người nhái buộc phải mang theo hai loại vũ khí, một là trên cạn - súng AK, hai là dưới nước - súng APS.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến tích hợp hai loại súng tiểu liên thông thường và súng tiểu liên dưới nước được Viện nghiên cứu pháo binh Tula ТАII (1869-2010) tiếp nhận vào đầu những năm 1990. Duy nhất chỉ có ở viện nghiên cứu này mới có một phòng thí nghiệm phát triển, nghiên cứu và thử nghiệm các loại vũ khí bắn dưới nước.
Đặc nhiệm Hải quân Nga trang bị súng APS. |
Vào năm 1991, TAII đã chế tạo khẩu súng tiểu liên hoạt động trong hai môi trường đầu tiên. Súng khi bắn dưới nước có thông số kỹ thuật tương tự như APS, khi bắn trên đất liền có tính năng kỹ chiến thuật tương tự như AKS - 74U.
Các đồng sự của giáo sư tiến sĩ khoa học Yuri Danilov đã tiến hành các thí nghiệm nghiên cữu APS và thiết kế một mẫu súng đặc biệt đa dụng ASM - DT. Súng có khả năng bắn hiệu quả dưới nước bằng đạn đặc biệt 5,45mm, khi lên khỏi mặt nước sử dụng loại đạn 7N9 (5,45 x 39 mm) thông thường.
Khác với súng APS nòng trơn, ASM-DT vẫn lắp nòng súng tiện rãnh xoắn. Năm 1999 Viện thiết kế công nghệ chế tạo máy thiết bị chính xác Tula đã nộp đơn xin cấp Bằng sáng chế “ Súng tiểu liên kết hợp hai môi trường sử dụng”. Loại vũ khí “Kỳ diệu” này có được những kết quả rất tốt.
Theo lời phát biểu của nhà sáng chế Danhilov, có nhiều nơi muốn mua lại ý tưởng sáng chế loại vũ khí hai môi trường. Các đại diện từ các nước vùng Batic, Hàn Quốc và Ấn Độ. Có những đề xuất xây dựng dây truyền sản xuất cho các nước này.
Súng tiểu liên đã biểu diễn rất thành công trong các thử nghiệm của Bộ quốc phòng Nga trên thao trường Rzhevsky gần St Petersburg. Năm 2000 ASM vượt qua các cuộc thử nghiệm theo chương trình có tính đến những yêu cầu kỹ chiến thuật trên chiến trường của súng trường tấn công.
Theo những thông tin từ báo cáo thống kê kết quả bắn của ASM về độ chính xác và độ chụm thì súng bắn trên đất liền có độ chụm cao hơn AK -74, AK - 105, M16A1 của Mỹ, hoàn toàn không thua kém gì súng tiểu liên AN-94 "Abakan", khi bắn dưới nước súng có hiệu quả hơn hẳn súng tiểu liên APS. Súng có dự trữ số phát bắn lên đến 15000 lần (10000 trên bộ và 5000 dưới nước). Súng APS chỉ có 180 và 2000.
Mặc dù tiểu liên ASM có thể so sánh được với các súng trường tiêu chuẩn của các nước, nhưng nguyên mẫu ASM vẫn chưa giải quyết được vấn đề đạn nhọn dài đặc chủng. Do đó, với ASM-DT cũng như với ASP khi sử dụng súng dưới nước phải lắp băng đạn đặc biệt, có độ dài rộng hơn băng đạn thông thường, làm tăng kích thước của tổ hợp vũ khí và gây khó khăn khi mang thiết bị.
Trên cơ sở những giải pháp kỹ thuật cho súng ASM của kỹ sư thiết kế Yuri Danilov đã chế tạo mẫu thử nghiệm Ao súng tiểu liên ADS hai môi trường, có khả năng sử dụng đạn MPS ở dưới nước và đạn 5,45 x 39 tiêu chuẩn trên bộ.
Chiến sĩ đặc nhiệm người nhái để thực hiện nhiệm vụ phải mang theo hai loại băng đạn. Để giải quyết triệt để vấn đề đạn cho súng tiểu liên hai môi trường (dưới nước và trên mặt nước), nhóm thiết kế của Viện TAII vào năm 2005 đã phát triển loại đạn bắn dưới nước 5,45 x 39 PSP, sử dụng vỏ đạn tiêu chuẩn của đạn 5,45mm và có cùng kích thước với đạn tiêu chuẩn.
Loại đạn mới này có đầu đạn bằng thép hợp kim có độ dài đến 53mm và nặng 16g, phần lớn đầu đạn nằng trong vỏ đạn. Giải pháp này cho phép giữ được kích thước tiêu chuẩn của đạn 5,45x39 ((7N6, 7N10, 7N22, v.v..) và băng đạn tiêu chuẩn của súng tiểu liên AK - 74. Sơ đồ thiết kế đạn bắn dưới nước 5,45 x 39 PSP của nhóm thiết kế TAII được nhận Bằng sáng chế của Liên bang Nga.
Đạn PSP có đầu đạn lõi thép cứng (là đạn xuyên giáp) có kích thước nhỏ hơn để không xoay trong nòng súng, vận tốc ban đầu trong không khí là 330m/s. Trong nước đạn ổn định đường bay và thắng sức cản của nước nhờ lớp bọt bong bóng bao phủ quanh viên đạn, lớp bọt được tạo thành bởi mặt cắt phẳng vuông góc trên đầu mũi đạn.
Tầm bắn hiệu quả của đạn PSP trong nước ở độ sâu 5 m là 25 m, ở độ sâu 20 m nước là 18 m. Để huấn luyện và thục luyện, các nhà thiết kế đã chế tạo loại đạn bọc đồng PSP-U có khối lượng 8g với tầm bắn giới hạn trong tầm nhìn. Đạn PSP khi bắn dưới nước có hiệu quả tác chiến cao hơn hẳn loại đạn mũi nhọn dài 5,56mm MPS.
Trong năm 2005, dựa trên cơ sở đạn PSP và súng tiểu liên lắp phóng lựu kẹp nòng А-91М đã phát triển nguyên mẫu súng tiểu liên hai môi trường ADS, sử dụng một loại băng đạn cho hai loại đạn. Nguyên mẫu được Trung tâm nghiên cứu thiết kế vũ khí thể thao và săn bắn TsKIB COO phát triển. Năm 2007 quá trình phát triển ADS kết thúc, năm 2009, mẫu súng chế tạo sản xuất hàng loạt đã hoàn thành.
ADS nhận được những ứng dụng công nghệ từ súng tiểu liên A- 91M theo sơ đồ cấu trúc "bullpup", sử dụng nhiều vật liệu nhựa tổng hợp trong thiết kế hộp khóa nòng, tổ hợp cấu trúc các bộ phận tương tự như súng A-91M, bộ phận bệ khóa nòng và pit tông đi từ ống trích khí qua một ống ngắn đến hộp khóa nòng ở phía sau tay cầm súng.
Đóng mở buồng nòng bằng khóa nòng xoay, vỏ đạn được hất về phía trước qua một ống ngắn phía bên phải nòng súng đến phía sau tay xách súng qua cửa thoát vỏ đạn. Trong thiết kế bộ phận trích khí ga có bộ phận điều chỉnh khí ga ở hai chế độ “nước - không khí”. Các bộ phận của súng được chế tạo phần lớn từ nhựa tổng hợp cường lực chịu va đập cao, các vật chất đặc biệt và được sơn phủ bằng hợp chất chống rỉ cao.
Ứng dụng các vật liệu tổng hợp cho phép giảm khối lượng của súng và tăng độ bền trong môi trường nước biển. Sơ đồ ‘bullpup” của súng làm giảm độ dài vũ khí trong điều kiện vẫn giữ nguyên chiều dài đường nòng truyền thống. Kích thước ngắn giúp chiến sĩ đặc nhiệm người nhái thuận lợi hơn trong cơ động, giữ súng ổn định hơn trong môi trường nước và loại trừ việc gấp mở báng súng như tiểu liên AK báng gấp.
Bộ phận hất vỏ đạn về phía trước từ hộp vỏ súng có nắp đậy làm giảm khí gas trước mặt xạ thủ, loại trừ khả năng gây sát thương những người bên cạnh, cho phép người sử dụng súng có thể bắn thuận cả tay phải lẫn tay trái.
Trên bộ, súng sử dụng đạn thông thường 5,45mm bao gồm đạn thường, đạn xuyên giáp, đạn vạch đường, đạn giảm liều thuốc phóng (dùng khi bắn với ống giảm thanh) và đạn huấn luyện. Dưới nước - sử dụng đạn PSP, xạ thủ chỉ cần thay đổi băng đạn. Từ năm 2009, các nhà thiết kế đã nghiên cứu phương án súng ADS sử dụng đạn tiêu chuẩn NATO 5,56 mm bằng phương án thay đổi nòng súng và cỡ đạn.
Số phận của súng tiểu liên hai môi trường không được thuận lợi. Vào năm 2007 thiết kế đã hoàn thiện, nhưng trong năm năm tiếp theo vẫn đang được thủ nghiệm và hoàn thiện. Chủ nhiệm thiết kế KBP Victor Zelenko khẳng định súng đã trải qua mọi thử thách và được đưa vào biên chế từ 4 năm trước, nhưng số lượng đặt mua rất nhỏ - 2 khẩu một năm.
Mùa hè năm 2009, ADS được đưa vào sử dụng thử trong các đơn vị đặc nhiệm hải quân, kết quả chiến đấu tốt hơn tiểu liên AK-74, theo độ chính xác và độ chụm hơn AKM, AK-74, AK-105 và M16 Mỹ. Khi bắn dưới nước súng hơn hẳn APS.
Trong trường hợp bắn ngay trên mặt nước vào các mục tiêu trên mặt đất, dù trong nòng đầy nước, súng vẫn hoạt động rất tốt, ADS hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi mưa gió và ngập lụt.
Nhưng đến ngày nay, ADS vẫn ở trong tình trạng sử dụng thử ở các phân đội đặc nhiệm người nhái của các hạm đội Biển Bắc, Biển Đen và Thái Bình dương. Các chiến sĩ đặc nhiệm Hải quân hoàn toàn hài lòng với loại vũ khí trong nước này.
Ngoài việc sử dụng trong quân sự, súng đang được phát triển để dùng trong dân sự. Tháng 4/2008 hai nhà thiết kế Daniel và Borisov đã gửi đơn đề nghị xin nhận bằng sáng chế Liên bang súng trường dân sự bắn trong hai môi trường “Cac bin đặc biệt”.
Đây là bằng sáng chế cho loại súng có thể nhanh chóng thay thế các loại đạn trong cùng một kiểu băng đạn, sử dụng được cả dưới nước và trên đất liền. Mục đích của sáng chế là thiết kế chế tạo mẫu súng “bullpup” dành cho các nhân viên thực thi pháp luật và các hoạt động dân sự theo Luật vũ khí (bắn phát một) có khả năng sử dụng với độ tin cậy cao.
Theo hồ sơ cấp bằng sáng chế này, súng có thể lắp các nòng súng các cỡ có rãnh xoắn như 5,45mm, 5,56 mm. Súng bắn dưới nước lắp băng đạn thông thường chứa loại đạn PSP bắn nước. Và tương tự như vậy với loại đạn bắn trên bờ, các băng đạn sử dụng có thể là băng đạn súng thể thao hoặc băng đạn súng đi săn.