Tâm huyết góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đó là nhiệm vụ được Ban Chấp hành Chi hội Di sản Văn hóa (DSVH) Việt Nam tại Hà Tĩnh tại đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Chiều 23/11, Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Ngũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam cùng dự.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức nhân sự và hoàn thành nhiều nhiệm vụ đã đề ra.

Chi hội đã tích cực tham gia phản biện một số chương trình, đề án của tỉnh liên quan đến lĩnh vực DSVH như: Đề án xây dựng Văn miếu Hà Tĩnh; Đề án bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm (DCVGNT), ca trù, Truyện Kiều, Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ; Đề án Chiến lược phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh…

Bà Phan Thư Hiền, Chi hội trưởng Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2015-2020 trình bày báo cáo trình đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Chi hội đã hướng dẫn lập hồ sơ và tư vấn phản biện trình UBND tỉnh xếp hạng trên 50 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) cấp tỉnh; lập hồ sơ trình Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xét công nhận Nghệ nhân dân gian và huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn nghệ dân gian cho 30 nghệ nhân thực hành dân ca ví, giặm, ca trù, trò kiều, chầu văn; trình Hội Di sản văn hóa Việt Nam tặng 10 Huy chương “Vì sự nghiệp bảo tồn DSVH Việt Nam”.

Trong nhiệm kỳ, chi hội đã kết nạp 17 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 50 người. Chi hội cũng đã góp phần tham gia khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội dân gian gắn với diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian và làng nghề truyền thống như: Lễ hội Chăm cha bới (dân tộc Chứt); lễ hội cầu ngư và diễn xướng hò chèo cạn Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); lễ hội sỹ - nông - công - thương ở Xuân Thành, lễ hội cầu khoa ở Tiên Điền (Nghi Xuân).

Ông Phan Thanh Là, Trưởng phòng VH-TT huyện Nghi Xuân: "Để bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH, chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Riêng Nghi Xuân đã có nhiều chính sách hỗ trợ các CLB văn hóa dân gian, các nghệ nhân dân gian".

Bảo tồn, phát huy các giá trị về tri thức dân gian, như: tri thức của người Nghệ về chuyện sinh đẻ; tri thức dân gian của người ven bờ sông La về phòng chống thiên tai, bão lũ….

Đánh giá kết quả đạt được, nhìn nhận những hạn chế trong nhiệm kỳ qua, đại biểu tham gia đại hội đã thảo luận các giải pháp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ mới.

Theo đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh sẽ phát huy rõ nét hơn vai trò trong việc tham mưu với cơ quan, ban ngành liên quan để góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá DSVH Hà Tĩnh; tăng cường hoạt động xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản...

Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương chia sẻ việc xây dựng bảo tàng Hoa Cương và quá trình sưu tầm, bảo tồn các hiện vật giá trị của mình.

Bên cạnh đó, tiếp tục tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá các loại DSVH Hà Tĩnh trên các kênh truyền thông. Mục tiêu đề ra là thực hiện 1-2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về lĩnh vực DSVH Hà Tĩnh; xuất bản 10 đầu sách của các hội viên Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh; từng bước thành lập CLB Hán Nôm, CLB cổ vật, CLB Thư pháp.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Ngũ khẳng định: Hà Tĩnh là vùng đất rất giàu các DSVH, Chi hội và các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị này.

Đại hội đã bầu BCH Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 7 cá nhân. Ông Nguyễn Tùng Lĩnh được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng.

BCH Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 nhận nhiệm vụ, hứa sẽ tâm huyết góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Cũng tại đại hội, Chi hội DSVH Việt Nam tại Hà Tĩnh trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 9 nghệ nhân trò Kiều Nghi Xuân.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói